(BVPL) - Vừa qua, báo Bảo vệ pháp luật nhận được Công văn số 2263/CV-TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) về việc phản hồi bài viết “Ngân hàng tự ý bán tài sản của bên thế chấp” đăng trên số báo 29 ra ngày 11/4/2014, liên quan đến tài sản thế chấp của Công ty TNHH TM Hải Trường (gọi tắt là Công ty Hải Trường) tại Techcombank, nêu ý kiến phản ánh của Giám đốc Công ty Hải Trường, ông Lê Minh Hoàng và ý kiến tranh luận cũng như phân tích vấn đề giữa đôi bên của Luật sư Mạnh Trường Xuân - là người đại diện cho thân chủ cũng như theo dõi sự việc này ngay từ đầu. Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có buổi làm việc trực tiếp với Luật sư Mạnh Trường Xuân và ông đã phân tích về nội dung công văn phản ánh của Techcombank nêu trên.
 
Techcombank có quyền yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp là tàu biển Hải Trường để thu hồi nợ (!?)
 
Đối với Công ty Hải Trường, Hợp đồng tín dụng số 1631 ngày 28/01/2008 giữa Techcombank và Hải Trường ký hợp đồng thế chấp tài sản tương lai số 1631 có nội dung: Ngân hàng cấp tín dụng cho Công ty Hải Trường (cho vay hạn mức 20 tỷ đồng) để Hải Trường thực hiện hợp đồng đóng tàu. Tài sản thế chấp là 01 tàu biển nội địa chở hàng khô 3.242 QWT, động cơ Diesel, ký hiệu thiết kế: S07-002.07 theo Hợp đồng kinh tế số 60/HĐKT/2007 ngày 20/09/2007 (sau này tàu mang tên Hải Trường). Căn cứ Hợp đồng này, Hải Trường ký các Khế ước nhận nợ số 1631-1 ngày 03/06/2008, giải ngân 12.000.000.000 đồng, vốn đã trả: 1.200.000.000 đồng, lãi chưa trả cộng lãi trong hạn là 2.500.000 đồng, lãi quá hạn là 4.932.500.000 đồng, lãi phạt là 4.363.490.521 đồng (Hải Trường không đồng ý khoản lãi phạt); Gốc còn lại là 10.800.000.000 đồng, lãi là 4.935.000.000 đồng, tổng cộng còn nợ là 15.735.000.000 đồng. Khế ước nhận nợ số 1631-2 ngày 29/10/2008: Giải ngân 7.450.000.000 đồng, gốc đã trả 558.750.000 đồng, lãi chưa trả gồm: lãi trong hạn 1.298.576 đồng, lãi quá hạn 3.485.277.789 đồng, lãi phạt 3.539.614.072 đồng (Hải Trường không đồng ý lãi phạt); Gốc còn lại là 6.891.250.000 đồng, tổng lãi 3.486.576.365 đồng, tổng cộng nợ 10.377.826.365 đồng. Khế ước nhận nợ số 1631-3 ngày 21/1/2009, giải ngân 138.600.000 đồng, gốc đã trả 13.860.000 đồng, lãi chưa trả cộng lãi trong hạn là 24.159 đồng, lãi quá hạn 63.761.200 đồng, lãi phạt là 62.261.633 đồng (Hải Trường không đồng ý khoản lãi phạt); Gốc còn lại 124.740.000 đồng, tổng lãi 63.785.359 đồng, tổng cộng 188.525.359 đồng. Khế ước nhận nợ số 1631-4 ngày 29/4/2009  giải ngân: 411.400.000 đồng và Khế ước nhận nợ số 1631  ngày 10/7/2009; giải ngân 3.000.000.000 đồng (tổng cộng giải ngân 3.411.400.000 đồng), gốc đã trả 288.269.000 đồng, lãi đã trả 324.337.763 đồng, nợ gốc còn lại 3.123.131.000 đồng, gồm: lãi chưa trả cộng lãi trong hạn 591.036 đồng, lãi quá hạn 1.545.703.754 đồng, lãi phạt: 1.539.644.389 đồng (Hải Trường không đồng ý khoản lãi phạt), tổng cộng 4.669.425.790 đồng. Khế ước nhận nợ số 1631-5 ngày 27/01/2010, giải ngân 420.000.000 đồng, gốc đã trả 11.350.000 đồng, lãi đã trả 15.848.718 đồng, nợ gốc còn lại 408.650.000 đồng, lãi chưa trả cộng lãi trong hạn 84.072 đồng, lãi quá hạn  212.686.821 đồng, lãi phạt 213.737.137 đồng (Hải Trường không đồng ý khoản lại phạt này), tổng cộng nợ 621.420.893 đồng. Khế ước nhận nợ số 1631-6 ngày 27/01/2010, giải ngân 375.364.209 đồng, gốc đã trả 40.580.000 đồng, lãi đã trả 13.453.239 đồng, gốc còn lại  344.929.209 đồng, lãi chưa trả cộng lãi trong hạn 67.616đ, lãi quá hạn  177.405.668 đồng, lãi phạt 184.692.997 đồng (Hải Trường không đồng ý khoản lãi phạt này), tổng cộng nợ 522.402.493 đồng. Như vậy, tổng các khế ước vay đóng tàu của Hải Trường trong Hợp đồng 1631 là tổng số tiền đã giải ngân 23.795.364.209 đồng, tổng số nợ gốc đã trả 2.112.809.000 đồng, tổng nợ gốc còn lại 21.692.700.209 đồng, tổng số nợ lãi quá hạn 10.417.335.232 đồng. Tổng số nợ tính đến ngày 4/3/2014 là 32.114.600.900 đồng.
 
