Chủ tịch Liên đoàn luật sư đã có văn bản đề nghị Ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) cân nhắc, mạnh dạn bãi bỏ thủ tục này. Các nước trên thế giới đều không quy định thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa.
Dưới đây là quan điểm của luật sư Phan Trung Hoài (Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư Liên đoàn luật sư Việt Nam) và luật sư Đinh Văn Thảo (Phó Chủ tịch Hội đồng khen thưởng - kỷ luật Đoàn Luật sư TP HCM) về vấn đề này.
Những cản ngại, vướng mắc trong thủ tục cấp, từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa được cho là “điểm nghẽn” đầu tiên hạn chế quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, cũng như cản ngại đến quyền hành nghề của luật sư.
Nguyên nhân của vướng mắc, khó khăn, bên cạnh nhận thức và thái độ của cơ quan điều tra, điều tra viên đối với người bào chữa còn xuất phát từ sự chưa rõ ràng trong việc người bị tạm giữ, tạm giam nhờ người bào chữa trực tiếp với việc người thân thích hoặc người khác có thể mời người bào chữa cho họ.
Thông tư 70 ngày 10/10/2011 của Bộ trưởng Công an quy định người bị tạm giữ, bị can có thể làm văn bản đề nghị: người bào chữa là người đại diện hợp pháp, nhờ luật sư hoặc nhờ người thân liên hệ luật sư. Tuy nhiên, trường hợp họ không biết chữ để viết yêu cầu nhờ luật sư hoặc không có người thân thích để liên hệ nhờ luật sư thì có thể ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền nhờ người khác bào chữa của họ. Khi lấy ý kiến người bị tạm giữ, bị can thường chỉ có điều tra viên, không có mặt luật sư hoặc đại diện gia đình họ nên hoàn toàn không biết ý chí của người bị tạm giữ, bị can khi từ chối người bào chữa là tự nguyện hay bị ép buộc.
Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi) vẫn duy trì thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa nhưng xuất phát từ thực trạng nêu trên, Chủ tịch Liên đoàn luật sư đã có văn bản đề nghị Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) cân nhắc, mạnh dạn bãi bỏ thủ tục này. Nếu tháo gỡ được, Bộ luật Tố tụng hình sự không chỉ đề cao địa vị pháp lý của người bào chữa mà còn mở ra những giải pháp mang tính đột phá nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong cách thức yêu cầu và bảo đảm thực hiện quyền bào chữa. Thực tế hầu như tất cả các nước trên thế giới và ngay trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2012 của Trung Quốc cũng không quy định thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa như ở nước ta.
Hiện có đề xuất về cách thức và trình tự tham gia của luật sư trong án hình sự như sau: Thứ nhất là trường hợp luật sư tham gia theo yêu cầu của khách hàng: Khi có yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can hoặc người thân thích của họ, luật sư chỉ cần trình thẻ luật sư, giấy yêu cầu nhờ luật sư, liên hệ đến cơ quan điều tra nơi thụ lý vụ án để đăng ký tham gia tố tụng.
Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo đến nhà tạm giữ, trại tạm giam về sự tham gia của luật sư, cập nhật thông tin trong hồ sơ giam giữ. Khi có nhu cầu làm việc với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, luật sư chỉ cần xuất trình hai loại giấy tờ trên tại bộ phận thủ tục gặp mặt tại trại tạm giam. Sau đó, giám thị căn cứ thông tin cập nhật từ cơ quan điều tra, trực tiếp giải quyết cho luật sư gặp mặt mà không cần phải có sự phê duyệt của cơ quan điều tra hay sự chấp thuận của điều tra viên.
Thứ hai, đối với trường hợp bắt buộc phải chỉ định người bào chữa hoặc thuộc trường hợp được hưởng sự trợ giúp pháp lý, luật sư chỉ cần xuất trình thẻ luật sư, văn bản yêu cầu luật sư chỉ định của cơ quan tố tụng hoặc văn bản phân công của trung tâm trợ giúp pháp lý để làm thủ tục gặp mặt người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Để thủ tục này được thông suốt, bên cạnh việc bỏ cấp giấy chứng nhận người bào chữa, cơ quan điều tra và nhà tạm giữ, trại tạm giam cần có cơ chế, mạng thông tin kết, mở sổ đăng ký về sự tham gia tố tụng của luật sư. Cạnh đó cũng cần bố trí phòng làm việc của luật sư với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo riêng biệt. Cơ quan chức năng có thể quan sát nhưng không được ghi âm, ghi hình để đảm bảo quyền được gặp mặt và trao đổi riêng tư giữa luật sư với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Bị can có quyền im lặng
Theo luật sư Đinh Văn Thảo, Thông tư 70 quy định điều tra viên phải giải thích cho người bị bắt quyền có luật sư và cho phép người nhà của họ được yêu cầu luật sư. Nhưng trên thực tế, có bao nhiêu điều tra viên thực hiện đầy đủ trách nhiệm này, có bao nhiêu vụ án mà luật sư được ngồi nghe điều tra viên lấy lời khai từ buổi làm việc đầu tiên? Bởi thế mới có chuyện hàng loạt oan án đã xảy ra như vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), vụ Nguyễn Minh Hùng (Tây Ninh), vụ “Vườn điều” (Bình Thuận)...
Để đảm bảo quyền bào chữa của nghi can, đảm bảo nguyên tắc pháp quyền, luật sư cho rằng đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền phải ban hành các quy định về các vấn đề sau:
Thứ nhất, thể chế hóa quyền im lặng của nghi can: Ngay từ lúc đầu, người bị tạm giữ, tạm giam phải được cơ quan tố tụng giải thích rõ là “ông (bà) có quyền giữ im lặng và không có nghĩa vụ khai báo điều gì trước khi người bào chữa có mặt”. Nếu nghi can không yêu cầu luật sư hoặc chưa mời luật sư thì cơ quan tố tụng phải mời người từ các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
Thứ hai, thể chế hóa thái độ và quy tắc ứng xử của cơ quan tố tụng. Một trong các thủ tục đầu tiên là cho nghi can ký vào biên bản, trong đó ghi rõ quyền và nghĩa vụ của nghi can trong quá trình tố tụng cũng như trách nhiệm phát sinh trong trường hợp nghi can khai báo mà không có người bào chữa. Nên cho nghi can được gọi điện thoại gặp người thân để trao đổi việc bị tạm giữ, tạm giam và thống nhất việc mời người bào chữa.
Thứ ba, nâng cao vị thế của luật sư, quyền hành nghề của luật sư cần phải được tôn trọng triệt để. Chỉ cần nghi can hoặc người nhà của họ ký giấy mời luật sư thì đương nhiên luật sư đó được tham dự ngay lập tức các buổi làm việc của cơ quan điều tra với thân chủ. Luật sư tham gia án hình sự là quyền hành nghề, không cần phải xin giấy chứng nhận người bào chữa như hiện nay.
Thứ tư, phải có chế tài những người tiến hành tố tụng cản trở quyền bào chữa của nghi can, quyền hành nghề của luật sư. Cần phải quy định nếu không có chữ ký của luật sư từ những bản cung đầu tiên thì đương nhiên tất cả lời khai phải bị vô hiệu và hủy bỏ. Song song đó, cần phải xử lý nghiêm vi phạm của người tiến hành tố tụng như buộc xin lỗi, bồi thường (nếu để xảy ra thiệt hại) và thay cán bộ khác ngay lập tức.
Theo khoản 4 Điều 31 Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2013): “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”.
Theo Pháp luật TP HCM