Theo đơn thư của công dân, chúng tôi đến khách sạn Bằng Giang (nhà số 01), có 2 mặt tiền, một mặt giáp đường Lê Lợi và phía Đông là đường Hồ Xuân Hương giáp biển để kiểm tra nội dung đơn thư “từ sau tết Nguyên đán trở lại đây, khách sạn Bằng Giang luôn có từ 30 đến 50 người lạ, mặc đồng phục màu đen, có vũ khí nóng và chiếm giữ tầng dưới khách sạn...Hơn nữa, vào giờ giới nghiêm, nhóm đối tượng này mở nhạc nhảy quá to làm nhân dân, du khách bất an, mất ngủ...”.
Ông Văn Đình T (xin được dấu tên) cho biết: vào sáng 8/2/2017 có khoảng 50 đối tượng hùng hổ đến phá khóa tầng dưới, mở chốt cửa kính để lên các tầng trên khách sạn Bằng Giang. Họ đã khuân vác, khiêng gường, bàn nghề, nhà bảo vệ của khách sạn Marino đưa ra đường. Tôi nói “sao các anh làm thế”, ngay lúc đó một thanh niên có thân hình xăm trổ dọa “ông im miệng đi nếu chúng tôi ném xuống biển”. Hơn một tiếng đồng hồ sau thì tổ công tác của Công an thị xã Sầm Sơn (nay là thành phố Sầm Sơn) đến hiện trường, nhưng không lập biên bản vi phạm mà chỉ ra về trước cái bắt tay với nhóm đối tượng xâm nhập gia cư, khuân chuyển tài sản của người khác trái pháp luật trước chứng kiến của hàng trăm công dân khu phố. Gần đây, cứ mỗi khi ông Lĩnh, Tổ trưởng tổ bảo vệ của Công ty Bảo vệ Lam Sơn xuất hiện thì có khoảng 60 người lạ mặt đến khách sạn giàn quân như sằn sàng gây chiến. Mấy ngày gần đây nhóm đối tượng này đã chở vật liệu để xây dựng phía dưới hầm khách sạn nhưng bảo vệ khách sạn không dám ngăn cản và kiểm tra để biết họ làm gì, mặc dù theo quy định của pháp luật thì Cty đá Đỉnh Vòm quản lý.
Theo tìm hiểu của PV: ngày 3/5/2012 Công ty TNHH Bằng Giang (gọi tắt là Công ty Bằng Giang) trụ sở tại Phòng số 61, khu Đa ngành, đường Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân, Hà Nội do ông Lê Văn Thài, Chủ tịch HĐ thành viên ký Biên bản thỏa thuận bán Công ty Bằng Giang cho bà Nguyễn Thị Giáng Hương, Giám đốc Cty đá Đỉnh Vòm (Trụ sở: Số 20, Đốc Ngữ, Ba Đình, Hà Nội). Hai bên thỏa thuận như sau: Bà Giáng Hương mua Cty Bằng Giang, bao gồm tài sản hữu hình là khách sạn Bằng Giang đang hoạt động tốt và tài sản khác trong khách sạn này. Giá mua là 70 tỷ VNĐ. Bao gồm: đất và tài sản gắn liền trên đất (tòa khách sạn, nội thất, khuông viên, thiết bị máy móc....). Công ty Bằng Giang có trách nhiệm cung cấp toàn bộ hồ sơ pháp nhân, hợp đồng, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán Nhà nước... giao cho Cty đá Đỉnh Vòm kiểm tra trước khi ký biên bản thỏa thuận mua bán và đưa ra các phương thức thanh toán cụ thể sau khi ký hợp đồng thỏa thuận, Công ty đá Đỉnh vòm trả trên 47,3 tỷ VNĐ thay cho Công ty Bằng Giang tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á. Trong đó, trả 38 tỷ đồng tiền gốc theo hợp đồng tín dụng số 00.10.00217 ký ngày 20/7/2010 giửa Ngân hàng TMCP Đông Nam Á và Công ty Bằng Giang và trả lãi trên 8,6 tỷ VNĐ. Đồng thời đưa ra 3 phương án giải ngân để các bên bán lựa chọn.