Về nghĩa vụ trả nợ trong Hợp đồng 1631, Hải Trường đồng ý trả cho ngân hàng toàn bộ số nợ gốc là 21.692.700.209 đồng; Về số nợ lãi quá hạn, Hải Trường không đồng ý cách tính lãi của Ngân hàng. Căn cứ tại khoản 5 Điều 474 BLDS 2005 quy định: “Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”. Như vậy, pháp luật đã quy định rõ, lãi suất quá hạn được xác định theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ. Tại thời điểm hiện nay, lãi suất cơ bản của ngân hàng Nhà nước là 6,5%/năm  căn cứ vào Quyết định số 2868/QĐ-NHNN 29/11/2010 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
 
Ngày 09/7/2009, Techcombank và Hải Trường ký Phụ lục hợp đồng tín dụng số 1631/PL-HĐTD có nội dung sửa đổi số tiền vay là 25.000.000.000 đồng (Hai mươi lăm tỷ đồng). Tài sản thế chấp: 01 tàu biển nội địa chở hàng khô 3.158 DWT, động cơ Diesel, ký hiệu thiết kế: S07-002.07, tàu vỏ thép, Hạn chế II. Trị giá tài sản đảm bảo là 35.579.083.367 đồng. Ngày 10/2/2010, Ngân hàng và Hải Trường ký Hợp đồng thế chấp tài sản số: 1631/HĐTC-ĐS/TCB tại Phòng Công chứng số 1 TP. HCM. Như vậy, khoản vay theo Hợp đồng số 1631 và các phụ lục kèm theo được đảm bảo bằng tài sản thuộc quyền sở hữu của Hải Trường là tàu biển Hải Trường số đăng ký VNSG-2005-TH. Trường hợp Hải Trường không trả được nợ, ngân hàng có quyền yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp là tàu biển Hải Trường để thu hồi nợ. Tại các buổi hòa giải, Hải Trường cũng đồng ý phát mãi tàu để trả nợ số tiền nợ gốc còn lại của HĐTD 1631 và nợ lãi quá hạn theo lãi suất 6,5%/năm theo quy định của pháp luật.
 
Việc tự ý bán tài sản thế chấp là sai (!?)
 
