Từ việc UBND TP Hà Nội cho phép sử dụng tạm mặt bằng các ô đất để làm kho xưởng, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) đã “biến” hàng ngàn mét vuông đất dự án thành nhà hàng, quán ăn… để cho thuê. Lều lán được xây dựng tạm bợ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao khi mùa hè đã đến.

 

Gara ô tô, nhà hàng, quán ăn mọc lên như “nấm sau cơn mưa”, doanh nghiệp thu tiền tỷ bỏ túi còn nhà nước thì thất thu thuế. Ảnh: Đỗ Lực
Gara ô tô, nhà hàng, quán ăn mọc lên như “nấm sau cơn mưa”, doanh nghiệp thu tiền tỷ bỏ túi còn nhà nước thì thất thu thuế. Ảnh: Đỗ Lực
 
Tiền tỉ rơi vào túi ai?
 
Tốc độ đô thị hóa khiến đất đai Hà Nội ngày càng trở nên khan hiếm. Giá trị các lô đất ở Hà Nội được giới bất động sản tính theo ngày, theo giờ. Một mảnh đất có vị trí đắc địa có thể “sản sinh” cho gia chủ hàng trăm triệu đồng lợi nhuận mỗi tháng.
 
Chính vì vậy, mỗi mét vuông đất ở Hà Nội được ví như vàng. Trước việc các lô đất được quy hoạch treo nằm chờ dự án, nhiều doanh nghiệp đã nhanh tay chớp cơ hội, tìm đủ mọi cách để hợp thức hóa việc sử dụng các lô đất này. Chiêu bài nhằm hợp thức hóa việc sử dụng đất là xin phép các cơ quan nhà nước sử dụng tạm để khai thác tạo nguồn thu, chống lấn chiếm đất… trong khi chờ triển khai dự án.
 
Trong khi nhà nước thất thu thuế thì doanh nghiệp lại thu tiền tỉ bỏ túi. Việc trục lợi từ đất của các doanh nghiệp này còn phải kể đến trách nhiệm quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, khi việc sử dụng sai mục đích trong một thời gian dài nhưng vẫn được tồn tại.
 
Một trong những địa bàn để xảy ra tình trạng “xẻ thịt” đất vàng có thể kể đến như lô đất thuộc dự án quy hoạch xây dựng trụ sở các Tổng Công ty trên địa bàn phường Mễ Trì. Hàng ngàn mét vuông đất dự án thuộc dạng quy hoạch treo ở đây được Handico cho các đơn vị thuê để làm nhà hàng, quán ăn, garaôtô…
 
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục gara ô tô được mọc lên khai trương rầm rộ trên tuyến đường Phạm Hùng - một trong những con đường có vị trí đẹp của Thủ đô.
 
Trong vai người có nhu cầu cần thuê địa điểm để kinh doanh, PV Báo Gia đình & Xã hội đã tiến hành khảo sát giá thuê mặt bằng tại các khu đất dự án nói trên.
 
Theo tiết lộ của một chủ cơ sở kinh doanh đang thuê kho xưởng tại đây, tùy vào vị trí mà mức giá cũng sẽ khác nhau. Nếu ở vị trí sâu bên trong thì mức giá giao động từ 150.000 - 200.000 đồng/1m2/tháng. Còn đối với những vị trí nằm ngoài mặt đường lớn thì giá sẽ còn đội lên nữa.
 
Mức giá trên là thỏa thuận giữa cá nhân thuê địa điểm với các đơn vị đã kí kết hợp tác kinh doanh khai thác mặt bằng với Handico. Theo tài liệu PV có được, tổng diện tích mà Handico cho các đơn vị khai thác tại đây lên tới hàng chục nghìn m2, hàng tháng tiền cho thuê mặt bằng lên tới hàng tỉ đồng.
 
Sử dụng sai mục đích, nguy cơ cháy nổ cao
 
Theo ghi nhận của PV, đa phần các ki ốt, nhà hàng, gara ô tô được xây dựng sát nhau, bằng các vật liệu nhẹ dễ cháy, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao khi mùa nắng nóng đã tới.
 
Hẳn nhiều người vẫn chưa thể quên vụ cháy nghiêm trọng xảy ra vào tối ngày 18/10/2014 tại lô đất E5 có tổng diện tích hơn 15.000m2, thuộc lô đất quy hoạch giao cho Handico quản lý tạm. Vụ hỏa hoạn đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng, may mắn không có thương vong về người.
 
Hay như vụ “bà hỏa” ghé thăm khu nhà xưởng rộng hàng trăm mét vuông nằm gần tòa nhà Keangnam ở Nam Từ Liêm. Nguyên nhân dẫn đến cháy là do các nhà kho, nhà xưởng không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy.
 
Liên quan đến vấn đề trên, ông Hứa Đức Minh - Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì cho biết, qua kiểm tra lô đất thuộc dự án quy hoạch xây dựng trụ sở doanh nghiệp, hiện trên địa bàn đang tồn tại hơn 100 nhà tôn, nhà tạm được sử dụng làm kho xưởng, nhà hàng, quán ăn và một bãi tập xe.
 
Các công trình trên đều được xây dựng từ năm 2012 - 2013 do trước đó UBND TP Hà Nội có văn bản đồng ý cho Handico xây dựng các công trình nhà tạm (nhà khung thép, mái tôn, kết cấu đơn giản không kiên cố, dễ tháo dỡ) để khai thác tạo nguồn thu bù đắp chi phí đầu tư xây dựng hàng rào bảo vệ và chi phí duy trì bảo vệ ô đất, chống lấn chiếm.
 
Tuy nhiên, quá trình triển khai Handico lại sử dụng sai mục đích bằng việc cho mọc lên hàng chục quán ăn, nhà hàng… kinh doanh. Các cơ sở kinh doanh này đều không đáp ứng được điều kiện về phòng cháy chữa cháy.
 
“Trước đây thành phố chỉ có văn bản chung chung là xây dựng công trình tạm để làm kho bãi thôi, nhưng hiện tại lại được sử dụng để làm nhà hàng, quán ăn. Như vậy là sử dụng sai mục đích…”, ông Minh nói.
 
Cũng theo ông Minh, trước đó (ngày 17/4/2017), UBND phường Mễ Trì đã có báo cáo Số 713/BC-UBND kiến nghị với quận Nam Từ Liêm về công tác xử lý và quản lý khu vực đất nói trên để đảm bảo tình hình an ninh chính trị, phòng cháy chữa cháy, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
 
Nhưng đến nay, UBND phường Mễ Trì chưa nhận được chỉ đạo và phối hợp của các ban ngành liên quan hỗ trợ UBND phường về việc xử lý trật tự xây dựng tại khu vực nói trên.
 
Ngày 8/6/2017, UBND phường Mễ Trì đã có báo cáo số 967 kiến nghị với UBND quận Nam Từ Liêm chỉ đạo các phòng ban liên quan phối hợp, giúp đỡ UBND phường Mễ Trì tổ chức cưỡng chế các vi phạm trật tự xây dựng tại các khu vực trên. Theo đó, dự kiến trong tháng 6/2017 sẽ cưỡng chế khu đất E6 giáp tòa nhà Keangnam với diện tích khoảng 8.000m2. Các khu vực khác sẽ được liên kế hoạch cưỡng chế…
Theo Đỗ Lực/Gia đình
.