Theo nhận định của Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Hà Nội, công tác quản lý trẻ tại chùa Bồ Đề rất lỏng lẻo. Chính điều này đã tạo cơ hội cho tội phạm mua bán trẻ em hoạt động.
 


Viện dẫn Điều 2 của Luật Nuôi con nuôi, luật sư Được cho rằng, nguyên tắc của việc nhận con nuôi là xác định mối quan hệ pháp luật giữa cha, mẹ với con bền vững, lâu dài, đảm bảo ổn định cho đứa trẻ. Việc chùa Bồ Đề nhận và nuôi trẻ như vậy không đảm bảo đúng mục đích nuôi con nuôi.

“Nhà chùa không đứng tên nhận con nuôi được. Đối chiếu với Điều 14 Luật Nuôi con nuôi (quy định các điều kiện đối với người nhận con nuôi), các tổ chức nói chung và nhà chùa nói riêng không có trong chủ thể nhận con nuôi, không thỏa mãn các điều kiện để nhận con nuôi” - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội bày tỏ quan điểm.

Theo luật sư Được, không nên để nhà chùa nhận con nuôi vì nuôi con nuôi trong nhà chùa liên quan đến nhiều vấn đề, như vấn đề giáo dục, vấn đề giới tính, sự phát triển bình thường của trẻ em… Nhà chùa chỉ nên hỗ trợ cho việc chăm sóc trẻ em như quy định trong Điều 7 Luật Nuôi con nuôi: “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhân đạo cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”.

Về việc chính quyền địa phương xác nhận cho các trẻ em cư trú tại chùa, luật sư Hoàng Huy Được cho rằng việc làm này, nếu có, không phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chế tài xử lý sai phạm này.

“Ở Việt Nam, thẩm quyền chứng nhận cho - nhận con nuôi thuộc cấp phường, xã, thị trấn. Việc xác nhận cho nhà chùa nhận con nuôi là sai, không phù hợp với quy định của pháp luật. Ngoài ra, việc xác nhận cho - nhận con nuôi còn phải đảm bảo các điều kiện khách quan khác nữa như luật đã quy định” - luật sư Được cho hay.
 

Theo Dân trí

.