(BVPL) - “Hàng chục năm nay, chúng tôi liên tục làm đơn kiến nghị UBND huyện xem xét, giải quyết thực trạng gây ô nhiễm nghiêm trọng của bãi rác Cửa Đại nằm trên địa bàn xã nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Nhiều du khách và người dân địa phương bức xúc, họ gửi đơn kêu cứu ngày một nhiều” – Đó là chia sẻ và khẳng định của ông Nhữ Thành Đồng – Phó Chủ tịch xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
 
Hãi hùng bãi rác 10ha
 
Ngày 14/3/2016, chúng tôi có mặt tại khu xử lý rác thải Cửa Đại thuộc ấp Ông Lang, xã Cửa Dương, nơi được xem là địa điểm tập kết và xử lý rác thải duy nhất của huyện đảo Phú Quốc. Những gì chúng tôi nhìn thấy tận mắt chỉ có thể nói một câu duy nhất: “Hãi hùng”. 
 
Hàng chục núi rác nối tiếp, chất trồng lên nhau bốc cháy dữ dội
Hàng chục núi rác nối tiếp, chất trồng lên nhau bốc cháy dữ dội
 
Bãi rác Cửa Đại cách Thị trấn Dương Đông khoảng 7km và nằm ngay trên tuyến đường độc đạo nối trung tâm của huyện đảo này đi đến Bắc đảo. Tuy nhiên, đi cách khu vực bãi rác trên dưới 2 km, mọi người đều đã nhìn thấy những cột khói lúc to, lúc nhỏ, cuộn tròn, lan toả mù mịt trên diện rộng. Không khí thì nặng mùi rác rưởi tanh nồng, tum tủm, khét lẹt… Lại gần, tiến sâu vào bãi rác theo đường mòn đã được mắc điện cẩn thận thì đúng là không thể thở nổi và không còn có thể nhìn thấy gì trước mắt trong bán kính 1m. Thế nhưng đối với cụ bà 60 tuổi – Trương Thị Hay – người được thuê “quản lý” bãi rác này thì dường như những gì đang diễn ra xung quanh bà là chuyện quá bình thường. Mặt không đeo khẩu trang, không dùng găng tay, bộ quần áo mặc trên người thì bạc màu, rách nát gần giống với những phế phẩm vây quanh, chỉ tay vào trong và cho biết, lúc nào bãi rác cũng như thế này. “Buổi sáng có sương thì lửa cháy âm ỉ, bốc khói nhưng càng về trưa và chiều thì lửa bùng lên dữ dội vì trời nắng và gió to. Bãi rác này đã cháy hơn 10 ngày nay rồi. Thế nhưng không còn chỗ mà đổ nữa đấy cô à”. Vừa nói chuyện, bà Hay vừa phải đứng lên để “hướng dẫn” cho 2 xe trở phế liệu vừa đến. “Đã nói chỉ đổ 1 xe thôi, sao còn đổ nữa. Hết chỗ đổ rồi.” “Đổ nốt chuyến này nữa thôi bà ơi”. “Chạy xe lùi vào sâu mà đổ. Tránh dây diện ra không lửa cháy gần tới dây diện rồi đó. Đổ nốt chuyến này nữa thôi nha, người ta la quá trời” – Sau khi đối đáp qua lại, người lái xe biển KS. 67.5918 cho xe chầm chậm chạy sâu vào bãi. Bà Hay cũng cho biết thêm, những xe như thế này là xe tư nhân trở mướn chứ không phải xe của Ban quản lý công trình công cộng huyện. Mỗi một ngày có khoảng 30 – 40 lượt xe ra vào, lượng rác đưa về ngày một nhiều và đầy đủ các loại rác, từ rác thải sinh hoạt đến xà bần, nói chung là “thập củ ngũ loại”. Con đường để dẫn vào sâu trong bãi rác dài khoảng 2 km cũng đã được kéo điện để phục vụ cho những xe đổ đêm.
 
Rớt danh hiệu “Nông thôn mới” vì chỉ tiêu môi trường
 
Trao đổi với PV, ông Nhữ Thành Đồng – Phó Chủ tịch xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cho biết, hàng chục năm nay và trong bất kỳ cuộc họp nào đơn vị cũng đề xuất về việc xử lý bãi rác nằm trên địa bàn xã. Có rất nhiều ý kiến  là người dân địa phương cũng như du khách phản ánh về tình trạng ô nhiễm của bãi rác này. Hội đồng nhân dân cũng đã liên tục có ý kiến trong các cuộc họp tiếp xúc cử chi. Nhưng đến nay dù bãi rác đã mở rộng hơn 10 ha mà vẫn không đủ sức chứa thì đề xuất của chúng tôi cũng chỉ dừng lại ở mức kiến nghị chứ chưa nhận được hướng giải quyết của huyện. Vị đại diện này cũng buồn bã mà rằng, “xã Cửa Dương liên tục rớt danh hiệu “Nông thôn mới” vì chỉ tiêu về môi trường không đạt cô à”.
 