Đối với Hợp đồng tín dụng số 33965/HĐTD/NH-PN/TCB-HCM ngày 31/12/2009 nội dung: vay nhập khẩu 10 xe xúc đào KOMATSU với khoản vay là 286.425USD (tối đa 95% giá trị L/C). Tài sản thế chấp là tài sản hình thành từ vốn vay: 10 xe xúc đào KOMATSU cộng toàn bộ hồ sơ nhập khẩu. HĐTC số 33965/HĐTC/ĐS/TCB ngày 07/01/2010 và HĐTC 33965-2/HĐTC-ĐS/TCB ngày 22/01/2010. Đối với Hợp đồng này, ngày 31/12/2009 Hải Trường ký Hợp đồng tín dụng số 33965/HĐTD/NH-PN/TCB-HCM với Techcombank - chi nhánh TP. HCM vay số tiền 286,425.00 USD để nhập khẩu 10 (mười) xe xúc đào KOMATSU. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là 10 xe xúc đào KOMATSU. Sau khi nhập xe về vì lý do trục trặc giấy tờ nên khách hàng của Hải Trường từ chối nhận hàng. Do đó, Hải Trường phải cùng với Ngân hàng Techcombank ký hợp đồng thuê kho tại Hải Phòng để gửi hàng thế chấp. Cũng vì lý do khách hàng từ chối nhận hàng nên Hải Trường không tiêu thụ được hàng tại thị trường miền Bắc. Ngày 25/10/2010, Hải Trường gửi giấy đề nghị chuyển lô hàng 10 chiếc xe KOMATSU nêu trên (dưới sự giám sát của Techcombank) về kho hàng của Hải Trường (địa chỉ 158C xa lộ Hà Nội, Q2, TPHCM) để tiêu thụ nhưng phía Ngân hàng không phúc đáp, giải quyết. Việc này đã gây khó khăn rất nhiều đối với vấn đề kinh doanh cũng như việc trả lãi và vốn vay ngân hàng của Hải Trường. Ngày 31/07/2010, Hải Trường tiếp tục gửi Công văn số 06/CV/2010; Công văn số 07/CV/2010 về việc: Đề xuất phương hướng, lộ trình giải quyết khắc phục thanh toán nợ quá hạn, tái cơ cấu khoản nợ; Công văn số 02/CV/2012 về việc gia hạn giấy khả năng đi biển tàu Hải Trường để trả nợ và yêu cầu trả 02 giấy tờ nhà, nhưng phía Techcombank không trả lời. Việc làm thiếu thiện chí cũng như xem thường khách hàng của Techcombank đã đẩy Hải Trường đến việc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Văn phòng luật sư chúng tôi cũng đã có công văn gởi Ngân hàng yêu cầu giải quyết, nhưng vẫn không thấy trả lời.  
 
Ngày 14/7/2012, Ngân hàng đã tự ý bán toàn bộ lô hàng 10 xe xúc ủi hiệu KOMATSU của Hải Trường với giá 2.052.435.000 đồng. Công ty Hải Trường chỉ biết được việc làm trái pháp luật này của Ngân hàng khi nhận được thông báo tài khoản “có” vào ngày 26/07/2012. Việc tự ý bán tài sản này gây thiệt hại rất lớn cho Hải Trường (giá trị lô hàng tại thời điểm này từ 5- 6 tỷ đồng/10 xe). Theo qui định pháp luật hiện hành, việc xử lý tài sản đảm bảo bên xử lý phải gửi thông báo cho bên thế chấp biết và hoặc phải được sự đồng ý bằng văn bản của bên thế chấp. 
 
