Như báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh, sau khi có chủ trương di dời 18 bè nổi kinh doanh hải sản ở khu vực cảng nước sâu Vũng Áng đến địa điểm mới để xây dựng cầu cảng số 3, Trung tâm dịch vụ hạ tầng và môi trường đô thị TX Kỳ Anh (gọi tắt là Trung tâm dịch vụ hạ tầng) đã đứng ra xây dựng hạ tầng, định giá và tạm thu của 18 hộ dân gần 4 tỷ đồng (trong tổng số 6,9 tỷ đồng dự toán). Việc thu tiền của dân chỉ có phiếu thu nhỏ mà không có hợp đồng pháp lý, khiến các hộ dân hoang mang. Không những thế, trong quá trình tìm hiểu vụ việc này, báo Bảo vệ pháp luật phát hiện Trung tâm dịch vụ hạ tầng không chỉ tắc trách, vô trách nhiệm, mà còn có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đầu tư, đấu thầu và xây dựng.
|
|
18 nhà hàng này do dân tự đóng cọc, đổ bê tông xây lấn biển mà không ai tư vấn, giám sát. |
“Đem con bỏ chợ”
Ngày 16/5/2018, 18 bè nổi hoàn thành việc di dời về địa điểm mới, trả mặt bằng để Hà Tĩnh xây dựng bến cảng số 3 – cảng Vũng Áng. Mỗi bè nổi được hỗ trợ di dời 70 triệu đồng. Địa điểm mới được quy hoạch phía sau đền Eo Bạch, cách địa điểm cũ 500m.
Tại địa điểm mới, với số tiền đã nộp tạm ứng cho Trung tâm dịch vụ hạ tầng mỗi hộ 150 đến 200 triệu đồng (trên tổng số 320 đến 360 triệu đồng), những tưởng sẽ được Trung tâm dịch vụ hạ tầng quan tâm, hỗ trợ về mặt kiểm tra thiết kế, kỹ thuật, giám sát quá trình xây dựng điểm kinh doanh trên mặt biển, nhằm đảm bảo an toàn, an sinh và môi trường chung trong khu vực… Nhưng không! 18 hộ dân mỗi người một kiểu, tự thiết kế, thuê người, thuê máy cào đá, đóng cọc lấn biển, xây dựng điểm kinh doanh.
“Chúng tôi bốc thăm vị trí, mỗi hộ được chia 12m chiều rộng, rồi cứ thế thuê người, thuê máy về cào đá, đóng cọc lấn biển để xây dựng nhà nổi trên mặt biển, muốn xây lấn ra biển bao nhiêu cũng được, chẳng cần xin xỏ ai, cũng chẳng ai giám sát. Họ (Trung tâm - PV) chỉ cho địa điểm rồi tự làm” – ông Chu Văn Hộ, chủ bè Lý Hộ cho biết.
|
|
Ông Chu Văn Hộ: "Mỗi hộ được chia 12m chiều rộng... muốn xây lấn ra biển bao nhiêu cũng được, chẳng cần xin xỏ ai, cũng chẳng ai giám sát" |
Theo các hộ dân, điều họ cần nhất là âu thuyền tránh bão, nhưng đến giờ cũng không có. Mặc dù lúc chuẩn bị di dời, Trung tâm dịch vụ hạ tầng cam kết sẽ có âu đậu thuyền, đảm bảo an toàn cho các bè. Nhưng đến bây giờ, hầu hết 18 hộ đều phải tự làm kè chắn sóng, không đảm bảo an toàn.
Khi đặt câu hỏi “Khi có mưa bão, thì tính sao?”, PV đều nhận được chung câu trả lời “Thì chấp nhận chịu chết, không có phương án nào, ngoài việc đưa người và tài sản đi chỗ khác”.
Bức xúc của người dân là vậy, nhưng khi làm việc với PV, ông Nguyễn Văn Thành – Phụ trách Trung tâm dịch vụ hạ tầng và ông Đặng Bá Giáp – cán bộ Trung tâm đã “đẩy” trách nhiệm này cho UBND thị xã Kỳ Anh và tỉnh Hà Tĩnh.