Theo đó, cùng ngày 3/5/2012, đại diện Cty đá Đỉnh Vòm thực hiện biên bản thỏa thuận thanh toán cho các thành viên cổ đông của Công ty Bằng Giang và nhà thầu xây dựng khách sạn trước đó mà công ty này nợ với tổng số tiền gần 22,7 tỷ VNĐ. Người đại diện của Công ty Bằng Giang là ông Lê Văn Thài, Chủ tịch HĐ thành viên và ông Đào Trọng Thắng, Giám đốc thực hiện biên bản giao đất cho bà Giáng Hương 1.117m2 đất tại địa chỉ nêu trên, bao gồm 700m2 đất đã xây dựng khách sạn 11 tầng, 111 phòng và tầng hầm...cho bà Giáng Hương. Đồng thời ký nhận toàn bộ các khoản mà Công ty Bằng Giang nợ ngân hàng và bàn giao con dấu của Công ty Bằng Giang cho Cty đá Đỉnh Vòm.
Sau khi được bàn giao Cty đá Đỉnh Vòm triển khai sửa chữa khách sạn và trả thay mà Công ty Bằng Giang đã nợ trước đó. Như: nhận nợ của Công ty Bằng Giang tại Ngân hàng Đông Á trên 47,3 tỷ VNĐ, trả thay trên 6,4 tỷ VNĐ và trả cho một số chủ nợ khác trên 3 tỷ đồng cho Công ty Bằng Giang đã nợ trước đó.
Tuy nhiên, Công ty Bằng Giang cho rằng “Công ty đá Đỉnh Vòm không thực hiện như thỏa thuận” vì vậy công ty này không bán khách sạn nữa. Còn Công ty đá Đỉnh Vòm lại cho rằng “sau khi ký biên bản thỏa thuận vào ngày 3/5/2012, Công ty Bằng Giang và 12 cổ đông góp vốn của công ty này không thực hiện các nhĩa vụ như cam kết nên Công ty đá Đỉnh Vòm yêu cầu Tòa buộc bên bán khách sạn phải thực hiện nghĩa vụ như cam kết. Và sẵn sàng chấp nhận trả lại khách sạn nếu Công ty Bằng Giang thanh toán tất cả các khoản tài chính mà Công ty đá Đỉnh Vòm đã đầu tư trước đó theo lộ trình giải ngân và bồi thường danh dự cho công ty.
Ngày 22/6/2015, Tòa án NDTP Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm, tại Bản án số 53/2015/KDTM–PT, Tòa đã không chấp nhận yêu cầu của Công ty Bằng Giang mà giao khách sạn Marino cho Công ty đá Đỉnh Vòm quản lý, có sự giám sát của đơn vị nhận thế chấp là Ngân hàng TMCP Đông Á. Đồng thời buộc Công ty Bằng Giang trả nợ cho đối tác là bà Xuân theo yêu cầu độc lập liên quan trong vụ án tranh chấp thương mại nêu trên.
Vấn đề là, sau khi Sầm Sơn được đầu nâng cấp, hiện tại tuyến đường Hồ Xuân Hương giá đất gấp từ 3 đến 4 lần so với năm 2012, đây chính là nguyên nhân xảy ra tranh chấp khách sạn Bằng Giang ngày một quyết liệt hơn. Hiện nay Tòa phúc thẩm Hà Nội đang xúc tiến xét xử lại, khách sạn này chỉ cách UBND TP Sầm Sơn khoảng 120m về phía Đông nhưng 3 tháng nay nơi đây liên tục có nhóm đối tượng xâm nhập trái phép, gây mất trật tự công cộng nhưng Công an Sầm Sơn “làm ngơ”, còn chính quyền sở tại “không biết” đã làm bức xúc dư luận. Đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật Thanh Hóa vào cuộc, giải tán nhóm xã hội nêu trên, ngăn chặn diễn biến xấu có thể xảy ra tại khách sạn này và giữ an toàn cho du khách về Sầm Sơn trong mùa du lịch.
Nhóm PVĐT