(BVPL) - Báo BVPL nhận được đơn của Cty TNHH SX – Dịch vụ Đại Phát (Công ty Đại Phát) phản ánh về việc Ngân hàng NN&PTNT huyện Bình Giang - Hải Dương (Agribank Bình Giang) đã tự ý tổ chức cưỡng chế thu giữ tài sản của Cty Đại Phát đang quản lý và sử dụng không đúng với các quy định của pháp luật, khiến doanh nghiệp chịu không ít tổn thất.
 
Cty TNHH Sản xuất – Thương mại và Dịch vụ Đại Phát, có trụ sở tại Cụm công nghiệp Tân Hồng, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu do Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cấp ngày 29/4/2005. Đăng ký thay đổi lần thứ 5 ngày 14/12/2012, do ông Bùi Văn Lộc (SN 1972) làm Giám đốc. Có nhiều ngành nghề kinh doanh, nhưng chủ yếu là sản xuất xốp cách nhiệt, bao bì bằng xốp và sản xuất các sản phẩm từ nhựa.
 
 
Sau khi ông Lộc làm Giám đốc, ngày 04/5/2013, ông Lộc có ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng AgriBank Bình Giang vay 04 tỷ đồng để làm vốn bù đắp đầu tư cơ sở sản xuất xốp. Đến ngày 24/4/2014, ông Lộc ký thêm một hợp đồng vay thêm 3,5 tỷ đồng để chi phí vốn lưu động sản xuất xốp, nâng tổng số tiền vay lên 7,5 tỷ đồng. Trong năm 2014, ông Lộc đã trả được 500 triệu đồng tiền gốc, dư nợ giảm xuống còn 07 tỷ đồng. Để bảo đảm vốn cho vay của Ngân hàng AgriBank Bình Giang, ngày 26/4/2013, Cty Đại Phát có ký hợp đồng thế chấp toàn bộ vật kiến trúc gắn liền với 7.600m2 đất, tọa lạc tại Cụm Công nghiệp Tân Hồng, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương cho Ngân hàng AgriBank Bình Giang.
 
Đầu năm 2015, do đã quá hạn thanh toán cho ngân hàng, trong lúc Cty Đại Phát đang tìm nguồn vốn với các đối tác cùng sản xuất kinh doanh để trả nợ cho AgriBank Bình Giang, bất ngờ ngày 27/3/2015, AgriBank Bình Giang đã tự ý đến trụ sở đồng thời là cơ sở sản xuất của Cty Đại Phát thu giữ và niêm phong tài sản và cơ sở sản xuất của Cty Đại Phát.
 
Theo Cty Đại Phát, hành động này của Agribank Bình Giang là không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, cũng như các quy định của pháp luật. Tại Điều 5 của Bản hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất số 260413 giữa AgriBank Bình Giang với Cty Đại Phát đã nêu rõ: “Các bên trực tiếp thương lượng để giải quyết các tranh chấp phát sinh trên tinh thần thiện chí, tôn trọng quyền lợi hợp pháp của mỗi bên. Trường hợp không giải quyết được thì mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng hoặc có liên quan tới hợp đồng sẽ được yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết”. Ở đây, đã phát sinh tranh chấp giữa các bên không thỏa được để giải quyết tranh chấp, nhưng Agri Bank Bình Giang đã không khởi kiện ra tòa án để giải quyết theo pháp luật, mà lại tự ý đến chiếm giữ tài sản của Công ty Đại Phát đang quản lý sử dụng là đơn phương phá vỡ các thỏa thuận trong hợp đồng, vi phạm các quy định pháp luật.
 
 Ngày 14/4/2015, Cty Đại Phát có đơn kiến nghị gửi AgriBank Bình Giang phản ánh về việc làm trái pháp luật của AgriBank Bình Giang. Nhưng hồi đáp lại, AgriBank Bình Giang đã ban hành Công văn số 01/NHNo-BG ngày 21/4/2015  gửi Công ty Đại Phát cùng một số cơ quan chức năng và Chủ tịch UBND xã Tân Hồng, Bình Giang, Hải Dương khẳng định mình làm đúng, việc xử lý tài sản thế chấp đã được ngân hàng này áp dụng Điều 355 Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
 
Tuy nhiên, dường như việc “vận dụng luật” của Agribank Bình Giang chỉ với một mục đích có lợi cho mình mà ngân hàng này lại quên mất một điều: Điều 355 chỉ áp dụng theo Điều 336 và Điều 338 Bộ luật Dân sự. Trong khi, Điều 336 và Điều 338 Bộ luật Dân sự chỉ áp dụng với tài sản cầm cố. Thêm nữa, việc áp dụng Nghị định, bỏ qua các quy định của luật là vi hiến.
 
Việc Cty Đại Phát thế chấp quyền sử dụng đất cho Ngân hàng AgriBank Bình Giang thì khi xử lý quyền sử dụng đất đã thế chấp, Agribank Bình Giang phải áp dụng theo Điều 721 Bộ luật dân sự năm 2005. 
Điều 721 Bộ luật dân sự năm 2005 nêu rõ: “Khi đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ bằng thế chấp quyền sử dụng đất mà bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì quyền sử dụng đất đã thế chấp được xử lý theo thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận hoặc không xử lý được theo thỏa thuận thì bên nhận thế chấp có quyền khởi kiện tại tòa án”.
 
Trong trường hợp này, nếu AgriBank Bình Giang không thỏa thuận được với Cty Đại Phát thì phải khởi kiện ra tòa án để giải quyết. Nhưng ở đây, AgriBank Bình Giang chưa khởi kiện ra tòa án để giải quyết theo pháp luật mà đã vội vàng tự ý xâm phạm quyền sử dụng 7.600 m2 đất và tài sản trên đất của Cty Đại Phát là không đúng với các quy định của pháp luật.
 
Có mặt tại xã Tân Hồng (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) là nơi Cty Đại Phát đóng trên địa bàn để tìm hiểu sự việc, ông Nguyễn Văn Khâm, Phó chủ tịch UBND xã (phụ trách công tác nội chính) cho biết: Việc Ngân hàng AgriBank Bình Giang tổ chức cưỡng chế thu giữ tài sản tại Cty Đại Phát ngày 27/3/2015 không hề có quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc chính quyền xã có mặt tại hiện trường hôm đó chỉ chứng kiến sự việc, ngoài ra không tham gia bất cứ công việc gì liên quan đến việc AgriBank Bình Giang cưỡng chế thu giữ tài sản của Cty Đại Phát.
 
Ngọc Tuấn