(BVPL) - Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi báo chí, 8 hộ dân thôn Kim Thượng, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, họ đồng loạt nhận quyết định của UBND huyện Sóc Sơn, cùng do Phó Chủ tịch UBND huyện Tạ Văn Đạo ký ngày 17-9-2015 về việc cưỡng chế công trình xây dựng. Nội dung đơn nêu “8 hộ dân chúng tôi và nhiều hộ dân khác cùng xây dựng trong một thời điểm trên cùng một dải đất, cùng một loại đất mà các hộ kia không bị cưỡng chế?”.
 
Lỗi của xã, huyện?
 
Theo các hộ dân, trong 8 hộ thì có 2 hộ không có đất và nhà ở, các hộ còn lại đều không có ruộng đất sản xuất, cuộc sống vô cùng khó khăn. Họ cho rằng quyết định của UBND huyện chưa công bằng khi mà thi công cùng một thời điểm, cùng dải đất… nhưng nhà bị cưỡng chế, nhà không?!
 
 
“Trong khi ra quyết định cưỡng chế đối với chúng tôi thì hàng chục công trình khác trên cùng dải đất này vẫn tiếp tục được xây dựng nhưng xã, huyện và các cơ quan chức năng không xử lý”.
 
Các hộ dân một mặt bày tỏ bức xúc vì việc UBND xã Kim Lũ, Thanh tra Xây dựng và đơn vị chức năng huyện Sóc Sơn làm ngơ cho sai phạm, để công trình mọc lên, hậu quả người dân mất tiền bạc, công sức, lâm cảnh khốn khó. 
 
“Vì UBND xã Kim Lũ không ngăn chặn quyết liệt để người dân một nắng hai sương, làm thuê làm mướn chắt chiu từng đồng, đổ bao mồ hôi công sức xây dựng nên căn nhà để ở, vậy mà nỡ phá dỡ chỉ bằng một quyết định. Phá nhà rồi chúng tôi biết ở đâu? biết kêu ai đây?”.
 
 
Các hộ dân đề nghị các cơ quan chức năng của huyện Sóc Sơn và TP Hà Nội xem xét, tạo mọi điều kiện cho các gia đình có nhà, có đất sản xuất và nếu có vi phạm thì phải xử lý công bằng theo pháp luật; mong muốn các cấp có thẩm quyền dành thời gian về tận địa phương để thấy sự thiếu công bằng trong xử lý và nỗi vất vả của người dân khi dựng lên căn nhà.
 
Mặt khác, người dân đề nghị Thành ủy, Ủy ban UBND TP Hà Nội và Huyện ủy Sóc Sơn xem xét, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân liên quan, gián tiếp gây ảnh hưởng tới sự nghiêm minh của luật pháp, khiến người dân thiệt hại nặng nề về tiền của, công sức.
 
Thiếu công bằng?
 
Theo khảo sát, toàn bộ dọc hai bên triền đê và mái đê thuộc sông Cà Lồ nằm trên địa bàn xã Kim Lũ đều được phủ kín bởi các căn hộ cao tầng kiên cố.
 
Đáng nói, trong 8 hộ nhận quyết định cưỡng chế, mỗi hộ ở một vị trí khác nhau, xen kẽ cho đến gần hết tuyến đê. Những quyết định cưỡng chế ở các vị trí khác nhau này của UBND huyện Sóc Sơn là rất kỳ quặc. 
 
Đặc biệt, bất chấp các quyết định cưỡng chế đưa ra đối với 8 hộ, hàng chục các căn hộ khác vẫn đang tấp nập thi công các công trình 3-4 tầng kiên cố khiến người dân nơi đây đặt câu hỏi: phải chăng có sự thiên vị trong xử lý và một bộ phận cán bộ xã, huyện buông lỏng quản lý hoặc bao che, dung túng sai phạm? 
 
 
Trao đổi nhanh với báo chí, ông Tạ Văn Đạo, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết đã từng ra rất nhiều các quyết định cưỡng chế tương tự song chưa làm được. “Lẽ ra hôm nay (1-12) cưỡng chế nhưng công an huyện báo cáo là khai mạc hội đồng nhân dân thành phố nên xin huyện cho lùi lại” - ông Đạo nói và cho rằng sai phạm chủ yếu do xã.
 