Sau khi biết được sự việc, Cty Hải Trường đã có đơn phản tố, đề nghị Tòa án cho định giá lại tài sản đã bán đấu giá. Tại Biên bản định giá, Công ty cổ phần giám định - thẩm định giá Sài Gòn (Saigonap) xác định trị giá lô xe là: 3.055.800.000 đồng (ba tỷ không trăm năm mươi lăm triệu, tám trăm ngàn đồng). Giá thẩm định lô xe này không phản ánh đúng giá trị thực tế của tài sản thẩm định tại thời điểm bị bán trái phép (tháng 7/2012) cũng như giá trị tài sản tại thời điểm hiện nay. Trong biên bản làm việc, đại diện Hải Trường đã ghi ý kiến là không đồng ý với kết quả thẩm định này.
 
Như vậy đã có sự chênh lệch về giá trị của tài sản bị bán trái pháp luật. Bên cạnh đó, việc khấu trừ nợ khi thu được tiền từ việc bán đấu giá trái pháp luật cũng có sự khuất tất: Theo biên bản bán đấu giá thì số tiền thu được là 2.530.000.000 đồng. Các chi phí cho việc bán đấu giá gồm: Trả tiền thuê kho 200.00.000 đồng; Phí bán đấu giá 19.810.000 đồng; Phí thẩm định giá 7.000.000 đồng; ... Tổng cộng là 226.810.000 đồng. Số tiền còn lại là: 2.530.000.000 đồng – 226.810.000 đồng = 2.303.190.000 đồng. Thế nhưng tại Phiếu báo “có”  ngày 26/7/2012, Hải Trường nhận được thông báo là đã chuyển 2.050.000.000 đồng từ người mua (lô hàng) vào tài khoản của  Hải Trường. Đã có sự chênh lệch: 2.303.190.000 đồng - 2.050.000.000 đồng = 250.190.000 đồng. Như vậy có thể khẳng định, đã có sự khuất tất của nguyên đơn trong việc mua bán đấu giá tài sản của Hải Trường. Đề nghị các cơ quan thẩm quyền chức năng xem xét số tiền chênh lệch nêu trên là tiền của Hải Trường và khoản vay Hợp đồng 33965 của ngân hàng. Đây là thiệt hại của Hải Trường do bên nguyên đơn gây ra (?!).
 
Như đã nêu trên, lô xe đã bị Ngân hàng bán trái pháp luật vào ngày 14/7/2012 nhưng tại đơn khởi kiện của ngày 20/7/2012, Ngân hàng đã đề nghị: “ Nếu công ty Hải Trường không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ và lãi phát sinh nêu trên thì Ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án tiến hành kê biên, phát mãi tài sản bảo đảm: … Toàn bộ các sản phẩm 10 chiếc xe xúc bánh xích KOMATSU PC200 (sản phẩm được sản xuất, lắp ráp tại Nhật)(?!). Đây là hành vi không trung thực, vì không còn xe để thi hành án kê biên phát mãi.
 
Căn cứ vào Điều 22, Chương IV – Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản, lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản nêu rõ: “Người có tài sản bán đấu giá có quyền lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, hình thức bán đấu giá quy định tại Nghị định này để bán tài sản, trừ trường hợp pháp luật quy định khác”. Điều 24 – Giám định tài sản bán đấu giá: Tài sản bán đấu giá được giám định khi có yêu cầu hoặc theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp giám định theo yêu cầu thì người yêu cầu phải thanh toán phí giám định nếu các bên không có thỏa thuận khác…

Ngoài ra, Techcombank khấu trừ tiền thu được từ việc bán trái phép tài sản thế chấp của Hải Trường vào việc trả lãi cho khoản vay đóng tàu, thay vì phải khấu trừ vào vốn gốc của khoản vay mua xe theo Hợp đồng tín dụng số 33965/HĐTD như đã nêu theo quy định của Bộ luật dân sự. Đối chiếu với những quy định trên cho thấy, việc làm của Ngân hàng là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu khuất tất gây thiệt hại nghiêm trọng cho Hải Trường. Đề nghị Hội đồng xét xử sơ thẩm xem xét sai phạm của nguyên đơn có hành vi cố tình lừa dối Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát về việc đã bán xe còn đề nghị Thi hành án kê biên phát mãi (!?). Việc bán xe đấu giá không trung thực, tiếp tục lừa dối bị đơn về giá cả. Hay nói một cách khác, hợp đồng bán đấu giá là giả tạo, không trung thực, gây hậu quả không tốt. Do đó, tôi đề nghị Hội đồng xét xử huỷ bỏ hợp đồng bán đấu giá do nguyên đơn bán để đấu giá lại theo đúng pháp luật.

