Hết tính chuyện cấm uống bia rượu sau 22 h, giờ lại đến dự thảo cấm bán bia vỉa hè, trong khi phương Tây họ vẫn bán. Lạ thay, chính đơn vị soạn thảo cũng biết là khó thực hiện, nhưng vẫn muốn đưa vào.


Lại quy định của 'ông trên trời'?

Theo tờ trình của Bộ Công Thương, nghị định trên nếu ra đời sẽ giúp Nhà nước quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh đối ngành bia, mang lại những tác động tích cực đối với xã hội, như giảm thiểu tác động xấu tới sức khỏe của người sử dụng, đảm bảo trật tự an ninh,... Thị trường bia nếu được quản lý tốt (từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng) sẽ tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách...

Bộ Công Thương ước tính, sau khi nghị định có hiệu lực, thuế thu về cho ngân sách nhà nước ước tính tăng thêm khoảng 3.150 tỷ đồng/năm. Phí để thực hiện việc cấp giấy phép sản xuất bia ước tính 3,5 tỷ đồng mỗi năm.

Trả lời báo Thanh niên, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết, trước đây, Bộ Công Thương đã có nghị định quản lý về rượu, nay có thêm nghị định quản lý về bia thì rất tốt, cụ thể hóa một bước nữa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.

Song, rất nhiều chuyên gia vẫn hoài nghi về tính thực tiễn của dự thảo nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh bia. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng: “Một chính sách như thế này, theo tôi, nó không khác lắm so với các chính sách, dự thảo chính sách trước đây như dự thảo cấm bán bia rượu sau 20 giờ hay biển xe chẵn đi ngày chẵn, biển xe lẻ đi ngày lẻ, hay ngực lép không được lái xe...”.

Trong khi đó, hiện có rất nhiều lĩnh vực cần tập trung xây dựng chính sách để khắc phục tình trạng tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh, thực phẩm... hàng ngày, hàng giờ làm cho hàng ngàn người thiệt mạng. “Cần tập trung nghiên cứu chính sách xây dựng để triển khai, xử lý những bất cập trên, thay vì đề ra những chính sách đâu đâu, xa rời thực tế”, ông Phú nhận xét.

 

Theo Vietnamnet

.