Đọc sai chỉ số, tiền nước tăng hơn gấp đôi

Anh Trương Văn Thái, nhà ở Hậu Thượng, phường Thạch Quý – TP Hà Tĩnh bức xúc phản ánh đến Báo Bảo vệ pháp luật, trung bình mỗi tháng, gia đình anh chỉ dùng từ 20 đến 25 khối nước, nhưng tháng 10/2019, hóa đơn tiền nước nhà anh “nhảy vọt” lên gấp đôi.

Làm việc với Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Cấp nước TP Hà Tĩnh, anh Thái được biết, chỉ số đồng hồ tháng 10/2019 của gia đình anh là 746, nhưng nhân viên của công ty đã đọc đồng hồ, nhập chỉ số tiêu thụ thành 764, tăng 18 khối nước so với thực tế.

leftcenterrightdel
Khách hàng làm việc với Giám đốc Chi nhánh Công ty cấp nước phản ánh tình trạng đọc sai chỉ  

Trên thực tế, gia đình anh Thái chỉ phải trả 192.105 đồng tiền nước tháng 10/2019, nhưng do công ty cấp nước đọc sai chỉ số đồng hồ, hóa đơn tiền nước gia đình anh Thái đã “nhảy múa” hơn gấp đôi, lên 414.219 đồng, và ngân hàng đã trừ ngay trong tài khoản cá nhân của anh Thái, đến nay chưa hoàn lại.

Theo tìm hiểu của PV, trong tháng 10/2019, gia đình anh Thái không phải là hộ gia đình duy nhất bị tính sai tiền nước, mà có ít nhất 3 hộ gia đình cũng bị tính sai, đọc tăng chỉ số đồng hồ, khiến hóa đơn tiền nước tăng đột biến.

Giám đốc công ty cấp nước Hà Tĩnh nói gì?

Làm việc với ông Võ Văn Huấn - Giám đốc Chi nhánh cấp nước TP Hà Tĩnh, ông Huấn thừa nhận phản ánh của anh Thái là chính xác.

“Khi đồng chí Thái phản ánh, anh, em đã biết sai, yêu cầu nhân viên kiểm tra và biết đọc sai chỉ số đồng hồ, từ 746 đọc thành 764, nên chắc chắn tiền lũy kế cũng sai. Hiện tôi đang yêu cầu anh em làm lại hóa đơn, ngân hàng đã thu thì làm thủ tục trả lại cho gia đình” – ông Huấn cho biết.

Theo lý giải của ông Huấn, thì không thể có sự chính xác tuyệt đối trong việc đọc đồng hồ, vì “hàng nghìn hộ khách hàng, nên cũng có sai sót, với số lượng khách hàng như thế rất là nhỏ”.

Trước câu hỏi của PV về việc tính sai chỉ số đồng hồ, dẫn tới hóa đơn tiền nước tăng lũy kế thì ai phải chịu trách nhiệm, thì ông Huấn cho rằng: “Nếu như không xử lý, khách hàng không kịp thời phát hiện thì lũy kế đó khách hàng phải chịu thiệt” và cho biết thêm: “Trước giờ khách hàng phát hiện sai, phải trả lại tiền là nhiều”

Đem vấn đề này trao đổi với ông Võ Ngọc Vinh – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cấp nước Hà Tĩnh, ông Vinh thừa nhận có những sai sót như Báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh.

Theo ông Vinh phân tích, trong phần mềm cho phép sai số phần trăm, nếu vượt quá % cho phép là máy sẽ cảnh báo, phía công ty sẽ kiểm tra, nhân viên đi đọc chỉ số có trách nhiệm thông báo với gia đình để kiểm tra, kiểm tra chỉ số đồng hồ và hệ thống dùng nước của gia đình xem vì sao tăng đột biến, sai sót ở đâu.

“Phần mềm biến động từ 3% là cảnh báo, nhập vào là máy cảnh báo ngay. Thông lệ như vậy là nhân viên cảnh báo khách hàng, ở đây lại là khách hàng cảnh báo, chúng tôi sẽ quán triệt, siết chặt lại công tác này… Khi phát hiện sai thì phải sửa lại chỉ số, phải khấu trừ tiền trong hóa đơn trong kỳ tiếp theo. Giờ phải nghiên cứu cách để tính lại, giảm thiệt thòi cho khách hàng” – ông Vinh nói và cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ có biện pháp tăng cường để bảo đảm quyền lợi của khách hàng, đối với nhân viên đọc sai chỉ số thì căn cứ quy chế công ty để xử lý.

Trước đó trả lời PV, Chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Tĩnh cho biết, nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó là do thiết bị cũ, nhân viên đọc tăng chỉ số và đồng hồ đo nước không chính xác. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 53 hộ dân, đơn vị đem đồng hồ nước đến Chi cục để kiểm định. Qua kiểm định, phần lớn những đồng hồ này đều có sai số, dẫn tới hóa đơn tiền nước tăng.

Bùi Tiến