 
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông bà Hoàng Chính Kiêm và An Thị Liên; ông bà  Lê Minh Hoàng và Hoàng An Thị Thanh Hà. Do có nhu cầu về vốn kinh doanh, ngày 15/02/2008, Công ty  Hải Trường và Ngân hàng ký Hợp đồng tín dụng số 30989/HĐTD mục đích: vay vốn lưu động. Hợp đồng tín dụng này được thực hiện thông qua Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 20/08K ngày 15/02/2008. Để đảm bảo khoản vay, các ông bà: Kiêm- Liên; ông bà Hoàng –Hà dùng tài sản riêng của mình để thế chấp, bảo lãnh gồm: GCNQSDĐ số AD984132 do UBND quận 2, TP. HCM cấp ngày 4/11/2005 cho ông Hoàng Chính Kiêm và bà An Thị Liên bảo lãnh cho Công ty Hải Trường vay số tiền: 2.376.000.000 đồng theo Hợp đồng bảo lãnh số 7200/HĐTC/TCB ngày 18/2/2008. Thời hạn bảo lãnh thế chấp là 60 tháng từ ngày 18/02/2008 đến ngày 18/2/2013. GCNQSHNO & QSDĐ số 3641/2003 do UBND quận 2 cấp ngày 17/12/2003 cho ông Lê Minh Hoàng và bà Hoàng An Thị Thanh Hà bảo lãnh cho Công ty Hải Trường vay số tiền: 2.308.000.000 đồng  theo hợp đồng bảo lãnh số 7202/HĐTC/TCB ngày 18/2/2008. Thời hạn bảo lãnh thế chấp là 36 tháng từ ngày 18/02/2008 đến ngày 18/2/2011. Hợp đồng 20/08K, Hải Trường vay 5.500.000.000đ đã trả xong.
 
Ngày 19/8/2009, Ngân hàng ra Thông báo tín dụng số 3806/TCB/TB-P.DN với nội dung: Đồng ý cấp tín dụng mới cho Công ty Hải Trường khoản vay 4.700.000.000 đồng. Mục đích vay: bổ sung vốn lưu động kinh doanh. Tài sản đảm bảo: GCNQSDĐ số AD984132 do UBND quận 2, TPHCM cấp ngày 4/11/2005 cho ông Hoàng Chính Kiêm và bà An Thị Liên và GCNQSHNO & QSDĐ số 3641/2003 do UBND quận 2 cấp ngày 17/12/2003 cho ông Lê Minh Hoàng và bà Hoàng An Thị Thanh Hà.
 
Căn cứ vào thư mời làm việc số 4773/TCB-DN ngày 05/4/2010; biên bản làm việc lúc 11 giờ ngày 14/4/2010 giữa Hải Trường và Techcombank, ngày 15/4/2010 Hải Trường chuyển trả 2.800.000.000 đồng (hai tỷ tám trăm triệu đồng); Ngày 22/4/2010 Hải Trường chuyển trả  2.700.000.000 đồng (Hai tỷ bảy trăm triệu đồng). Việc trả nợ được thể hiện tại sổ sách kế toán của Ngân hàng (sổ phụ khách hàng từ ngày 15/4/2010 đến ngày 22/4/2010). Chứng từ này đã chứng minh được: Ngày 22/4/2010 Hải Trường đã thanh toán xong Thông báo tín dụng số 3806/TCB/TB-P.DN ngày 19/8/2009.
 
