Mới sinh con 7 tháng bệnh viện cho đẻ tiếp!

Bà Nguyễn Thị Nhàn (Quế Võ, Bắc Ninh) cho rằng, mong muốn có thêm một đứa con, do tuổi cao (bà Nhàn sinh năm 1971) đã đến Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện làm thủ tục sinh đẻ qua thụ tinh ống nghiệm. Kết quả là vợ chồng bà đã sàng lọc được 2 phôi cho việc sinh đẻ.

Cuối năm 2017, cấy ghép vào cơ thể 1 phôi và đến tháng 9/2018, bà đã sinh được một bé trai. Còn lại một phôi, vợ chồng bà gửi lại tại ngân hàng phôi bệnh viện Bưu Điện.

Điều bà Nhàn bất ngờ là tháng 9/2018 bà sinh con thì đến đầu tháng 4/2019 bà được bệnh viện thông báo là đã có thai tiếp. Nghĩa là bà tiếp tục có thai với cái phôi đang trữ đông ở bệnh viện Bưu Điện. Theo bà Nhàn thì từ lúc đẻ con đến lúc thông báo có tim thai đứa thứ hai là trong vòng 7 tháng. Như vậy, mới đẻ con được 7 tháng xong bệnh viện Bưu Điện lại tiếp tục cho bà đẻ!?.

leftcenterrightdel
 Đơn khiếu nại, tố cáo của bà Nguyễn Thị Nhàn

Được biết, bà Nhàn sinh năm 1971, đã có 4 người con và có cậu con trai út mới sinh tháng 9/2018. Trong hồ sơ lưu trữ tại bệnh viện những thông tin này phải được bệnh viện biết đến lúc thực hiện cấy ghép phôi. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà bệnh viện Bưu Điện với những hồ sơ của sản phụ này có 4 người con, mới đẻ con 7 tháng được đẻ tiếp?.

Dư luận đặt câu hỏi trường hợp này nếu trên thực tế bà Nhàn tiếp tục được thực hiện ghép phôi thì về chuyên môn ngành y có được đảm bảo?. Và việc bệnh viện Bưu Điện có sai phạm về chính sách dân số khi bà Nhàn đã có 4 người con vẫn xem xét cho bà được chuyển phôi sinh tiếp con?.

Theo đúng giấy tờ thì việc chuyển phôi để sinh đẻ là tên của bà Nhàn, nhưng trên thực tế chồng bà Nhàn lại thực hiện chuyển phôi cho người khác. Khi chuyển phôi lại lấy toàn bộ hồ sơ của vợ để làm thủ tục để hợp thức hóa được nhanh chóng. Thế nhưng, khi làm việc với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật bà Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm hỗ trợ sinh sản bệnh viện Bưu Điện khẳng định bà đã làm đúng quy trình.

Bà Nhã cho rằng:  “Ở bệnh viện, bệnh nhân lừa chúng tôi chứ chúng tôi không phải là công an, có giấy tờ đủ là chúng tôi làm. Khi chuyển phôi còn có chữ ký của cả vợ và chồng. Còn chứng minh thư soi vào mặt của người ta thấy na ná nhau, chứ có biết là ảnh họ chụp cách bao nhiêu năm. Lỡ họ chụp ảnh cách đây 10 năm rồi làm sao chúng tôi nhận ra được”.

leftcenterrightdel
Khu vực kỹ thuật Trung tâm hỗ trợ sinh sản 

Theo bà Nhàn, Trung tâm hỗ trợ sinh sản bệnh viện Bưu Điện chẳng lại gì mặt bà Nhàn. Vì, khi cấy phôi thai đến khi sinh nở, rồi đến khi con ốm đau bà đều thực hiện ở Trung tâm này. Vậy, để “soi” mặt người cấy phôi, Trung tâm này không nhận ra là điều phi lý?.

Được biết, để thực hiện được việc thụ tinh trong ống nghiệm thành công đối với một cặp vợ chồng phải qua những chế độ kiểm tra, đánh giá rất nghiêm ngặt. Ngay từ những giấy tờ như chứng minh thư, giấy đăng ký kết hôn…cần phải xuất trình rõ ràng và là bản gốc. Không những thế, khi thực hiện, cần phải có mặt, có chữ ký của cả vợ và chồng. Tuy nhiên, trong trường hợp của bà Nhàn đang khiếu nại, hoàn toàn không có mặt của bà nhưng bệnh viện vẫn cho phép chuyển phôi. Và xét về góc độ chuyên môn nếu trường hợp chuyển phôi cho bà Nhàn diễn ra thì với một người gần 50 tuổi, mới sinh con bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm được 7 tháng có đúng với y học hiện đại hay không?.

leftcenterrightdel
 Rất đông bệnh nhân đến thăm khám tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BV Bưu điện

Lời thú nhận của người chồng

Như Báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin, sau khi vụ việc lấy phôi của vợ cấy cho người khác bị phát hiện, chồng bà Nhàn đã phải viết một bản tường trình về việc cho phôi của mình.

