Đầu tháng 7/2021, nhận được thông tin về vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, từ trụ sở tòa soạn báo Bảo vệ pháp luật, chúng tôi đã vượt gần 400 km để lên Bắc Mê, với nhiều đoạn đường đèo dốc hiểm trở. Tận mắt chứng kiến những thân nghiến cổ thụ bị chặt hạ trái phép nằm ngổn ngang giữa rừng già, chúng tôi không khỏi xót xa về cách một số người đã đối xử tệ bạc với thiên nhiên.

Cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang xác định, đây là vụ phá rừng lớn nhất từ trước nay tại địa phương này. Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng xác định có 217 cây gỗ quý hiếm thuộc nhóm IIA, chủ yếu là cây gỗ nghiến, có khối lượng hơn 1.764m3 đã bị chặt hạ trái phép tại nhiều cánh rừng thuộc địa bàn xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, trong số này, có hàng trăm cây được phát hiện tại khu vực thuộc vùng lõi rừng đặc dụng Du Già.

leftcenterrightdel
 PV Báo BVPL tại hiện trường.

Theo chân đoàn cán bộ kiểm lâm Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già tiến vào vùng lõi nơi có nhiều cây nghiến cổ thụ bị chặt hạ. Tại hiện trường cho thấy, nhiều cây gỗ nghiến có đường kính từ 1 mét đến hơn 1,2 mét bị cưa đổ nằm ngổn ngang, một vài cây vết cắt còn tươi, cành lá vừa héo, còn lại đa phần được xác định bị chặt hạ cách đây vài tháng. Vì vậy, khi một cây nghiến cổ thụ bị cưa đổ sẽ kéo theo rất nhiều các cây lớn, nhỏ xung quanh bị đổ gãy theo, khiến cả một vạt rừng trở nên tan hoang...

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Ngô Quang Vũ trao đổi với phóng viên. 

Kiên quyết đấu tranh với tội phạm phá rừng

Đã từng kiểm sát điều tra nhiều vụ án và thực hành quyền công tố tại nhiều phiên tòa xét xử các đối tượng hình sự, trong đó có cả vụ án về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, nhưng không có vụ nào làm Kiểm sát viên Ngô Quang Vũ - VKSND huyện Bắc Mê lại trăn trở, băn khoăn, suy nghĩ như vụ án phá rừng xảy ra tại xã Minh Ngọc.

Theo Kiểm sát Ngô Quang Vũ: sau khi tiếp nhận được tin báo về vụ phá rừng tại xã Minh Ngọc, lãnh đạo VKSND huyện Bắc Mê đã phân công nhiệm vụ, giao cho anh kiểm sát điều tra và thực hành quyền công tố đối với vụ án này. “Khi được giao nhiệm vụ, tôi khá băn khoăn vì hiện trường rừng bị phá rất rộng, ở nhiều khu vực khác nhau, địa hình khó khăn, hiểm trở, vì vậy công tác khám nghiệm sẽ không hề đơn giản, sẽ phải lặn lội nhiều ngày trong rừng sâu và di chuyển trên nhiều địa hình phức tạp. Thời điểm đó lại đang vào mùa mưa, tôi hiểu rõ việc đi rừng mà gặp mưa lớn thì nguy hiểm như thế nào”, Kiểm sát viên Ngô Quang Vũ kể lại.

leftcenterrightdel
 Hiện trường vụ việc.

Thế rồi mọi băn khoăn lo lắng về những trở ngại khó khăn cũng được Kiểm sát viên Ngô Quang Vũ gạt sang một bên, khi anh cùng lực lượng Kiểm lâm và Cơ quan điều tra đi vào khám nghiệm hiện trường. Chứng kiến cảnh hàng trăm cây gỗ nghiến cổ thụ bị chặt hạ trái phép và những vạt rừng bị tàn phá, Kiểm sát viên Vũ đã quên đi mọi vất vả, mệt nhọc mà anh vừa phải trải qua, đó là quãng đường dài đi bộ, băng rừng vượt núi để vào đến hiện trường.

“Lúc này, trong suy nghĩ của tôi là chỉ muốn thật nhanh tìm ra các đối tượng phá rừng để xử lý theo quy định của pháp luật; bắt các đối tượng phải trả giá cho những cây nghiến cổ thụ hàng trăm năm tuổi phải chết một cách oan uổng”.

Cũng theo Kiểm sát viên Ngô Quang Vũ cho biết, quá trình khám nghiệm mất rất nhiều thời gian, càng khám nghiệm càng thấy hiện trường rộng lớn, bởi vì các cây gỗ bị chặt hạ ở nhiều địa điểm khác nhau và thời gian khác nhau. “Quá trình điều tra, Kiểm sát viên đã đặt ra yêu cầu xác minh đối tượng”. Xác định đối tượng khả nghi là người địa phương nên lực lượng chức năng đã tổ chức tuyên truyền, vận động các đối tượng ra đầu thú, đồng thời phát động quần chúng tố giác tội phạm, qua đó đã nắm bắt rõ hơn thông tin về một số đối tượng phá rừng, từ đó triệu tập các đối tượng đến trụ sở để đấu tranh làm rõ. Bước đầu, một số đối tượng đối phó, không hợp tác nhưng sau khi được lực lượng chức năng tuyên truyền, giải thích nên sau đó các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội của bản thân.

leftcenterrightdel
Tác giả tại hiện trường vụ phá rừng đặc dụng Du Già.  

Tuy nhiên bên cạnh thuận lợi, đó là một số đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội của bản thân thì quá trình điều tra cũng gặp không ít khó khăn, đó là  khi VKSND huyện Bắc Mê phê chuẩn khởi tố một số đối tượng thì một số đối tượng khác biết thế nào rồi cũng đến lượt mình bị khởi tố nên đã bỏ trốn khỏi địa phương. “Đến thời điểm hiện tại, sau khi phân loại, cơ quan tiến hành tố tụng huyện Bắc Mê đã khởi tố 8 vụ án với 20 bị can về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, hiện, đã đưa ra truy tố, xét xử được 3 vụ/4 bị cáo, Kiểm sát viên Ngô Quang Vũ thông tin.

Lòng trắc ẩn với một số hoàn cảnh lầm lỗi

Kiểm sát viên Ngô Quang Vũ tâm sự: “Quá trình kiểm sát điều tra và thực hành quyền công tố, trực tiếp hỏi cung các đối tượng, đôi lúc tôi động lòng trắc ẩn trước hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của một số đối tượng cộng với sự nhận thức pháp luật còn hạn chế nên đã vi phạm pháp luật. Như trường hợp của bị can Mã Thanh Đức và Vàng A Vù, Lò A Nô.

leftcenterrightdel
 Một cây nghiến cổ thụ bị chặt hạ.

Trường hợp bị can Mã Thanh Đức mới lập gia đình, bố mẹ cho ra ở riêng, vợ Đức vừa sinh con. Gia đình Đức sinh sống trong ngôi nhà vách liếp chật hẹp. Khi bị khởi tố, Đức thành khẩn khai báo và hối hận về hành vi phạm tội của bản thân.

Hay trường hợp của Lò A Nô bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự. Sau khi được tuyên truyền vận động, Lò A Nô đã ra đầu thú. Quá trình điều tra, bị can thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị can là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo của địa phương, cơ quan tiến hành tố tụng huyện Bắc Mê xác định Lò A Nô phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ nên tuyên phạt Lò A Nô 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Củng Thị Mẩy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: Qua vụ việc để xảy ra tình trạng phá rừng vừa qua, huyện cũng đã họp kiểm điểm và lấy đây là bài học sâu sắc.

Hồng Nguyên