(BVPL) - Được tỉnh cho thuê đất nhưng Công ty TNHH Bông Mai lại đem bán cho Công ty TNHH Xuân Long. Sau đó, Công ty TNHH Bông Mai lại kiện một công ty khác ra tòa để đòi nợ thay vì kiện Công ty TNHH Xuân Long. Những vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng và phán quyết của TAND Quảng Ninh hiện đang gây bất bình trong dư luận.
Ngày 12/9/2007, Công ty TNHH Bông Mai (viết tắc Công ty Bông Mai) và Công ty TNHH Xuân Long (Công ty Xuân Long) ký Dự thảo hợp đồng kinh tế số 126/XL với nội dung: Công ty Bông Mai chuyển nhượng quyền sử dụng 1.743m2 đất được UBND tỉnh Quảng Ninh cho thuê, trả tiền hàng năm để đầu tư dự án và tài sản gắn liền với đất. Giá chuyển nhượng của dự thảo hợp đồng là 15.800.000.000đ.
Tuy nhiên, một năm sau, Công ty Bông Mai lại đem khối tài sản đã bán cho Công ty Xuân Long tham gia vào 3 giao dịch với 3 đối tác khác nhau. Cụ thể: Ngày 14/7/2008, ký hợp đồng tham gia góp vốn vào Công ty ASIAN do bà Vương Chung Kín làm tổng giám đốc (Hợp đồng góp vốn được lập tại phòng công chứng số 2, tỉnh Quảng Ninh và chưa bị hủy bỏ, UBND tỉnh đã đồng ý đăng ký biến động đất đai trên GCNQSDĐ); Ngày 26/3/2009, Công ty Bông Mai lại dùng khối tài sản nêu trên để làm vốn góp tham gia vào việc thành lập ra Công ty ASIAN+5 và trở thành cổ đông sáng lập ra Công ty ASIAN+5. Ngày 22/3/2010, Công ty Bông Mai thỏa thuận chuyển nhượng phần vốn góp 7 tỷ đồng (là khách sạn 7 tầng) cho bà Nguyễn Thị Mỹ Bình cổ đông mới của ASIAN+5.
|
Khách sạn Bông Mai trên mảnh đất “vàng” của UBND tỉnh Quảng Ninh giờ bỏ hoang phí. |
Bất ngờ, ngày 30/11/2011, Công ty Bông Mai lại làm đơn khởi kiện “con đẻ” là Công ty ASIAN+5 ra TAND TP Móng Cái. Yêu cầu Công ty ASIAN+5 phải thanh toán số tiền nợ bao gồm cả gốc và lãi là 19.400.000.000đ. Căn cứ khởi kiện dựa trên dự thảo hợp đồng kinh tế 126/XL, ngày 12/9/2007, giữa Công ty Xuân Long với Công ty Bông Mai và biên bản đối chiếu công nợ ngày 10/2/2010 giữa Công ty ASIAN+5 với Công ty Bông Mai.
Công ty Bông Mai cho rằng: Công ty ASIAN+5 được thành lập dựa trên cơ sở sự chuyển đổi của Công ty Xuân Long và Công ty ASIAN. Mặc dù, dự thảo hợp đồng kinh tế số 126/XL về việc chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất được ký kết với Công ty Xuân Long, nhưng sau khi Công ty ASIAN+5 được thành lập đã kế thừa việc tiếp tục thực hiện hợp đồng 126/XL ngày 12/9/2007. Theo đó, Công ty ASIAN+5 được quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo hợp đồng 126/XL, nên phải thanh toán các khoản nợ từ hợp đồng 126/XL cho Công ty Bông Mai.
Bản án sơ thẩm số 3/2013/KDTM-ST ngày 19/9/2013, về việc “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” của TAND TP Móng Cái đã xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Bông Mai với lý do nguyên đơn khởi kiện không đúng đối tượng, sai tư cách của bị đơn nên không có căn cứ để xem xét chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Ngày 25/9/2013, không đồng tình với bản án sơ thẩm, Công ty Bông Mai đã có đơn kháng cáo với nội dung: kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và đề nghị TAND tỉnh Quảng Ninh buộc Công ty ASIAN+5 phải thanh toán 4.800.000.000đ cho 3 đối tác của Công ty Bông Mai như đã cam kết bằng văn bản giữa các bên. Ngoài ra còn phải tiếp tục trả cho Công ty Bông Mai số tiền 13.442.000.000đ bao gồm cả gốc và lãi.
