|
|
Ban thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận. |
Thực hiện Quyết định số 539 ngày 23/2/2018 của UBND tỉnh Bình Định về việc phân bổ 1.000 tấn gạo do Chính phủ Hàn Quốc thông qua quỹ APTERR hỗ trợ nhân dân tỉnh Bình Định bị thiệt hại do bão Damrey và thiên tai năm 2017, UBND huyện Tuy Phước đã triển khai chủ trương này đến các xã, thị trấn trong huyện. Đối tượng được cứu trợ là các hộ dân bị thiệt hại do bão Damrey, hộ nghèo, cận nghèo và gia đình khó khăn với mức cứu trợ 15kg gạo/nhân khẩu/tháng, thời gian cứu trợ 1-3 tháng.
Căn cứ theo Quyết định 399 ngày 07/02/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về việc phân bổ 2.125.665kg Trung ương hỗ trợ cho tỉnh Bình Định để cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018 và giáp hạt đầu năm 2018, UBND huyện Tuy Phước ra Quyết định phân bổ gạo cứu trợ giáp hạt đầu năm 2018 trên địa bàn huyện. Đối tượng là các hộ bị thiếu đói do thiệt hại bởi bão, mưa lũ tháng 11,12 năm 2017, hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bão, mưa lũ, hộ có diện tích đất gieo trồng bị sa bồi, thủy phá dẫn đến mất mùa đầu năm 2018.
|
|
Vùng ruộng ở thôn Quảng Vân bị sa bồi thủy phá dân không thể canh tác. |
Trong đó số lượng gạo phân bổ về xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước là 14.800kg gạo từ nguồn Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, 37.000kg gạo giáp hạt, riêng thôn Quảng Vân phân bổ 8.685kg bao gồm gạo Chính phủ Hàn Quốc và gạo giáp hạt cho 333 hộ dân (135 hộ nhận gạo Hàn Quốc và 198 hộ nhận gạo giáp hạt) mỗi hộ 15kg. Thế nhưng, khi thôn Quảng Vân phát gạo cho bà con là đối tượng được cứu trợ lại người có, người không, người nhiều, người ít khiến bà con trong thôn bức xúc, nhất là các hộ dân ở xóm Khánh Vân.
Một người dân ở xóm Khánh Vân, thôn Quảng Vân chia sẻ: “Hiện có 13 hộ dân chưa được nhận gạo cứu trợ, chúng tôi sinh sống ở vùng Quảng Vân đều bị lũ lụt như nhau nhưng nhà có nhà không, có nhà trong diện khó khăn, thiếu đói không nhận được bất kỳ nguồn cứu trợ gạo hoặc tiền. Khi có nguồn hỗ trợ thì cán bộ xóm, thôn dấu kín không thông báo cho toàn dân biết, chờ chúng tôi đến hỏi mới nói có hỗ trợ. Trong số đó một số hộ có tên trong danh sách nhận gạo, tiền nhưng thực tế lại không được nhận.”
Ông Nguyễn Văn Hòa – Trưởng thôn Quảng Vân cho biết: “Sau khi thôn phát gạo có 4 hộ đến khiếu nại là ông Lê Thành Được, hộ này bán vật liệu xây dựng; ông Lê Thanh Hòa đang làm giám đốc doanh nghiệp, hai hộ Trần Viết Thông và Trần Quốc Tam Sơn đã có danh sách nhận tiền hỗ trợ người dân bị lũ lụt năm 2016 của Hội chữ thập đỏ Việt Nam do New Zealand tài trợ nên chúng tôi để lần sau vì còn thiếu 59 suất gạo cho bà con. Ban thôn ưu tiên cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn còn các hộ điều kiện kinh tế khá hơn hoặc nhận tiền trong chương trình hỗ trợ khác thì để lại. Ngoài ra, các hộ có hộ khẩu địa phương nhưng không sinh sống tại thôn, không canh tác ruộng thì không đưa vào danh sách. 13 hộ chưa được nhận gạo, các hộ phải làm danh sách để chúng tôi đối chiếu đã nhận hay chưa. Cán bộ thôn, xóm làm việc vất vả, lương trợ cấp 50.000 đồng quá ít ỏi, kiếm không ra người thay thế. Vừa rồi khi phát gạo ông thôn phó phát gạo bị thiếu 15kg phải bỏ tiền túi ra đền”.
|
|
Thôn Quảng Vân là vùng chiêm trũng, nơi rốn lũ của xã Phước Thuận. |
Ông Lê Văn Triều – Phó Chủ tịch UBMTTQVN xã Phước Thuận chia sẻ thêm: “Tôi khẳng định không có cán bộ thôn, xóm ăn bớt gạo cứu trợ của dân. Vấn đề là cán bộ thôn, xóm chưa làm tốt công tác vận động, tuyên truyền các chủ trương của huyện, xã đến nhân dân khiến dân bức xúc khiếu nại. Bây giờ vận động người làm cán bộ thôn, xóm là rất khó vì lương trợ cấp quá thấp không ai nhiệt tình làm còn bị nghe dân mắng, chửi”.
Mặc dù trong văn bản số 158, ngày 01/3/2018, UBND huyện Tuy Phước yêu cầu các xã, thị trấn tổ chức cứu trợ kịp thời cho nhân dân, tuyệt đối không đưa gạo về thôn cấp phát, không để gạo ẩm ướt hoặc thất thoát thế nhưng UBND xã Phước Thuận vẫn giao về thôn cấp phát. Chính điều này dẫn đến việc cấp phát gạo cứu trợ thiếu đồng đều khiến nhân dân bức xúc, cán bộ thôn làm thất thoát gạo phải bỏ tiền túi ra đền. Thôn Quảng Vân là vùng chiêm trũng, nơi rốn lũ của xã Phước Thuận, bởi vậy năm nào mưa, bão, lũ lụt nặng thì năm ấy người dân Quảng Vân khiếu nại về gạo, tiền cứu trợ nhiều hơn.
Lê Bình