(BVPL) - Sông Hồng, đoạn chảy qua địa phận Hà Nam, cách ngã ba giao cắt sông Trà Lý chừng 10 km ngược về thượng nguồn, đang công khai diễn ra hoạt động làm luật, bán khoán tài nguyên cát trái phép. 
 
Theo những người dân địa phương, hàng ngày, có một đám người thường xuyên lượn lờ dọc tuyến sông Hồng từ gần khu vực cầu Yên Lệnh (Hưng Yên) đến gần khu vực cầu Tân Đệ (Thái Bình) để ép tất cả những tàu thuyền có nhu cầu hút cát phải đóng “phí tài nguyên” cho chúng.
 
Điều đó có nghĩa rằng chỉ cần nộp đủ tiền, thì tàu nào cũng cứ việc lấy đầy tàu cát và chở đi đâu đều không thấy lực lượng chức năng nào ngăn cản. Đồng nghĩa, với nguồn tài nguyên cát trên sông Hồng bị “cắt khúc” bán khoán trắng trợn mà không hề có một đồng tiền thuế nào được nộp lại.
 
Ông Trần Quang Vinh – Chủ tịch UBND xã Chân Lý (Lý Nhân, Hà Nam) khẳng định: Chẳng thích thú gì về dự án này!
Ông Trần Quang Vinh – Chủ tịch UBND xã Chân Lý (Lý Nhân, Hà Nam) khẳng định: Chẳng thích thú gì về dự án này!
 
Để làm rõ hơn vấn đề trên, sau nhiều công sức liên hệ, nhóm phóng viên cũng nhận được lời đồng ý giúp sức từ một chủ tàu cát tư nhân. Người này vốn phải chịu quá nhiều o bế nên từ lâu cũng có cùng tâm nguyện muốn lột mặt nạ toán người “bảo kê kiểu mới”.
 
Trên một chiếc tàu tải trọng 180 tấn. Chúng tôi nhập vai những thuyền viên phụ việc.
 
Nhằm cho mọi việc thuận lợi, thuyền trưởng quyết định tách đám đông tàu cát đang neo đậu, xuôi thêm vài km nữa xuống khu vực hạ lưu (thuộc địa bàn xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân), nơi không có một mỏ cát nào được cấp phép rồi quyết định dừng lại ở đó.
 
Không nằm ngoài dự đoán, mặc dù nằm trên khúc sông vắng với chất lượng cát rất thấp, nhưng chỉ sau chừng 30 phút tiến hành neo đậu và thả vòi xuống nước, “những bóng trắng khiếp đảm” lập tức xuất hiện.
 
Vẫn những tiếng máy nổ rít lên rào rào khi lướt đi trên sông vọng về từ phía xa, vẫn trong bộ trang phục thường thấy, 4 người đàn ông trên chiếc các-lốt trắng tấp mạnh vào bên mạn phải tàu của chúng tôi như muốn ngầm thể hiện thái độ kẻ cả.
 
Sau phút ngó nghiêng để nắm bắt cớ sự, những kẻ lạ mặt lùa người có trách nhiệm vào khoang lái rồi đặt thẳng vấn đề… nộp phí. 
 
Trước những khoản phí vô lí và vặn hỏi của nhóm phóng viên đặt ra, một người đàn ông chừng 30 tuổi, tự nhận là Cường, khẳng định việc thu phí tài nguyên của nhóm là đúng pháp luật. Mức phí được đòi là 700 nghìn đồng/ lần hút, nhưng do là lần đầu nên “khuyến mại” còn 300 nghìn đồng.
 
“Chúng tôi ở Công ty Phúc Lợi Hà Nội, Công ty Phú Hiệp Phát là công ty con thực hiện thi công dự án nạo vét qua đoạn sông này”, người tên Cường nói.
 
Hoạt động làm luật, bán khoán tài nguyên cát trái phép đang công khai diễn ra trên sông Hồng, đoạn chảy qua địa phận Hà Nam
Hoạt động làm luật, bán khoán tài nguyên cát trái phép đang công khai diễn ra trên sông Hồng, đoạn chảy qua địa phận Hà Nam
 
Sau khi thực hiện "nghĩa vụ", chúng tôi được nhận một hóa đơn Phiếu chung chuyển, liên 2, đóng dấu tươi của công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phú Hiệp Phát. Đáng chú ý, văn bản không thể hiện bất cứ nội dung gì khoản tiền nói trên.
 