Sau khi thanh toán xong, Hải Trường đề nghị ngân hàng tiếp tục cho vay theo hạn mức tín dụng để làm vốn kinh doanh lưu động nhưng không được ngân hàng chấp nhận. Vì vậy, ông Hoàng yêu cầu ngân hàng trả giấy tờ nhà để đi vay ngân hàng khác và Techcombank hứa hẹn giải quyết, nhưng sau đó không thực hiện việc trả lại giấy tờ nhà.
 
Việc đòi lại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất là đúng (!?)
 
Thực tế ngân hàng không trả lại giấy tờ nhà cho vợ chồng ông Hoàng, bà Hà là vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Hoàng, bà Hà được pháp luật bảo vệ. Ông bà Kiêm – An đã có đơn phản tố yêu cầu Techcombank trả lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở & quyền sử dụng đất ở số AD984132 do UBND quận 2 TP.Hồ Chí Minh cấp ngày 04/11/2005; Tờ khai lệ phí trước bạ số 3574 ngày 18/11/2005; Tờ khai nộp tiền sử dụng đất ngày 18/11/2005. Ông bà Hoàng – Hà đã có đơn phản tố gửi Tòa án đề nghị buộc Ngân hàng trả lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở & quyền sử dụng đất ở số 3641/2003 do UBND quận 2 TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 17/12/2003; Hợp đồng mua bán nhà số 5640 ngày 04/7/2005; Tờ khai lệ phí trước bạ ngày 07/7/2005;  Tờ khai lệ phí trước bạ ngày 14/6/2007.
 
Tôi nhận thấy, yêu cầu của các ông bà Kiêm - An; Hoàng – Hà đối với Techcombank là có căn cứ pháp luật bởi các lý do sau:
 
Về mặt hình thức: Đối với Hợp đồng thế chấp số 7200/HĐTC/TCB và Hội đồng tín dụng số 7202/HĐTC/TCB cùng ngày 18/02/2008, ông bà Kiêm-Liên, ông bà Hoàng- Hà không phải là người vay tiền, không có quyền lợi mà chỉ là người bảo lãnh cho Hải Trường vay số tiền 4.700.000.000 đồng (Thông báo tín dụng số 3806/TCB/TB-P.DN ngày 19/8/2009). Điều này được thể hiện theo ý chí của ông Kiêm, bà Liên (viết tay dòng chữ: đồng ý bảo lãnh số tiền: 2.376.000.000 đồng ở trang cuối của hợp đồng).
 
 Điều 361 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh cam kết với bên có quyền, còn gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình”. Ý chí của bên bảo lãnh là cam kết thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi đến hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Trong trường hợp này, giữa bên ông bà Kiêm - Liên, ông bà Hoàng – Hà và Ngân hàng phải lập hợp đồng bảo lãnh quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên căn cứ vào quy định của Bộ luật dân sự. Hai bên có thể thỏa thuận về việc xác lập giao dịch bảo đảm để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của bên bảo lãnh trước bên nhận bảo lãnh (Ngân hàng). Trong khi đó, 02 hợp đồng thế chấp này thể hiện toàn bộ nghĩa vụ của người bảo lãnh như là người trực tiếp nợ Techcombank, không có quy định  nào thể hiện cụ thể tính chất của hình thức bảo lãnh theo quy định của pháp luật. Bộ luật dân sự 2005 quy định, giao dịch dân sự có biện pháp đảm bảo bằng hình thức thế chấp và bảo lãnh riêng biệt quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên. Hợp đồng thế chấp không đúng bản chất của sự việc ảnh hưởng đến quyền lợi của người bảo lãnh. Việc không tuân thủ đúng quy định của pháp luật làm hợp đồng bị vô hiệu về mặt hình thức.
 
