Thực hiện chủ trương di dời bè nổi, trả lại mặt bằng để xây dựng cầu cảng số 3 có vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng ở khu vực cảng nước sâu Vũng Áng, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh và TX Kỳ Anh đã tiến hành di dời 18 bè nổi kinh doanh hải sản, trong đó có món mực nhảy nổi tiếng cả nước đến địa điểm mới phía sau đền Eo Bạch (cách địa điểm cũ 500m).

Việc di dời các bè nổi để có mặt bằng xây dựng cầu cảng là chủ trương đúng đắn. Ngày 16/5/2018 việc di dời hoàn tất. Cũng từ đây, bắt đầu xuất hiện nhưng bất thường trong việc di dời, hỗ trợ, thu tiền xây dựng hạ tầng cũng như đảm bảo an toàn cho các hộ kinh doanh hải sản nơi đây.


 Sau khi các bè nổi được di dời đến địa điểm mới, các chủ bè đã phải đóng tiền xây dựng hạ tầng mà không có hợp đồng pháp lý

Ông Chu Văn Hộ, chủ bè nổi Lý Hộ cho biết, quá trình di dời mỗi bè được hỗ trợ 70 triệu đồng. Tuy nhiên, mỗi hộ lại phải nộp từ 320 triệu đến 360 triệu đồng cho Trung tâm dịch vụ hạ tầng và môi trường đô thị Thị xã Kỳ Anh (gọi tắt là Trung tâm) để “mua” mặt bằng đỗ xe, làm đường mà không có hợp đồng, hồ sơ pháp lý.

“Lúc đầu chỉ hỗ trợ di dời 50 triệu đồng, chúng tôi kêu thì hỗ trợ thêm 20 triệu. Nhưng sau đó thu của chúng tôi 360 triệu để làm đường với cam kết cho kinh doanh 10 năm. Nhưng thu tiền của chúng tôi mà không có bất kỳ hợp đồng pháp lý nào, chỉ có 1 phiếu thu nhỏ...” – Ông Hộ cho biết.


 Ông Chu Văn Hộ: "vừa ra đến nơi, đang xây dựng điểm kinh doanh họ đã đến thu tiền”

“Lúc đó, chúng tôi xin lùi lại 1 tháng để xây dựng điểm kinh doanh tại địa điểm mới rồi di dời nhưng cũng không được. Họ bắt sóng gió bao nhiêu cũng phải di dời. Và vừa ra đến nơi, đang xây dựng điểm kinh doanh họ đã đến thu tiền” – ông Hộ nói thêm.

Cùng chung bức xúc, ông Chu Văn Hậu, chủ bè Hậu Thìn cho biết, việc thu tiền 18 hộ dân, mỗi hộ từ 320 triệu đến 360 triệu để xây dựng đường, bãi đậu xe ở điểm kinh doanh mới mà không có hợp đồng, hồ sơ pháp lý là trái luật, không những thế số tiền thu mỗi hộ dân để làm hạ tầng như thế là quá cao.


 Gia đình ông Chu Văn Hậu: Họ làm không qua đấu thầu

Ông Hậu nói: “Chỉ với đoạn đường, bờ kè dài chừng 300m này mà làm đến 6,9 tỷ là vô lý. Trong lúc họ chỉ cào đất đá ở chân núi khỏa mặt bằng và láng lên một lớp bê tông mỏng, thì 6,9 tỷ nằm ở đâu? Trong lúc đó họ tự làm, không qua đấu thầu, không có báo cáo dự toán, thu tiền của dân nhưng dân không được giám sát”.

Theo các chủ bè nổi phải di dời, tổng số tiền dự toán đợt này là 6,9 tỷ đồng, đều thu của dân nhưng không có ai được Trung tâm ký hợp đồng thuê khoán hay hồ sơ pháp lý đảm bảo, mà chỉ có mỗi phiếu thu nhỏ.


 Việc thu tiền của dân không có hợp đồng pháp lý, mà chỉ có cái phiếu thu 

Làm việc với PV báo Bảo vệ pháp luật, ban đầu ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm và ông Đặng Bá Giáp – cán bộ của Trung tâm một mực khẳng định việc thu tiền của các hộ dân là có hợp đồng, có đề án được phê duyệt.

Tuy nhiên, khi PV đề nghị được xem hợp đồng và đề án đầu tư hạ tầng được phê duyệt, thì ông Thành và ông Giáp thừa nhận là chưa có hợp đồng, việc thu tiền của dân mới chỉ có thỏa thuận giữa 2 bên và chỉ mới có phiếu thu.

 “Tổng dự toán đợt 1 là 6,9 tỷ để làm đường, kè. Số tiền này thu từ các hộ dân để đầu tư hạ tầng và chưa có hợp đồng, nhưng đã có thỏa thuận cho dân thuê 10 năm. Hộ thu cao nhất là 350 triệu, hộ thấp nhất là 320 triệu” – Ông Thành cho biết và khẳng định việc thu tiền này đã có phương án được phê duyệt và có chỉ đạo của chính quyền Thị xã Kỳ Anh?!


 Ông Nguyễn Văn Thành (áo trắng) - Giám đốc và ông Đặng Bá Giáp - cán bộ Trung tâm thừa nhận thu tiền của dân mà chưa có hợp đồng, chỉ thỏa thuận cho thuê 10 năm.

Xung quanh việc di dời các bè nổi kinh doanh hải sản ở Cảng Vũng Áng ra địa điểm kinh doanh mới, ngoài những bất thường trong việc thu tiền tiền tỷ của dân để đầu tư xây dựng hạ tầng, còn bộc lộ những bất thường trong địa điểm quy hoạch, việc triển khai đầu tư xây dựng, cũng như bộc lộ những bất cập về môi trường, công tác quản lý…

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

Bùi Tiến