Ông Nguyễn Minh Triết – Phó ban BQL công trình công cộng huyện Phú Quốc cho biết, hình thức xử lý rác thải của bãi rác duy nhất ở huyện đảo này là chôn lấp và đốt lộ thiên. Khi nào rác đầy thì đốt. Chỉ tính riêng năm 2015, trung bình khối lượng rác thải là 4.500 tấn/tháng và khoảng 54.000 tấn/năm. Tính riêng tháng 3/2016, tổng khối lượng rác thu gom là 4.207 tấn tương đương 10.017 m3. Xe vận chuyển là 666 chuyến. Ông Triết cũng cho biết thêm, một trong những nhiệm vụ của BQL Công trình công cộng là chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của Thị trấn Dương Đông và Thị trấn An Thới. Nhưng phương tiện thu gom, vận chuyển rác của ban còn hạn chế về số lượng và thô sơ về phương tiện. Nhiều phương tiện như xe cuốc, xe tải ben tự đổ liên tục trong tình trạng hư hỏng nặng, xuống cấp trầm trọng. 
 
Ông Nguyễn Minh Triết cũng thừa nhận bãi rác Cửa Đại tồn tại đáp ứng yêu cầu của toàn huyện đảo nhưng vì từ xưa đến nay cũng chỉ áp dụng hình thức tập kết – chôn – đốt. “Thời gian gần đây, huyện đảo mở rộng đẩy mạnh phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng bằng cách phát triển du lịch, nhiều công trình được xây dựng… kéo theo lượng rác thải xả ra ngày một nhiều nên dẫn đến tình trạng quá tải bải rác. Đặc biệt hình thức xử lý rác thì thô sơ nên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ở xã, ở huyện ai cũng biết điều đó nhưng đến nay tôi vẫn chưa nắm được lãnh đạo huyện sẽ xử lý thế nào” – ông Triết nói.
 
Việc xử lý rác thải tại Phú Quốc không còn là vấn đề nhỏ. Để xứng tầm là đảo ngọc như xưa nay mọi người vẫn dành cho huyện đảo này liệu rằng có nên mắc loa kêu gọi đầu tư trong khi chỉ mỗi việc xử lý rác như thế nào mà kéo dài hàng chục năm vẫn chưa được giải quyết?! Câu trả lời chúng tôi xin gửi đến lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và  huyện Phú Quốc.
 
Thái Bình
 
Báo động đỏ tình trạng ô nhiễm nặng tại xã Cửa Dương
 
Xã Cửa Dương có diện tích 187,4 km nhưng có 1 bãi rác Cửa Đại diện tích 10 ha, 03 trạm trộn bê tông lớn là: Thiên Thanh, Dương Đông, Thế Giới Nhà; 04 lò gạch hoạt động 24/24 là: Minh Viên, Trí Phụng, Phan Tiến Dũng và Hùng Liên. Một lò xấy cá cơm nằm trong khu vực giải toả vẫn hoạt động thường xuyên (làm lụi).
 
Với số liệu như trên mà văn phòng UBND xã Cửa Dương cung cấp đủ để khẳng định Cửa Dương đang ngập ngụa trong khói bụi và ô nhiễm. Ô nhiễm không khí. Ô nhiễm nguồn nước. Ô nhiễm môi trường. 

 

Khi tới gần khu vực bãi rác, chúng tôi đã phải đeo 2 lần khẩu trang bịt mặt nhưng càng tới gần thì mùi khét của rác đốt, mùi hôi tanh của đủ loại phế phẩm, rác rưởi khiến chúng tôi không thể thở nổi. Hễ mở miệng là ho. Mặt mũi thì cay sè vì khói và vì sức nóng của một bãi rác 10 ha đang ngùn ngụt cháy. Thế nhưng những người lao động ở đây họ không hề dùng bất kỳ một  trang phục bảo hộ nào. Từ bà trông coi bãi rác 24/24 h đến người lái xe hoặc những người bốc dỡ ở đống rác ngập ngụa đó, không ai trong số họ đeo khẩu trang che miệng, sử dụng găng tay bảo hộ… Phải chăng bản thân những con người đó họ đã quá quen với cái không khí “sợ phát khiếp” này?!. Hay vì họ không có điều kiện để nghĩ đến việc bảo vệ sức khoẻ cho bản thân?! Quan trọng hơn nữa là vì họ không được các tổ chức, cơ quan, đơn vị sử dụng lao động trang bị những trang phục bảo hộ cơ bản?
 
Không chỉ riêng tôi mà ngay cả những người làm quản lý ở đây như ông Nguyễn Minh Triết, Nhữ Thành Đồng … đều cho rằng khi đến khu vực bãi rác Cửa Đại về thì khó mà ăn được cơm!

 

Hoa Việt