Giải thích việc vì sao hàng trăm hộ vi phạm nhưng chỉ tiến hành cưỡng chế 8 hộ và việc xử lý xen kẽ các hộ vi phạm trong khi nhiều hộ vẫn đang tiến hành xây dựng, nối tiếp vi phạm, ông Tạ Văn Đạo nói “phải làm từ từ, cái này bật ra cái khác. Cứ về làm việc với xã xem thế nào, dân kiến nghị ra sao?”. 
Được ông Đạo giới thiệu xuống làm việc với ông Nguyễn Duy Hồng, Chủ tịch UBND xã Kim Lũ để có thông tin chính thống, khách quan nhưng mọi nỗ lực liên hệ của các phóng viên đều bất thành. Trước đó, vào buổi sáng, khi thấy phóng viên, ông Hồng tìm mọi cách “né”. 
 
Ông Nguyễn Công Kết, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lũ thì ngắn gọn cho biết, cụ thể sự việc là do chủ tịch (ông Hồng). Về số hộ vi phạm như 8 hộ dân đang nhận quyết định cưỡng chế, ông Kết nói “hầu như 100% đều vi phạm”.
 
Khi phóng viên phản ánh có hàng chục công trình vi phạm vẫn đang diễn ra tại sao xã không lập biên bản xử lý, lại báo cáo huyện ban hành quyết định cưỡng chế 8 hộ dân, ông Kết im lặng và nói “tôi cũng đang đau đầu”.
 
Việc hàng trăm hộ dân vi phạm nhưng chỉ xử lý 8 hộ trong khi hàng chục công trình khác vẫn tiếp tục vi phạm khiến người dân nơi đây không đồng thuận và đặt nhiều hoài nghi về động thái xử lý này. 
“Nếu xã, huyện quyết liệt ngay từ đầu thì chúng tôi không ném cả đống tiền chắt chiu bao nhiêu năm vào đây để xây nhà ở. Thiệt hại này ai chịu?” - một hộ dân nói với giọng xót xa.
 
Đức Thắng
 
8 hộ dân nhận được quyết định cưỡng chế, gồm: hộ ông Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Văn Khối, Nguyễn Văn Xe, Nguyễn Đình Hợi, Ngô Văn Đương, Ngõ Văn Sỹ, Nguyễn Văn Cân và hộ anh Nguyễn Văn Mạnh - cùng mong muốn được Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn kiểm tra xem xét hợp tình, hợp lý, công bằng với tất cả các vi phạm. Và khi có sự “tâm phục, khẩu phục” người dân sẽ tự nguyện phá dỡ, không cần huyện phải cưỡng chế.

 

Luật sư Nguyễn Việt Hùng: Ở đây chúng tôi chưa bàn đến việc đúng sai theo quy định của pháp luật, thì việc có hàng trăm hộ dân cùng xây dựng nhà ở tại khu vực đê nhưng lại chỉ có 8 hộ bị cưỡng chế cho thấy việc giải quyết như vậy của UBND xã không đảm bảo tính khách quan, công bằng và bình đẳng giữa các hộ dân gây bức xúc cho những hộ bị quyết định cưỡng chế và bất bình của dư luận. Làm giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền.
 
Theo những giấy tờ liên quan đến việc thu thuế đất đều thể hiện việc thu thuế của chính quyền là thu thuế nhà đất ở  chứ không phải là thu thuế đất nông nghiệp hay loại đất khác. Việc thu thuế và người dân nộp thuế như vậy đương nhiên phải xuất phát từ chính sách và quy hoạch đất đai của chính chính quyền địa phương xác định đây là đất ở. Người dân sẽ hiểu rằng đất ở thì đương nhiên được phép xây dựng nhà ở và việc không cho phép dân xây dựng nhà là trái pháp luật khi chính quyền chưa thực hiện giải thích rõ và hướng dẫn chính sách pháp luật của nhà nước và quy định của địa phương cho người dân và loại đất mà người dân đang sử dụng.
 
Nếu trường hợp có vi phạm lẽ ra chính quyền cần phải làm kiên quyết ngay từ đầu khi người dân mới bắt đầu xây dựng và tổ chức cưỡng chế ngay để tránh thiệt hại tiền của của người dân khi đầu tư xây dựng thành nhà hơn hai tầng. Không những thế chính quyền còn để cho người dân chuyển đến cư trú sinh sống trên nhà đất từ hàng năm nay mới lập biên bản vi phạm và ra quyết định cưỡng chế là điều đáng trách, xâm phạm đến nơi cư trú của người dân và không thực hiện đúng chức trách gây tổn thất tiền của của dân và xã hội.
 
Với những vấn để nêu trên, tôi cho rằng UBND xã Kim Lũ nên dừng việc cưỡng chế để giải quyết những vấn đề đã nêu. Việc cưỡng chế cần phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, khách quan, đúng đối tượng, đúng chủ thể, đảm bảo nơi cư trú cho người dân và giảm thiểu nhất thiệt hại cho nhà nước người dân.