Rời tàu, người tên Cường nói tiếp: “Các anh cứ nhớ cái con các-lốt trắng này nhé. Chúng tôi ở bên nạo vét của Bộ Giao thông Vận tải – Cục Đường thủy, còn cái con các-lốt đỏ kia chỉ là bảo kê cát tặc vớ vẩn thôi, nên bây giờ chúng tôi ra rồi không bảo kê được các anh đâu. Tôi nói nhanh vì các anh mới đến…”.
 
Nhóm người khoe khoang về các mối quan hệ rồi cung cấp thêm số điện thoại của những người liên quan, đồng thời dặn dò rằng có sự cố xảy ra thì cứ gọi và sẽ được giải quyết êm thấm…
 
Nguy cơ hình thành "cát tặc" kiểu mới
 
Tìm hiểu vụ việc, nhóm phóng viên được biết, dự án nạo vét này có tên đầy đủ là “Dự án nạo vét duy tu, nâng cấp tuyến đường thủy nội địa Quốc gia khu vực bãi Việt Hùng, Phạm Lỗ, Hà Nam và Bãi Chim trên luồng sông Hồng”, là một dự án xã hội hóa của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT), với mục đích dọn dẹp các chướng ngại vật, khai thông luồng tuyến trên sông, thuận lợi cho tàu bè đi lại vào mùa cạn.
 
Ngày 20/8/2014, Công ty Phúc Lợi Hà Nội (trụ sở tại Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chính thức giành được hợp đồng nạo vét kéo dài 4 năm, bắt đầu từ mùa khô năm 2014, kèm theo những điều khoản ngặt nghèo về mốc giới và thời gian thi công.
 
Tuy nhiên, ngày 18/12/2014, Công ty Phúc Lợi Hà Nội đã bàn giao toàn bộ dự án cho công ty con của mình là Phú Hiệp Phát, mới chỉ được thành lập ngày 4/12/2014. Cũng từ đây, xảy ra nhiều bức xúc trong dư luận, bởi người dân cho rằng, Công ty Phú Hiệp Phát đã trưng dụng một nửa sự thật để làm "tấm bình phong" cho các hoạt động ngoài nhiệm vụ được giao trên sông Hồng để trục lợi. Cụ thể, tình trạng cắt khúc sông Hồng thu phí tài nguyên trái phép. 
 
Không những thế, trong văn bản trình lên Sở Tài nguyên & Môi trường các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Hưng Yên về việc đăng ký sản phẩm tận thu, Công ty Phúc Lợi Hà Nội đã cam kết chỉ làm việc 8 giờ/ngày và 270 ngày/năm trừ thời gian mưa lũ.
 
Dựa vào tờ trình này cùng báo cáo của Sở TN&MT, UBND tỉnh Hà Nam đã ra Chỉ thị số 1187, ký ngày 18/7/2014 yêu cầu: đơn vị phải chấp hành nghiêm túc về thời gian thi công.
 
Đồng thời cũng yêu cầu toàn bộ vật liệu, sản phẩm thu được trong quá trình nạo vét như: bùn, cát, sỏi, rác rến… đều phải được đưa về bãi tập kết để kiểm đếm và sàng lọc chứ không chỉ được hút cát.
Thế nhưng, ngoài việc làm sai thời gian đã cam kết với cơ quan chức năng, những gì chúng tôi ghi lại còn cho thấy hoạt động của Công ty Phú Hiệp Phát chỉ thiên về việc khai thác cát.
 
Cụ thể, quan sát trong suốt nhiều ngày, tại khu vực xã Chân Lý (huyện Lý Nhân, Hà Nam), lùi lên phía thượng lưu thuộc địa phận bến phà Vũ Điện xã Chân Lý, huyện Lý Nhân có 03 con tàu Cuốc hoạt động rầm rộ với 10 công nhân trên boong.
 
Hoá đơn chung chuyển cát khai thác được thể hiện công khai
Hoá đơn chung chuyển cát khai thác được thể hiện công khai
 
Khi lên đến boong, công nhân ở trên có nhiệm vụ sàng lọc lấy cát sạch cho vào khoang, còn rác và phế thải lập tức được trả lại lòng sông.
 
Những con tàu này chỉ thực hiện duy nhất một việc là múc cát từ lòng sông lên để chất đầy những con tàu có tải trọng khổng lồ đang chờ sẵn bên cạnh.
 
Sau nhiều ngày quan sát và thâm nhập thực tế, chúng tôi có đủ cơ sở khẳng định rằng không có chuyến tàu nào được đưa về bãi tập kết. Chỉ có hút cát, còn rác rưởi thì trả lại lòng sông.
 
