Ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, lối phân biệt giàu nghèo của những người làm dịch vụ với “thượng đế” ngày càng trở nên phổ biến.

 


Chị Hà Phương (37 tuổi, nhân viên văn phòng) ở Hà Nội cũng góp chuyện, vì nhiều lần chị đã mất tiền mua hàng mà còn gánh bực mình.

Hôm đó, chị và chồng có tới một địa điểm mua sắm nổi tiếng ở Hà Nội. Mặc dù hóa đơn thanh toán của vợ chồng chị lên đến gần 30 triệu nhưng nhân viên vẫn khá thờ ơ, thậm chí còn có thái độ dè bỉu. Anh chị bị đối xử như kiểu nhà quê ra tỉnh, rồi đoán già đoán non chắc là mới giàu sổi. Đến khi thanh toán, chị để ý thấy cô nhân viên thu ngân đang hỏi thông tin cá nhân của khách để lưu hồ sơ và tặng thẻ VIP. Chị quay lại nhìn chồng thấy anh mặc quần ngố, áo phông, trong khi người ta mặc vest hàng hiệu mới vỡ lẽ tại sao mình không được coi là khách VIP.

Việc phân chia khách hàng cao cấp và bình dân là phù hợp với chiến lược kinh doanh của mỗi thương hiệu, nhằm tập trung vào nhóm khách hàng tiềm năng. Nhưng không phải vì thế nhân viên bán hàng lại hình thành thái độ phân biệt đối xử giàu nghèo đối với khách.

Đặc biệt, tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, thái độ phân biệt thể hiện khá rõ, gây ra tâm lý ngại ngần của khách hàng khi bước chân vào những trung tâm mua sắm, hay những cửa hàng “sang chảnh”.


Trong khi đó, ở một số trung tâm mua sắm sang trọng, thái độ phục vụ lại chưa tương xứng với đẳng cấp. Mới đây, một cựu du học sinh Nhật Bản đã lên tiếng phản ánh về văn hóa phục vụ tại Tràng Tiền Plaza ở Hà Nội.

Cụ thể, khi khách chưa lấy xe, bảo vệ ở tầng hầm đã yêu cầu trả tiền, đến lúc lấy xe ra thậm chí không cầm lại vé. Còn bảo vệ tòa nhà thì không biết tươi cười, chào hỏi và lịch sự mở cửa cho khách ra vào. Nhân viên bán hàng thiếu chuyên nghiệp khi chăm sóc khách, như không đeo bao tay và in dấu vân tay trên sản phẩm hàng hiệu... Bởi lẽ đó, anh và nhiều người khác tuyên bố sẽ không mua đồ ở đây, nơi yêu cầu khách hàng tiêu tiền như giới siêu giàu nhưng lại phục vụ kiểu bình dân.


Theo Vietnamnet

.