(BVPL) - Báo BVPL đã nhiều lần đăng tải về cuộc chiến tranh chấp quyền lực tại Công ty CP Công nghệ phẩm Hải Phòng (Công ty CNP Hải Phòng) giữa 2 nhóm cổ đông trong nhiều năm qua. Mới đây, VKSNDTC đã có Kháng nghị giám đốc thẩm số 10/2015/KDTM-KN, những “mảng tối” ám mùi “kim tiền” phía sau các bản án và các quyết định thi hành án đã được phơi bầy trần trụi.
 
Cục thi hành án Hải Phòng “cố đấm ăn xôi”?
 
Sau khi bị Tổng cục Thi hành án (THA) Bộ Tư pháp “tuýt còi” yêu cầu Cục THADS Hải Phòng phải thu hồi Quyết định THA số 373/QĐ-CTHA do vi phạm Khoản 1, Điều 3; Điều 7; Khoản 1 Điều 30 và Khoản 1 Điều 34 Luật THA dân sự, Cục THADS Hải Phòng vẫn "cố tình" gửi Công văn yêu cầu Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội “giải thích bản án” số 79/2014/KDTM-PT. Đang sẵn độ “cao hứng” ông Thẩm phán toà phúc thẩm - TANDTC Trần Ngọc Việt gửi luôn cho Cục THA Hải Phòng Công văn số 209/2015/CV-TPT, không những giải thích bản án Phúc thẩm do chính ông xét xử, mà ông Việt còn giải thích tỉ mỉ luôn cả bản án Sơ thẩm trước đó của TAND TP Hải Phòng, rồi “cầm tay chỉ việc” cho Cục THADS và các cơ quan chức năng Hải Phòng về “phế” chức Giám đốc của bà Nguyễn Thị Tuyết Len, việc thu hồi con dấu, ĐKKD Công ty CNP Hải Phòng “giao” lại cho Công ty? (mà hiện tại đại diện pháp luật hợp pháp của Công ty vẫn là bà Nguyễn Thị Tuyết Len đứng tên trên giấy ĐKKD). Vì vậy, công văn “cao hứng” của ông Việt đã vi phạm Điều 240, Điều 275, Điều 382 Bộ luật tố tụng dân sự; Khoản 1, điều 1 Thông tư 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC và trái với nội dung quyết định của bản án do chính ông Việt đã tuyên. ?!
 
Dựa vào “bệ đỡ” là Công văn 209, ngày 26/5/2015, ngày 26/5/2015 ông Trần Hồng Quang – Cục trưởng Cục THADS Hải Phòng tiếp tục ra Quyết định số 357/QĐ-CTHA căn cứ vào Đơn yêu cầu THA của ông Ngô Văn Thẳng, bà Lê Thị Mai, ông Hoàng Long và bà Đặng Thị Hồng Hải là những người không phải là đương sự trong vụ án để công nhận “Nghị quyết của Đại hội đồng Cổ đông bất thường ngày 28/5/2013 của Công ty CNP Hải Phòng và yêu cầu bà Len phải bàn giao con dấu, Giấy ĐKKD cho nhóm cổ đông, ông Thẳng, Bà Hải ?”. Ông Quang, Cục Trưởng Cục THADS Hải Phòng còn cố tình công nhận bà Hải là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của  Công ty CNP Hải Phòng là trái với luật doanh nghiệp, điều lệ CTYCPCNPHP và trái với Công văn số 906/VKSTC-V12 ngày 18/3/2015 của VKSNDTC và trái với Quyết định số 595 ngày 10/9/2014 của Tổng cục THADS – Bộ tư pháp.
 
Quyết định 357 của Cục THADS Hải Phòng vẫn “bình mới, rượu cũ” không khác gì Quyết định 373 của Cục này trước đó đã bị thu hồi trước đó, nên đã vi phạm pháp luật.
 
Quan sát các hành vi thi hành công vụ thái quá theo kiểu “cố đấm ăn xôi” đến mức nhiều lần vi phạm pháp luật của ông Trần Hồng Quang – Cục trưởng và ông chấp hành viên Bùi Đức Tiến, dư luận đang đặt câu hỏi về động cơ cá nhân và dấu hiệu “lạm dụng chức vụ quyền hạn” của hai ông cán bộ công chức ở những vụ án liên quan đến ông Ngô văn Thẳng và bà Đặng thị Hồng Hải? Bởi lẽ, tại Cty CP Cung ứng tàu biển HP, Cục Thi hành án dân sự HP cũng ra Quyết định thi hành án số 09/QĐ-CTHA-ngày 14/10/2011 đối với Ông Ngô văn Thẳng và Bà Đặng thị Hồng Hải Thi hành bản án phúc thẩm số 165/2011/KDTM-PT- ngày 15/09/2011 của Tòa phúc thẩm -TANDTC, nhưng đến nay gần 04 năm Cục Thi hành án HP cũng không thực hiện thi hành quyết định này?
 
Toà án hai cấp cố tình xử sai?
 
Tại Kháng nghị Giám đốc thẩm số 10/2015/KDTM – KN ngày 12/6/2015 của VKSNDTC đã chỉ ra hàng loạt các sai phạm về trình tự, thủ tục tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 28/5/2013, như:
Theo hồ sơ vụ án thì có 2 sổ đăng ký cổ đông đều do Phòng kế toán lập Sổ đăng ký Cổ đông và người đại diện theo phám luật Công ty CNP Hải Phòng đóng dấu, cụ thể: Sổ đăng ký Cổ đông ngày 6/1/2011 có 62 Cổ đông, trong đó có tên bà Đặng Thị Hồng Hải người mua lại số Cổ phần của ông Lê Phú Cường và ông Vũ Văn Toán tháng 1/2011 với 14.529 cổ phần, chiếm 26,9% của công ty, nhưng Công ty này chưa làm thủ tục và đăng ký tại Sở KHĐT Hải Phòng. Theo luật DN và Điều lệ công ty bà Hải chưa đủ điều kiện là Cổ đông của DN này.
 
