(BVPL) Mặc dù UBND quận Thốt Nốt luôn cho rằng mức giá đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất của gia đình bà Huỳnh Lộc Nhung (khu vực Lân Thạnh 1, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) là đúng các quy định pháp luật. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy.
Bỏ qua bản chất của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Năm 1994, vợ chồng bà Nhung nhận chuyển nhượng thửa đất nông nghiệp có tổng diện tích 4.221 m2 tại khu vực Phụng Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Ngày 07/03/1997, UBND quận Thốt Nốt đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: BA 118770, số vào sổ cấp GCN: CQ00118, thửa đất số 793, thuộc tờ bản đổ số 03; diện tích 4.221 m2 , mục đích sử dụng 300m2 đất ở đô thị và 3.921 m2 đất trồng lúa. 
Gia đình bà Nhung đã tập trung rất nhiều công sức đổ đất, tôn tạo với khối lượng 7.000 m3 đất trong suốt thời gian từ năm 1995 đến nay, đã sử dụng và cho thuê, canh tác hoa màu, phát huy giá trị sử dụng đất để lo kinh tế gia đình. Sau hơn 20 năm quản lý, sử dụng, khai thác giá trị đất, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thành phố Cần Thơ nói chung và quận Thốt Nốt ngày nay đã khiến phần đất trên có giá trị lớn, là nguồn tài sản chính trong gia đình bà Nhung.
Để phục vụ công việc kinh doanh, gia đình bà Nhung đã thế chấp mảnh đất trên cho ngân hàng để được vay số tiền là 3 tỷ đồng. Nếu không bị thu hồi, thửa đất trên được giao dịch với giá trên 10 tỷ đồng.
Ngày  02/07/2015 của UBND quận Thốt Nốt ban hành quyết định thu hồi 2.362,7m2 đất trong thửa đất nêu trên của gia đình bà Nhung để phục vụ xây dựng dự án cầu Thốt Nốt và tuyến tránh Thốt Nốt.
Mặc dù giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi rõ thửa đất trên có 300m2 đất ở đô thị nhưng trong quyết đinh thu hồi đất của UBND quận Thốt Nốt chỉ ghi “thu hồi 2.362,7 m2 đất trồng lúa”.
Được biết, trong các văn bản trả lời khiếu nại của người dân và cơ quan chức năng, chưa một lần UBND quận Thốt Nốt nhắc đến chi tiết Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể hiện đâu là đất ở, đâu là đất trồng lúa. Có lẽ, chính vì điều này đã dẫn tới cái nhìn chưa đầy đủ về vụ việc.
Gia đình bà Nhung đã phản đối quyết định này. Theo lập luận của gia đình bà Nhung, UBND quận Thốt Nốt đã xác định sai loại hình đất. Bởi, thửa đất này được gia đình bà mua, sử dụng, san lấp, làm nơi kinh doanh suốt 20 năm nay. Năm 1997, sở dĩ gia đình bà chỉ được cấp 300m2 đất ở là bởi hạn mức chỉ được cấp như vậy. 
Khi huyện Thốt Nốt chuyển thành quận, thì toàn bộ khu đất này thuộc quy hoạch đô thị nên không thể xác định diện tích đất ngoài 300m2 trong thửa đất là đất nông nghiệp mà phải xác định là đất đô thị mới đúng thực tế. Mặt khác, sơ đồ thửa đất ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng không thể hiện đâu là đất ở, đâu là đất nông nghiệp. Vậy, cơ sở, căn cứ nào để UBND quận Thốt Nốt khẳng định “thu hồi 2.362,7 m2 đất trồng lúa” để rồi sau đó chỉ áp dụng đền bù, hỗ trợ theo mức giá đất trồng lúa?
 
Cần xác định lại loại hình đất
Có thể thấy, việc tổ chức làm công tác bồi thường hỗ trợ chỉ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ đất trồng lúa của gia đình bà Huỳnh Lộc Nhung mà không đặt vấn đề thu hồi, bồi thường đất ở đô thị của họ. Trong vụ việc này, gia đình bà Nhung đang ra sức bảo vệ quyền lợi đối với quyền sử dụng đất ở đô thị là quyền lợi hợp pháp của họ. Các cơ quan chức năng cần xem xét, giải quyết thấu đáo quyền lợi của người có yêu cầu. 
Đối với thửa đất của gia đình bà Nhung, đã nhận chuyển nhượng và sử dụng hợp pháp 20 năm và nằm trên địa bàn phát triển từ huyện thành quận Thốt Nốt, nằm trên vị trí đắc địa ngay bên quốc lộ 91. Trên phần đất của hộ bà Nhung đã được cấp quyền sử dụng là đất ở đô thị theo hạn mức của địa phương là 300m2. Vì vậy không thể xác định đất của hộ bà Nhung nêu trên là đất trồng lúa như các hộ gia đình làm nông nghiệp được Nhà nước giao canh tác. 
Trên phần đất này, hộ và Nhung đã tập trung đổ đất, tôn tạo, sửa san làm tăng giá trị đất, đã được xác định rõ ràng là đất ở đô thị, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Ngay cả các trường hợp tương tự nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận còn có thể xác định loại đất theo mục đích sử dụng cao nhất. 
Việc này được quy định cụ thể tại Điều 3 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 như sau: 
“…3. Trường hợp thửa đất đang sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau (không phải là đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất) thì việc xác định loại đất được thực hiện theo quy định sau đây:
…b) Trường hợp không xác định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích thì mục đích sử dụng đất chính được xác định theo loại đất hiện trạng có mức giá cao nhất trong bảng giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quy định; trường hợp sử dụng đất sau khi có quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất để xác định mục đích chính…”
Như vậy, có thể thấy chứng cứ đã rõ, khẳng định đòi hỏi 2.362,7 m2 đất bị thu hồi phải được đền bù theo giá đất ở đô thị của gia đình bà Nhung là hoàn toàn chính đáng.
 
Báo BVPL sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
PV
.