Làm việc với Báo Bảo vệ pháp luật, ông Đ.V.N. (chồng bà Nhàn) thừa nhận: Năm 2017 vợ chồng ông có ra bệnh viện Bưu Điện để làm thụ tinh nhân tạo sinh thêm con, vợ chồng ông xử lý 2 phôi sinh được một cháu trai năm 2018. Còn một phôi nữa gửi cấp đông tại bệnh viện...  

Theo ông N, ông có mối quan hệ với cô V. (tên thực tế là G.T.D, là giáo viên của một trường tiểu học) ở Bắc Giang qua em gái của ông. Đến tháng 3/2019 ông mới cho cô V. cái phôi đó vì nghĩ hoàn cảnh cô chồng mất đã lâu, nhà ít người và cũng được đồng ý của vợ.

Ông nghĩ là khi ông cho phôi và muốn biết người mình cho là ai để mình theo dõi quá trình trưởng thành của nó. Tuy nhiên, ông biết được theo quy định là việc cho không được tiết lộ. Còn nếu không cho thì hàng năm ông vẫn phải đóng phí 4 triệu đồng để lưu giữ cái phôi đó.

leftcenterrightdel
Bản tường trình của chồng bà Nhàn.

Quá trình cho khoảng tháng 3/2019, ông N ra tìm hiểu ở bệnh viện, nhân viên bệnh viện có nói là việc người cho và người nhận không được phép biết nhau. Vì thế, ông về nghĩ là con mình cho không biết sau này nó như thế nào, nên ông rất áy náy. Vì thế, trong tháng 3/2019 do vợ ông con đang còn nhỏ không ra được bệnh viện nên ông đã làm giấy ủy quyền và ký cho cả vợ.

Ông N. cho biết, theo quy định thì cho tặng phôi là phải có mặt của hai vợ chồng nhưng do vợ ông đang chăm con nhỏ không ra được nên ông lấy tên vợ để chuyển phôi thì sẽ giảm được chi phí xét nghiệm ban đầu (phôi đầu vợ chồng ông làm tầm khoảng 200 triệu). Do bệnh nhân làm về sinh sản này đông nên y tá họ không kiểm soát chặt chẽ, họ chỉ nhìn qua chứng minh thư thôi và làm được. Nghĩa là đặt phôi vào cô V nhưng lấy tên cô Nhàn nhưng bệnh viện không phát hiện ra.

Theo ông N, quá trình cho phôi sau đó vợ ông biết nên bắt ông viết bản tường trình và hứa sẽ không làm to chuyện nên ông đã viết như bản tường trình. Nhưng sau đó do mâu thuẫn nên bà Nhàn đã viết đơn. Ông N. xác nhận đã thực hiện việc cho phôi một mình và không có sự có mặt của vợ.

Thủ tục chuyển phôi yêu cầu luôn phải có 2 vợ chồng, vậy một mình ông N tự làm, tự ký trước sự chứng kiến của nhân viên y tế thì khó có thể thực hiện được, điều này cần làm rõ...

 Ông Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em: Sẽ yêu cầu BV Bưu điện báo cáo cụ thể

Vấn đề thụ tinh trong ống nghiệm Bộ Y tế giao cho Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. Khi một bệnh viện làm về thụ tinh ống nghiệm thì họ phải đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, đội ngũ y bác sĩ, cán bộ... rồi gửi hồ sơ sang Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sau đó Vụ đi thẩm định xem đủ trình độ, đủ điều kiện mới báo cáo lãnh đạo Bộ cho phép làm việc đó. Bộ cũng đã có Thông tư để quản lý chặt vấn đề thụ tinh ống nghiệm và đang xây dựng Nghị định về xử phạt hành chính trong y tế nói chung, trong đó có bao gồm cả lĩnh vực sinh sản bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Liên quan vụ việc xảy ra tại bệnh viện Bưu Điện, Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em sẽ gửi văn bản yêu cầu bệnh viện báo cáo cụ thể, sau đó sẽ xuống bệnh viện làm việc.


Luật sư Vũ Văn Đồng, đoàn luật sư Hà Nội: Bệnh viện tắc trách, thiếu trách nhiệm

Theo Nghị định và Thông tư về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì khi cho phôi phải có cam kết bằng văn bản của cả vợ và chồng. Ngoài ra phải thẩm định kỹ những giấy tờ tùy thân kèm theo. Trong trường hợp này, bệnh viện đã tắc trách, thiếu trách nhiệm khi không thẩm định kỹ người được cấy ghép phôi.

 

Lê Sử