|
|
Ông Nguyễn Văn Thành và Đặng Bá Giáp "đẩy" trách nhiệm lên UBND TX Kỳ Anh và BQL Khu kinh tế tỉnh. |
Trả lời câu hỏi của PV về việc tại sao khi dân xây dựng tại địa điểm mới, Trung tâm thả nổi, không giám sát? Thì ông Thành cho biết “Trách nhiệm của Trung tâm chỉ làm cơ sở hạ tầng, chứ về mặt quản lý xây dựng Trung tâm không tham gia”. Ông Thành còn khẳng định Trung tâm không có chức năng thẩm định bản vẽ, giám sát quy hoạch, xây dựng bè, trách nhiệm này thuộc về các phòng, ban ở UBND thị xã và Ban quản lý Khu kinh tế… Dẫu ông Thành thừa nhận thu mỗi hộ dân 320 đến 350 triệu đồng để xây dựng hạ tầng, trong đó có đường, điện, nước…
Kể cả âu thuyền tránh bão, ông Thành cũng cho rằng đây là bất cập của tỉnh, khi nói: “Khi phê duyệt quy hoạch chưa có âu thuyền, bất cập của tỉnh ta là vậy”.
Tự làm tự “ăn”
Không chỉ để mặc dân “tự bơi” khi ra điểm kinh doanh mới, Trung tâm dịch vụ hạ tầng còn bất chấp các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu và xây dựng, khi tự mình đứng ra đầu tư, xây dựng hạ tầng, thi công công trình đường, kè, bãi đậu xe với dự toán 6,9 tỷ đồng mà không thông qua đấu thầu, tự mình thi công. Trung tâm dịch vụ hạ tầng đã tự làm với số tiền dự toán 6,9 tỷ đồng “bổ đầu đinh” lên 18 hộ dân!
Ông Chu Văn Hậu khẳng định: “Họ tự làm công trình này mà không có dự toán, không thông qua đấu thầu. Họ tự làm tự ăn, không ai giám sát. Quá trình làm cũng rất sơ sài, đất không phải đổ, mà chỉ dùng máy cào đất đá trong núi ra san đường. Nếu họ chở đất đá từ nơi khác về đổ còn nghe được, chứ làm như thế mà "ngốn" 6,9 tỷ thì vô lý”.
|
|
18 hộ dân tự đóng cọc xây nhà nổi trên mặt biển, tự đổ đá làm kè chắn sóng... |
Ông Chu Văn Hộ - chủ bè Lý Hộ cũng cho biết, công trình hạ tầng này Trung tâm dịch vụ hạ tầng tự làm xong rồi mới bắt buộc dân đóng tiền, số tiền dự toán là 6,9 tỷ đồng, hiện mới tạm thu gần 4 tỷ đồng, chỉ với chiếc phiếu thu mà không có hợp đồng pháp lý.
Làm việc với PV, ông Nguyễn Văn Thành – Phụ trách Trung tâm dịch vụ hạ tầng thừa nhận, công trình xây dựng hạ tầng này do Trung tâm làm chủ đầu tư và tự thực hiện.
“Cái này Trung tâm tự làm, tự thực hiện. Việc Trung tâm tự làm đã được thị xã phê duyệt, cho phép” – ông Thành nói và “khoe” Trung tâm dịch vụ hạ tầng dẫu mới thành lập chưa được 1 năm, nhưng đã thực hiện mấy gói thầu, như công trình sửa vỉa hè, làm 2 công trình do BQL Khu kinh tế làm chủ đầu tư…
|
|
Những kè chắn sóng không đảm bảo an toàn do người dân tự làm |
Như vậy, công trình dự toán 6,9 tỷ đồng mà Trung tâm dịch vụ hạ tầng làm chủ đầu tư mà không kêu gọi mời thầu, không tổ chức đấu thầu công khai là vi phạm Luật đấu thầu 2013 và Nghị định hướng dẫn số 63/2014 của Chính phủ.
Ngoài ra, việc Trung tâm dịch vụ hạ tầng làm chủ đầu tư, quản lý dự án nhưng lại đứng ra thi công, giám sát công trình, đồng thời lập dự toán và quyết toán công trình là vi phạm Luật xây dựng 2014 và Nghị định hướng dẫn số 59/2015 của Chính phủ.
|
|
Tuyến đường, bờ kè do Trung tâm dịch vụ hạ tầng "tự làm tự ăn", nay đã hư hỏng, xuống cấp. |
Chính vì những sai phạm này, cho đến nay công trình đường, kè… do Trung tâm dịch vụ hạ tầng và môi trường đô thị TX Kỳ Anh làm chủ đầu tư và thi công đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp, dẫu rằng công trình chưa quyết toán.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.
Bùi Tiến