Tự ý chặt cột điện, xây nhà trên đất nông nghiệp

 Theo phản ánh của một số người dân ở tổ 15, phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), cuối tháng 10/2018, hộ ông Đỗ Hữu Phước (ở số 30, ngõ 475/20 đường Nguyễn Trãi, tổ 15, phường Hạ Đình) phá dỡ nhà cấp 4 để xây nhà kiên cố. Căn nhà cấp 4 này trước đây do một người dân, lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép rồi bán lại cho gia đình ông Phước. Trong khi đào móng xây nhà, ông Phước đã thuê người chặt phá 2 cây cột điện liền kề phía sau nhà ông.

Một số người dân cho biết, khoảng năm 2005, một người dân “nhảy dù” lấn chiếm đoạn bờ mương, dựng lều quán trái phép, diện tích khoảng 20m2 (dài khoảng 10 mét, rộng khoảng 2 mét) dưới hành lang lưới điện, nhưng không bị UBND phường Hạ Đình xử lý. Tại khu vực này đã có 2 cây cột điện được dựng đúp, khi xây dựng lều quán, người dân này đã chừa 2 cây cột điện ở phía sau, không đụng chạm đến. Sau này, ông Phước đã mua lại một nửa lều quán nói trên, diện tích khoảng 10m2.

leftcenterrightdel
 Hai cây cột điện trước khi bị gia đình ông Phước chặt phá (Ảnh: N.Minh) 
Tháng 8/2018, Công ty Điện lực Thanh Xuân cải tạo, nâng cấp hạ tầng lưới điện tại khu vực tổ 15, phường Hạ Đình. Theo đó, một số cột điện mới được xây dựng, dây điện và các thiết bị treo trên cột phía sau nhà ông Phước được chuyển sang cột mới ở phía trước. Còn hai cây cột điện cũ, Công ty Điện lực Thanh Xuân vẫn để nguyên chưa sử dụng đến.

Ngày 25/10/2018, ông Phước đã tự ý thuê người chặt phá 2 cột điện cũ phía sau nhà ông để lấn chiếm đất xây nhà. Trước hành vi này, người dân trong khu vực đã kiến nghị lên Công an phường, UBND phường Hạ Đình và Công ty Điện lực Thanh Xuân nhưng không được xử lý dứt điểm.

Một số người dân bức xúc, hành vi tự ý chặt phá cột điện của ông Phước là hủy hoại tài sản nhà nước, lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép nhưng không hiểu vì sao vi phạm của ông Phước không bị xử lý?

Theo một số người dân cho biết, trong khi ông Phước thuê người chặt phá cột điện còn có cả nhân viên của Công ty Điện lực Thanh Xuân cũng đứng ở đó. Tuy nhiên, hành vi chặt phá cột điện không được ngăn chặn. Phải chăng phía Điện lực Thanh Xuân “bật đèn xanh” cho vi phạm?

“Quên”... Nghị định, hay còn lý do nào khác ?

 Trao đổi với phóng viên Bảo vệ pháp luật, lãnh đạo UBND phường Hạ Đình xác nhận, đúng là gia đình ông Nguyễn Hữu Phước phá dỡ cột điện, xây nhà trên đất nông nghiệp. Về hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, UBND phường đã lập biên bản đình chỉ theo quy định. Còn hành vi tự ý chặt hạ cột điện, đây là tài sản của Công ty Điện lực Thanh Xuân nên việc này có bị xử lý hay không là do bên điện lực.

Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty Điện Lực Thanh Xuân cho biết, vừa qua Đội quản lý điện số 2 đã báo cáo việc ông Phước chặt phá cột điện. Về việc này, Điện lực Thanh Xuân đang tiếp tục giải quyết.

Theo đánh giá của ông Giám đốc Công ty Điện Lực Thanh Xuân thì đây là hành vi “ít nghiêm trọng”, vì trước đó dây điện và các thiết bị treo trên cột cũ đã được chuyển sang cột mới, đó chỉ còn lại là 2 cái cột không. Tuy nhiên, Công ty Điện lực Thanh Xuân vẫn chỉ đạo xử lý.

Trước câu hỏi của phóng viên: Hai cột điện trên là tài sản của Công ty Điện Lực Thanh Xuân, việc chặt phá trái phép đã hoàn thành. Vậy bây giờ phải xử lý việc này thế nào?

Ông Nguyễn Minh Phương cho hay, Công ty Điện lực Thanh Xuân đã có công văn gửi Công an phường và UBND phường Hạ Đình để có biện pháp yêu cầu ông Đỗ Hữu Phước hoàn trả cột điện theo hiện trạng ban đầu.

“Việc ông Phước chặt phá chúng tôi không nắm được ngay. Bây giờ họ chặt rồi, phía Công ty cũng chỉ biết yêu cầu họ khắc phục, hoàn trả lại hai cột điện như lúc ban đầu thôi. Còn Công ty không có thẩm quyền ra quyết định xử phạt”, ông Phương cho biết thêm.

Về vụ việc này, theo Luật sư Nguyễn Văn Thắng (Đoàn luật sư Hà Nội), hành vi tự ý chặt phá cột điện của ông Phước là vi phạm điểm a, khoản 2, Điều 6, Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo đó, việc lắp đặt, sửa chữa, di dời công trình điện mà không thỏa thuận với chủ tài sản công trình điện hoặc đơn vị quản lý, vận hành công trình điện thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Đến đây, dư luận đặt câu hỏi, phải chăng ông Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Xuân “quên” văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến ngành nghề hoạt động của mình (Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ), để rồi không kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt người vi phạm theo quy định, hay còn lý do nào khác?

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Hồng Nguyên