(BVPL) - Những người dân có xe ô tô tải chạy qua xã Phương Mỹ- Hương Khê thời gian vừa qua kêu trời vì xã mang sào sắt chắn đường. Để đi qua xã này chỉ có những xe có chiều cao dưới 3m, còn trên 3m đều chịu chết vì UBND xã Phương Mỹ cho hàn một khung sắt cao 3m chắn ngang ngay đầu cầu đi qua địa phận xã.
 
Sào chắn qua đoạn đường liên xã đi qua địa phận xã Phương Mỹ
Sào chắn qua đoạn đường liên xã đi qua địa phận xã Phương Mỹ
 
Thời gian vừa qua một số hộ dân, và đặc biệt là một số doanh nghiệp có xe tải thùng mui bạt có tải trọng 7,9 tấn trở lên đi qua đường liên xã từ Phương Mỹ về Hà Linh để lưu thông với các tuyến tỉnh lộ và Quốc lộ đều bị chắn đứng. Lý do duy nhất là lãnh đạo xã này cho rằng những xe cao quá 3m lưu thông qua trục đường này quá trọng tải cầu (13 tấn) nên làm khung sắt để chắn đường, trên khung sắt còn đóng biển ghi rõ “sào chắn hạn chế xe quá khổ quá tải”.
 
Tuy nhiên, theo quan sát của pv báo BVPL thì khung sắt này không có tác dụng hạn chế xe quá tải, vì nếu là xe tải loại 12 tấn có cấu tạo thùng ben tự đổ chở đầy vật liệu xây dựng vẫn lưu thông bình thường vì có chiều cao chưa tới 3m, nhưng nếu một xe tải thùng loại mui bạt có tải trọng 7,9 tấn không chở gì cũng không thể đi qua con đường này vì chiều cao của thùng lại là 3,2m. Trao đổi vấn đề này với ông Lê Ngọc Huấn-  Chủ tịch UBND huyện thì ông này cho rằng nếu xe 8 tấn chở đầy hàng nữa là 14-15 tấn sẽ quá tải cầu (13 tấn) nên xã làm vậy cũng có cái lý của họ. Nếu theo cách lý giải của ông thì loại xe tải ben tự đổ 12 tấn khi chở vật liệu đầy nó phải đạt đến 24 tấn sao xã vẫn để cho đi?
 
Cây cầu này có tải trọng 13 tấn không hề được cắm biển cảnh báo được cho là lý do để UBND xã Phương Mỹ đặt khung chắn
Cây cầu này có tải trọng 13 tấn không hề được cắm biển cảnh báo được cho là lý do để UBND xã Phương Mỹ đặt khung chắn
 
Một doanh nghiệp vận tải gỗ Tràm thu mua cho bà con nhân dân có xe tải loại 7,9 tấn thùng mui bạt kêu: “mặc dù chúng tôi đã đến xã cam kết là xe sẽ chở đủ tải, đề nghị xã nâng sào cho thêm 20 cm nữa để xe có thể vào chở tận vườn cho dân đỡ khổ nhưng xã nhất quyết không chịu”.
 
Nhận thấy những điều chưa hợp lý, pv báo BVPL đã trao đổi với ông Phan Ngọc Quyết- Chánh thanh tra sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh, ông Quyết cho biết: “hiện ngành giao thông vận tải không có quy định làm kiểu như thế này, đây là một hình thức ngăn sông cấm chợ, chúng tôi vừa xử lý cho tháo dỡ một hình thức như thế này tại xã Thạch Khê, hình thức này không phù hợp trong quy trình quản lý giao thông, nếu làm đúng quy định thì địa phương phải cho cắm biển báo trọng tải và cử cán bộ kiểm tra xử lý những xe vi phạm về trọng tải. Việc này là hoàn toàn không đúng, nếu đồng chí PV phản ánh việc này chúng tôi sẽ làm việc với UBND huyện Hương Khê để về địa phương này tháo dỡ ngay”. Dù trả lời của ông chánh thanh tra giao thông tỉnh Hà Tĩnh như vậy, nhưng sự việc này đã diễn ra rất nhiều tháng mà đâu vẫn hoàn đó, xe cần chạy vẫn không thể chạy, còn những xe đúng ra cần kiểm soát lại vẫn ung dung lưu thông mà không hề có cơ quan kiểm soát nào ngăn chặn. Mặc dù hiện nay tất cả 13 huyện, thị, thành của tỉnh Hà Tĩnh đã được cấp phát thiết bị kiểm tra trọng tải để quản lý về vận tại tại các địa phương, về nguyên tắc UBND huyện Hươnng Khê phải của đội thanh tra tuần tra kiểm soát xe quá tải chứ không thể quản lý theo kiểu xe nào không thích cho qua thì kết luận là quá khổ quá tải để lập sào chắn theo kiểu “ngăn sông cấm chợ” như vậy. Đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc xử lý vấn đề này một cách khoa học và đúng pháp luật quy định.
 
Hà Hải