Bản án phúc thẩm số 01/2014/KDTM-PT ngày 18/2/2014 của TAND tỉnh Quảng Ninh xử: chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Bông Mai. Đồng Thời buộc Công ty ASIAN+5 phải có nghĩa vụ thanh toán trả nợ cho Công ty Bông Mai số tiền 11.114.480.000 với lý do: “Mặc dù giữa Công ty Xuân Long và Công ty ASIAN+5 là hai công ty có tư cách pháp nhân độc lập, nhưng các thành viên HĐQT của hai công ty đều là các thành viên trong gia đình và giữa hai công ty quan hệ chặt chẽ với nhau trong việc ký kết, thực hiện và kế thừa việc thực hiện hợp đồng kinh tế số 126/XL ngày 12/9/2007 với Công ty Bông Mai.
Theo Luật sư Hoàng Thanh Tiến (thuộc Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh) cho rằng: TAND TP.Móng Cái và TAND tỉnh Quảng Ninh đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng:
Thứ nhất: Xác định sai đối tượng bị kiện. Lẽ ra bị đơn trong vụ án này là Công ty Xuân Long vì:
Công ty Xuân Long là bên trực tiếp ký hợp đồng kinh tế số 126/XL ngày 12/9/2007 với Công ty Bông Mai về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.
Công ty Xuân Long và Công ty ASIAN +5 là hai pháp nhân độc lập với nhau, các thành viên sáng lập khác nhau, mô hình tổ chức hoạt động khác nhau nên không thể có sự kế thừa nghĩa vụ của nhau.
Khối tài sản đang tranh chấp theo Hợp đồng kinh tế 126/XL ngày 12/9/2007 là do các thành viên sáng lập của Công ty Bông Mai sau này đã tiến hành định giá tài sản để làm vốn góp tham gia sáng lập ra chính Công ty ASIAN+5.
Trong hệ thống sổ sách kế toán của Công ty Bông Mai và Công ty ASIAN+5 không thể hiện các bên có giao dịch mua bán khối tài sản nêu trên vì vậy cũng không thể hiện các khoản treo nợ của Công ty ASIAN+5 với Công ty Bông Mai trên hệ thống kế toán cũng như báo cáo tài chính hàng năm nộp cho cơ quan thuế.
Thứ hai: Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì: Bản án sơ thẩm TAND TP.Móng Cái tuyên xử: Bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Bông Mai vì kiện không đúng đối tượng, các yêu cầu khác không xem xét giải quyết. Như vậy, bản án sơ thẩm không xem xét đến nội dung hợp đồng chuyển nhượng tài sản có hợp pháp hay không? Không hòa giải làm rõ số tiền đã trả và số tiền còn nợ, không xem xét đến yêu cầu tính lãi mà Công ty Bông Mai đề nghị.
Qúa trình giải quyết vụ án, cấp phúc thẩm không triệu tập người có quyền, nghĩa vụ liên quan là UBND tỉnh Quảng Ninh tham gia. UBND tỉnh Quảng Ninh là cơ quan quản lý đất đai, là một bên trực tiếp ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê đất, vì không có sự tham gia của UBND tỉnh nên bản án đã thừa nhận hợp đồng kinh tế giữa Công ty Bông Mai và Công ty Xuân Long là hợp pháp. Điều này đồng nghĩa với việc bản án phúc thẩm đã công nhận việc Công ty Bông Mai và Công ty Xuân Long bán luôn cả QSDĐ đã được thuê và trả tiền hàng năm của UBND tỉnh Quảng Ninh mà không cần quan tâm đến quy định của luật đất đai và cũng không cần xin phép cơ quan quản lý đất trước khi chuyển nhượng dự án (vi phạm quy định tại các điều 175, 189 luật đất đai năm 2003, điều 158 nghị định 181).
Giả sử cách giải quyết của bản án phúc thẩm là có căn cứ thì nên hủy án sơ thẩm để giải quyết lại từ đầu để đảm bảo quy định của tố tụng, nhưng bản án phúc thẩm đã sửa bản án sơ thẩm theo hướng : buộc Công ty ASIAN+5 phải trả nợ và ấn định ngay số tiền phải trả. Nguyên tắc của bản án phúc thẩm là có hiệu lực ngay sau khi tuyên, vì vậy việc tuyên xử như trên đã vô hình trung đã tước đi quyền được kháng cáo của Công ty ASIAN+5 về phần nội dung của bản án.
Với những vi phạm trong thủ tục tố tụng của hai cấp tòa của tỉnh Quảng Ninh, Công ty ASIAN+5 đang làm đơn lên TANDTC đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Ninh theo quy định của Bộ luật TTDS.
Hoàng Hưng