Trao đổi với PV xung quanh dự án nạo vét này, ông Trần Quang Vinh – Chủ tịch UBND xã Chân Lý (Lý Nhân, Hà Nam), một trong các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sạt lở ven sông khẳng định, ông “chẳng thích thú gì” về dự án này.
 
“Ở cấp cơ sở, chúng tôi chỉ được thông báo về dự án nạo vét của Công ty Phúc Lợi Hà Nội và không có bất cứ quyền hạn gì với họ. Quyền lợi thì lại càng không có trong khi người dân của mình trực tiếp bị ảnh hưởng”,ông Vinh tâm sự.
 
Cũng theo lời vị Chủ tịch xã, bức xúc trước việc môi trường bị ảnh hưởng, nguy cơ sạt lở kè sông Hồng và người dân phải sống chung với những tiếng ồn đinh tai nhức óc phát ra từ quá trình khai thác, cá nhân ông đã thay mặt UBND xã nhiều lần ý kiến lên các cấp cao hơn.
 
“Mới đây nhất, hôm 24/4/2015, trong buổi tiếp xúc cử tri của đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, chúng tôi lại đưa kiến nghị này vào và đề nghị được làm rõ”, ông Vinh nói.
 
Ông Vinh cũng cho hay, trước đây, phía Công ty Phúc Lợi có đề cập vấn đề địa phương có đất cho thuê để họ chứa vật liệu nhưng phía xã không đồng ý.
 
Còn với ông Trần Văn Mạnh, Trưởng kiểm soát HTX Chân Lý kiêm Trưởng xóm 3, cũng rất bức xúc về những tàu cát lộng hành ở địa phương: "Các tàu cát này khai thác tự do không xin phép một ai nên người dân rất bức xúc không biết vụ việc này như thế nào.
 
Họ khai thác cả ngày lẫn đêm với những tàu cát hàng nghìn khối khiến cho dân tình không ngủ được. Chúng tôi có kiến nghị đến cấp xã nhưng lực lượng an ninh cứ đuổi thì họ lại chạy nên đến nay thực trạng này vẫn chưa được giải quyết".
 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng phòng Hạ tầng (Cục Đường thuỷ nội địa) cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ các cơ quan thông tấn báo chí, chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo Cục về sự việc. Qua đó, Cục Đường thủy nội địa đã thống nhất giao cho Chi cục đường thủy nội địa phía Bắc kiểm tra, làm rõ. Đồng thời, yêu cầu phía doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng có liên quan báo cáo sự việc. 
 
Quan điểm của Cục đường thủy nội địa, nếu phát hiện doanh nghiệp sai phạm sẽ xử lí nghiêm theo quy định, mức cao nhất sẽ là hủy hợp đồng  - ông Cường cho biết thêm.
 
Nguy cơ "hình thành cát tặc kiểu mới"
 
Theo báo cáo của Cục Đường thủy nội địa, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chấp thuận 50 dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm.
 
Trong đó, nhiều dự án vướng vào "lùm xùm" ngay từ khi còn chưa bắt đầu.
 
Có thể điểm mặt những dự án như ở sông Đồng Tranh (huyện Cần Giờ, TP HCM). Đơn vị thi công khi chưa đăng ký khối lượng thu hồi cát sỏi với Sở TN&MT nhưng đã tiến hành khai thác. Cảnh sát Đường thủy Công an TP HCM đã phát hiện sự việc và yêu cầu tạm ngưng, chờ ý kiến các cơ quan chức năng.
 
Tương tự, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Giang Linh được cấp phép thực hiện dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa sông Đuống (Bắc Ninh) từ tháng 12-2014.
 
Tuy nhiên, từ tháng 8-2014, DN này đã đưa hàng chục sà lan cùng nhiều tàu thuyền công suất lớn đến khai thác rầm rộ, bán cát tại chỗ và bị UBND huyện Tiên Du xử phạt 30 triệu đồng vì hành vi hút cát trái phép.
 
Còn ở dự án duy tu sông Đồng Nai đoạn từ Km 44+500m đến Km 70+ 500m, nhiều diện tích đất đai, nhà cửa… của người dân trôi sông khi dự án triển khai.
 
Nhận thấy hậu quả nghiêm trọng của vụ việc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã kiến nghị Bộ TN-MT xem xét cho dừng hoặc đình chỉ dự án lợi dụng chủ trương nạo vét luồng sông để tận thu cát, gây nhiều tác động xấu.

 

Nhóm PVĐT