Từ thuê nhóm đối tượng “hủy hoại  tài sản người khác”

Như báo BVPL đã phản ánh, mặc dù ông Lê Minh Du (nguyên Phó giám đốc Công ty Điện lực Phú Quốc) không xuất trình được giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với thửa đất số 29 rộng 2,5ha trên núi Điện Tiên, thị trấn Dương Đông nhưng tháng 6/2017, ông Du thuê nhóm đối tượng đến đập phá, hủy hoại tài sản trên đất của người hàng xóm là bà Nguyễn Thị Như Cúc (trú tại thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc). Công an huyện Phú Quốc cũng tiến hành trưng cầu định giá tài sản. Tại Kết luận số 40/KL-HĐĐG của Hội đồng định giá tài sản xác định “tài sản bị hủy hoại” là tường rào trị giá trên 35 triệu đồng.

Tuy nhiên, ngày 07/08/2017, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Quốc ra thông báo: không khởi tố vụ án hình sự! Lý do được cơ quan này đưa ra là vì Phòng TN&MT huyện Phú Quốc có Văn bản số 290/TNMT gửi cơ quan Công an với nội dung: xác định hàng rào của nhà bà Cúc bị đập phá nằm trên đất của ông Lê Minh Du kê khai ?! Vậy, thực tế cái gọi là “thửa đất mà ông Lê Minh Du kê khai”  là gì? Vì sao ông Du lại kê khai là đất của mình... uẩn khúc đã được Phóng viên (PV) xác minh làm rõ.

leftcenterrightdel
“Ngôi biệt phủ” không phép và đường điện lưới mắc riêng cho công trình này. 

UBND thị trấn Dương Đông xác nhận, nguồn gốc thửa đất mà ông Du “tự kê khai” đến trước thời điểm năm 2012 vẫn là đất rừng phòng hộ. Ông Du cũng không xuất trình được bất cứ tài liệu gì chứng minh gia đình ông có liên quan đến thửa đất nêu trên. UBND thị trấn Dương Đông đã bác bỏ các đề nghị xác nhận “quyền sở hữu, sử dụng” của ông Du đối với thửa đất nêu trên.

Giải thích cho việc vì sao lại có tên ông Du trên bản đồ số (bản đồ trên mạng) lưu tại Phòng TN&MT huyện Phú Quốc, ông Trương Thành Tấn - Phó phòng TN&MT cho biết: năm 2012, khi Phòng TN&MT tiến hành đo đạc thì ông Du kê “khai hoang” thửa đất nêu trên nên Phòng TN&MT cũng chỉ ghi nhận để tiện theo dõi. Còn nếu đất ông Du “khai hoang” thật thì phải được UBND thị trấn Dương Đông xác nhận. Như vậy đã rõ, thực tế đây là thửa đất có nguồn gốc là đất rừng phòng hộ, là tài sản Nhà nước. Việc ông Du “nhận vơ” là đất của mình rồi thuê nhóm đối tượng đến hủy hoại tài sản của người khác là hành vi vi phạm cần phải được xử lý nghiêm minh. Dư luận tại Phú Quốc cho rằng, UBND tỉnh Kiên Giang cần kiểm tra, có biện pháp thu hồi lại thửa đất nêu trên, tránh để tình trạng tài sản Nhà nước có nguy cơ lọt vào túi một số cá nhân. Theo đơn giá bất động sản trên thị trường thì, 2,5ha đất tại núi Điện Tiên có giá khoảng 500 tỷ đồng.

Đến mắc đường điện cao thế cho công trình vi phạm


Huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang thời gian qua phát triển rất “nóng” nhằm đón đầu cơ hội của một đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trước tình hình vi phạm xây dựng tràn lan trên địa bàn huyện đảo có nguy cơ phá nát quy hoạch phát triển đảo. Mới đây, ông Lê Quốc Anh - Giám đốc Sở Xây dựng, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành - có tờ trình kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo UBND huyện Phú Quốc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật về trật tự xây dựng đối với các công trình xây dựng vi phạm của các hộ cá thể, nhà ở riêng lẻ trên địa bàn huyện.

Nổi cộm trong các công trình vi phạm là dự án khách sạn 5 sao Seashells và “ngôi biệt phủ” tại núi Điện Tiên ở thị trấn Dương Đông.

Sau khi có chỉ đạo của quyết liệt của UBND tỉnh Kiên Giang thì chủ đầu tư dự án khách sạn 5 sao Seashells đã tự nguyện phá dỡ tầng 9 (tầng vi phạm xây dựng) đưa dự án, đưa dự án trở về đúng 8 tầng như trong trong giấy phép xây dựng. Còn riêng đối với “ngôi biệt phủ” của gia đình ông Lê Hùng Dũng (anh vợ ông Du) xây dựng không phép trên  núi Điện Tiên lại không bị UBND huyện Phú Quốc quyết liệt cưỡng chế phá dỡ, thậm chí công trình này vẫn đang được tiếp tục thi công, “thách thức” dư luận và pháp luật.

Đáng lưu ý, “ngôi biệt phủ” không phép  này còn xây lấn hết đường dành cho xe cứu hộ, xe phòng cháy chữa cháy cho rừng phòng hộ núi Điện Tiên.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Cộp- trưởng khu phố 7, thị trấn Dương Đông cho biết: “Trên đỉnh núi là rừng phòng hộ, phía dưới là một số hộ dân sinh sống mà công trình không phép ngang nhiên lấn hết đường cứu hộ nhưng không bị xử lý nên người dân chúng tôi rất bức xúc”.

Theo điều tra của PV được biết, từ tháng 5/2016, UBND huyện Phú Quốc có Quyết định số 2105/QĐ-XPVPHC  xử phạt  gia đình ông Lê Hùng Dũng về hành vi “xây dựng công trình trên đất không được xây dựng”, yêu cầu khôi phục hiện trạng ban đầu.

Thế nhưng, dù có rất nhiều chỉ đạo của cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang nhưng không hiểu sao, đến nay công trình này lại tiếp tục xây dựng quy mô lớn hơn?

Điều khó hiểu hơn, trong lúc công trình vi phạm của gia đình ông Lê Hùng Dũng đang bị cơ quan Nhà nước yêu cầu dừng thi công, khôi phục hiện trạng ban đầu thì Cty Điện lực Phú Quốc (lúc này ông Lê Minh Du với vai trò Phó giám đốc) lại cho thi công hẳn một đường điện cao thế cấp điện riêng cho hoạt động xây dựng “biệt phủ” không phép?  Khó coi hơn là, cây cột điện dành riêng cho “ngôi biệt phủ” được chôn giữa con đường dành cho việc cứu hộ rừng phòng hộ núi Điện Tiên?

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Cty Điện lực Phú Quốc sau khi nghe PV phản ánh đã hứa sẽ cho làm rõ xem ai trong đơn vị ông chỉ đạo mắc điện cho công trình vi phạm?

Báo BVPL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc.

Điều tra của Hữu Bắc