Sổ đăng ký Cổ đông ngày 27/5/2013 là 107 Cổ đông, nhưng lại không có tên của bà Đặng Thị Hồng Hải người mua lại số Cổ phần của ông Lê Phú Cường và ông Vũ Văn Toán tháng 1/2011 với số cổ phần là 14.529 chiếm 26,9%. Nhưng DN nghiệp này chưa làm thủ tục sang nhượng và đăng ký tại Sở KHĐT Hải Phòng. Sổ cổ đông trong sổ đăng ký này nhiều hơn số cổ đông theo sổ đăng ký cổng đông ngày 6/1/2011 là 45 cổ đông.
 
Hội đồng quản trị của Công ty CNP Hải Phòng dựa trên cơ sở sổ đăng ký cổ đông ngày 6/1/2011 để lập danh sách đại biểu đi dự ĐHĐCĐ ngày 28/5/2013 gồm 62 cổ đông, thiếu 45 cổ đông so với danh sách cổ đông theo sổ đăng ký cổ đông ngày 27/5/2013 như trên là không chính xác. Việc lập danh sách quá hạn 30 ngày trước ngày khai mạc Đại hội là trái quy định tại khoản 1 Điều 98 Luật DN năm 2005.
 
Việc HĐQT không lập đủ danh sách các cổ đông, dẫn đến việc không triệu tập đủ cổ đông không những vi phạm quyền và lợi ích của những cổ đông này theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 79 Luật DN và điểm a Khoản 2 Điều 10 Điều lệ công ty mà còn vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục triệu tập ĐHĐCĐ theo quy định của pháp luật.
 
Ngoài ra, trong hồ sơ vụ án còn thể hiện, một số cổ đông không nhận được thông báo họp như bà Tạ Thị Nguyệt, Trần Thị Kim Liên, Nguyễn Thị Bích Hằng, Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Thu Hà, Nguyễn Việt Hằng, Nguyễn Thuý Hồng… Đặc biệt, có trường hợp còn bị giả mạo chữ ký xác nhận trên giấy giao thông báo, tài liệu bưu điện như ông Bùi Công Đoàn, Đặng Tiến Dũng và trường hợp ông Nguyễn Hữu Dũng không ủy quyền cho ông Vũ Xuân Tiến tham dự ĐHĐCĐ, nhưng ông Tiến vẫn tham dự ĐHĐCĐ bất thường ngày 28/5/2013 với tư cách là người đại diện ủy quyền của ông Dũng (sở hữu 143 cổ phần); Ban tổ chức ĐHĐCĐ không đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông như, không cho tiếp cận với danh sách cổ đông, cản trở không cho các cổ đông tham dự ĐHĐCĐ bất thường mặc dù họ có đầy đủ giấy tờ chứng minh mình là cổ đông.
 
Toà án hai cấp không điều tra làm rõ để đảm bảo quyền lợi của các cổ đông, không xác minh xem danh sách cổ đông này là chính xác mà chỉ căn cứ vào danh sách cổ đông ngày 6/1/2011 để ban hành bản án sơ thẩm và phúc thẩm là chưa đủ căn cứ.
 
Cùng với đó, Bản kháng nghị giám đốc thẩm còn chỉ rõ: Hợp đồng số 36 về tổ chức sự kiện ĐHĐCĐ bất thường giữa ông Ngô Văn Thẳng – Chủ tịch HĐQT Công ty CNP Hải Phòng ký với ông Vũ Văn Song – giám đốc Công ty CP truyền thông Quốc tế ngày 1/5/2013 là vi phạm pháp luật.
 
Việc HĐQT Công ty CNP Hải Phòng ký Quyết định số 02 và 03 về việc thành lập Ban tổ chức ĐHĐCĐ bất thường và Ban Kiểm tra tư cách cổ đông bất thường năm 2013 bao gồm cả 22 người của Công ty CP truyền thông Quốc tế như: ông Song, ông Yên, ông Thường, ông Vị, ông Lực, ông Gắng, ông Đông, bà Hạnh, ông Đính, bà Hoa, bà Hương, bà Yến… là vi phạm pháp luật.
 
Như vậy, ĐHĐCĐ bất thường ngày 28/5/2013 của Công ty CNP Hải Phòng đã vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục, thành phần tham dự, Thư ký đại hội. Vi phạm nghiêm trọng đến lợi ích của các cổ đông khác, dẫn đến Nghị quyết của Đại hội cũng không có giá trị pháp lý.
 
VKSNDTC đã quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm với Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 79 của Toà phúc thẩm - TANDTC tại Hà Nội. Đề nghị Hội đồng thẩm phán – TANDTC xét xử giám đốc thẩm theo hướng huỷ bản án nêu trên và bản sán sơ thẩm cố 02/2014/KDTM_ST của TAND TP Hải Phòng, giao hồ sơ vụ án về TAND TP Hải Phòng xác minh thu thập chứng cứ, tài liệu để giải quyết lại vụ án. Tạm đình chỉ thi hành Bản án kinh doanh thương mại số 79 của Toà phúc thẩm – TANDTC tại Hà Nội để chờ quyết định giám đốc thẩm.
 
Phương Thanh – Gia Tiệp