Thực phẩm bẩn không có trong các văn bản và luật, hiện chỉ có thực phẩm đảm bảo an toàn và thực phẩm không an toàn.

Có lẽ chưa có khi nào vấn đề an toàn thực phẩm lại nhức nhối và nóng bỏng như hiện nay, khi mà ngày nào cũng có thông tin về thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, thực phẩm không đạt chất lượng. Điển hình như việc cơ quan chức năng vừa công bố măng ngâm chất vàng ô hôm trước, thì hôm sau lại có thông tin “thịt bò nhưng không phải là thịt bò” tại Hà Nội.

Chỉ sau việc công bố thịt bò giả ở Hà Nội 1 ngày, tại Đà Nẵng cơ quan chức năng lại công bố dưa muối ướp bằng chất vàng ô. Không dừng lại ở đó, mới đầu tuần mới khi vừa mở báo ra đọc, đập vào mắt đã là thông tin bắt quả tang hàng chục tấn mỡ bẩn đang được đưa vào Hà Nội để tiêu thụ…

Tất cả những vụ việc trên đang khiến người dân như đang lạc vào “mê cung” mà không có lối thoát. Nhưng khi mang những vấn đề thời sự này để đặt câu hỏi với cơ quan chức năng thì thật ngạc nhiên khi câu trả lời nhận được là: Việt Nam không có thực phẩm bẩn, thực phẩm bẩn là do người dân tự nói ra.
 

Dư luận đang rất bất an trước tình trạng thực phẩm bẩn ngày càng gia tăng.
Dư luận đang rất bất an trước tình trạng thực phẩm bẩn ngày càng gia tăng.


Theo đó, tại buổi gặp mặt báo chí nhằm tổng kết công tác ATTP quý I (năm 2015) và triển khai tháng Vệ sinh An toàn thực phẩm năm 2016 với chủ đề: “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, khi phóng viên đặt câu hỏi: Thế nào là thực phẩm bẩn? Quy chuẩn nào hiện nay đánh giá thực phẩm sạch?

Đại diện lãnh đạo Cục An toàn Thực phẩm (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm Quốc gia) TS Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục ATTP thẳng thừng tuyên bố: “Thực phẩm bẩn và sạch không có trong các văn bản và luật. Chỉ có thực phẩm đảm bảo an toàn đã được xác nhận công bố, xác nhận phù hợp với an toàn thực phẩm. Còn bẩn - sạch do người dân nói ra. Thực phẩm không an toàn là thực phẩm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.

Theo vị tiến sĩ này, hiện nay các quy chuẩn về an toàn đã được công bố đầy đủ, thậm chí các chất cấm sử dụng, phụ gia, danh mục nào được sử dụng cũng đã được quy định rõ ràng.

Còn các quy chuẩn an toàn đã có ở trong trang web của Cục ATTP, trong mục văn bản có các danh mục của quy chuẩn an toàn thực phẩm. Chúng tôi có danh mục các chất cấm, phụ gia, danh mục được sử dụng với thực phẩm bẩn.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập tới vấn đề chất tạo nạc Sabultamon và vấn đề nhuộm ruốc đỏ au ở Phú Yến, vụ Phó Cục trưởng này cho rằng, câu hỏi trên đã “lạc đề” và đề nghị phóng viên tập trung vào các vấn đề được triển khai trong Tháng an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2016 và bỏ ngỏ các câu hỏi của phóng viên. Có lẽ vấn đề nhuộm đỏ ruốc và lợn được tạo nạc bằng chất cấm trong chăn nuôi nằm ngoài vấn đề an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, TS Long cũng thẳng thắn thừa nhận, bản thân mình không thể nhận ra được thực phẩm nào đang chứa chất cấm, thực phẩm nào là an toàn. “Nếu ai hỏi tôi nhìn miếng thịt này có chất cấm hay không tôi cũng chịu. Nếu nhìn được bằng mắt thường các chất cấm trong thực phẩm thì chẳng cần phải xét nghiệm nữa, chẳng cần cơ quan nào nữa. Cái đấy cần phải có chuyên môn, phải có kiểm nghiệm thì mới kết luận được”.

Trước những ý kiến trên, nhiều người dân đều cho rằng quan điểm trên là quá cứng nhắc khi bất kể cái gì cũng phải quy định và văn bản. Ngoài ra, nếu nhìn thấy thực phẩm bẩn nhưng phải đi lấy mẫu, xét nghiệm bao giờ có kết quả mới xử lý thì chẳng khác nào: “chờ được vạ, má đã sưng”.

Bởi theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo – Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh An toàn thực phẩm Quốc gia cho biết, thời gian kiểm nghiệm các loại thực phẩm còn tùy thuộc vào nhóm chất và thời gian mẫu gửi về.

“Thời gian xét nghiệm, kiểm nghiệm không khống chế, có những mẫu chúng tôi làm chỉ nửa ngày là xong, nhưng có những mẫu phải mất 15 ngày tùy vào chất trong mẫu đó. Ví dụ làm vi sinh còn phụ thuộc vào con vi sinh đó, còn đối với mẫu có thông số rõ ràng, có chất rõ ràng thì sẽ nhanh hơn”, PGS Hảo nói.

Vẫn biết để giải quyết được vấn đề an toàn thực phẩm không phải câu chuyện một sớm, một chiều nhưng nếu vẫn cứ tình trạng giải quyết phần ngọn, hoặc chỉ khi nào người dân phát hiện ra vụ việc mới có thông báo, công văn yêu cầu xử lý thì người dân Việt Nam sẽ mãi phải ăn thực phẩm bẩn.

 

Theo Khám phá
 

.