Về mặt nội dung: Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 20/08K và Thông báo tín dụng số 3806/TCB-P.DN và Khế ước nhận nợ số 30989 là căn cứ để phát sinh hợp đồng bảo lãnh (nếu có) và hợp đồng thế chấp số 7200/7202. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Hải Trường đã thanh toán toàn bộ khoản tiền vay (theo sổ phụ khách hàng ngày 15/4/2010 và ngày 22/4/2010). Điều này đồng nghĩa với việc nghĩa vụ  bảo lãnh của người bảo lãnh (nếu có) cũng không phát sinh. Căn cứ khoản 1 Điều 424 Bộ luật dân sự năm 2005 thì hợp đồng vay vốn giữa Công ty Hải Trường và Ngân hàng Kỹ thương đã chấm dứt trong trường hợp: “Hợp đồng đã hoàn thành”. Việc Ngân hàng giữ không trả giấy tờ chủ quyền nhà đất của ông Kiêm, bà Liên là không có cơ sở và vi phạm pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích của ông bà Kiêm - Liên, ông bà Hoàng - Hà được pháp luật bảo vệ. Ngân hàng đã vi phạm Điều 129, 132, khoản 2 Điều 366 và khoản 1 Điều 371; khoản 1 Điều 424 Bộ luật dân sự năm 2005. Bốn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đòi lại tài sản giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đúng theo Điều 256 (đòi lại tài sản) Bộ luật dân sự năm 2005 là đúng pháp luật. Các bản tự khai của Công chứng viên số 1; hai hợp đồng thế chấp chỉ bảo đảm số tiền 4,7 tỷ đồng của 2 Hợp đồng số 7200 và số 7202/HĐTC/TCB ngày 18/02/2008, không bảo đảm cho các hợp đồng tín dụng khác.  Hai hợp đồng thế chấp số 7200 và 7202/HĐTC/TCB ký ngày 18/02/2008 thời hạn có hiệu lực 1 hợp đồng là 36 tháng, 1 hợp đồng là 60 tháng. Nhưng tại biên bản đối chất lúc 8 giờ 30 phút ngày 21/8/2013 BL số 334 trang 6, bên đại diện nguyên đơn còn hiệu lực là sai sự thật. Bởi vì, tại buổi đối chất đã 5 năm 6 tháng, tức đã hơn 66 tháng. Đến hôm Toà xét xử ngày 02/4/2014 là 6 năm 2 tháng = 74 tháng. Do đó hết hiệu lực và bên bị đơn đã trả hết nợ của 2 hợp đồng thế chấp số 7200 và 7202/HĐTC/TCB. Do đó, việc khởi kiện của nguyên đơn về việc này là không đúng sự thật.
 
Với những căn cứ nêu trên, tôi đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu của các ông bà Kiêm - Liên, Hoàng – Hà, buộc Techcombank phải trả lại toàn bộ giấy tờ sở hữu liên quan như đã nêu trên. Đề nghị Hội đồng xét xử sơ thẩm: Căn cứ vào Bộ luật dân sự năm 2005 bởi các Điều: Điều 129, 132, 256, 361; khoản 2 Điều 366. khoản 1 Điều 371; khoản 1 Điều 424 và khoản 5 Điều 474. Căn cứ vào mục c khoản 1 và khoản 2 Điều 80 (những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh) Bộ luật tố tụng hình sự, bác hợp đồng bán đấu giá ngày 14/7/2012 của ngân hàng đối với 10 xe xúc đào hiệu KOMATSU và chấp nhận 1 phần đơn khởi kiện ngày 20/7/2012 của ngân hàng để ngân hàng yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự kê biên, phát mãi bán đấu giá 10 xe xúc đào hiệu KOMATSU. Bác 1 phần đơn khởi kiện của nguyên đơn về số nợ lãi quá hạn để tính theo lãi trên nợ gốc và lãi quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố 6,5%/năm. Buộc Techcombank phải trả toàn bộ giấy tờ nhà ở đất ở đã nêu ở phần trên cho bốn người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan. Không thể có tình trạng “Bán trời không văn tự” (!?).
 
Trần Thanh Sơn