(BVPL) - Từng là chủ trang trại sinh thái - hồ cá, tạo công ăn việc làm cho gần trăm lao động địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao, được mời đi báo cáo thành tích ở nhiều nơi, thế nhưng đến nay anh Nguyễn Đình Dũng ngày ngày phải ngồi viết đơn kêu cứu bởi toàn bộ trang trại và hồ cá đều bị thu hồi để xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhưng việc đền bù, hỗ trợ nhiều năm nay chưa được xem xét, giải quyết thỏa đáng. 
 
Từ ông chủ thành đạt…
 
Anh Nguyễn Đình Dũng ở thôn 5, xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, Hà Nội thường được dân địa phương gọi là “Dũng cá”. Theo lời kể của anh Dũng thì từ năm 1993, thực hiện chủ trương xây dựng khu kinh tế mới của tỉnh Hà Tây, gia đình anh đã mạnh dạn nhận 03 ha đất trống đồi trọc tại khu kinh tế mới Khoang Nhện (Tân Xã, Thạch Thất) và nhận chuyển nhượng lại khoảng 05 ha khai hoang từ nhiều hộ dân khác để đầu tư xây dựng một trang trại sinh thái lớn. Quãng thời gian đầu là những ngày đầy vất vả, vợ chồng anh đã phải đội nắng, đội mưa với cái trang trại rộng lớn nhưng vẫn không đủ sức nên phải thuê thêm người làm. Thiếu vốn, anh được Trung ương Đoàn phê duyệt dự án giải quyết việc làm cho thanh niên, được Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho vay vốn đầu tư. Thế rồi dần dần, trang trại được hình thành với mô hình kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, thêm cả dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho nhiều đoàn viên, thanh niên địa phương. 
 
Anh Dũng (người thứ 4 từ trái sang) và nguyên Bí thư Huyện ủy Thạch Thất (người thứ 3 từ trái sang) tiếp khách nước ngoài tham quan trang trại sinh thái.
Anh Dũng (người thứ 4 từ trái sang) và nguyên Bí thư Huyện ủy Thạch Thất (người thứ 3 từ trái sang) tiếp khách nước ngoài tham quan trang trại sinh thái.
 
Từ thành công bước đầu, gia đình anh Dũng mạnh dạn ký hợp đồng thầu 100 ha mặt nước hồ Tân Xã (tiếp giáp với trang trại sinh thái) để thả cá. Mô hình sản xuất của gia đình anh gồm cả trang trại và hồ cá vào lúc phát triển nhất đã tạo công ăn, việc làm cho hơn 70 lao động, đóng góp với Nhà nước hơn 100 triệu đồng/năm. Nhiều năm liền, trang trại của gia đình anh được vinh danh là mô hình kinh tế điển hình, được Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm, Thủ tướng Phan Văn Khải trao tặng cúp tại Hội nghị doanh nghiệp trẻ toàn quốc năm 2002, Hội nông dân tỉnh Hà Tây tặng danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh”, Trung ương Đoàn và Tỉnh đoàn Hà Tây tặng nhiều bằng khen. Mô hình cũng được nhiều cơ quan đài báo Trung ương và địa phương biểu dương, khen ngợi, được xem là “mô hình điểm”, là gương điển hình cho nhiều người đến tham quan, học tập...
 
 ... đến những nỗi niềm 
 
“Năm 2007, đúng lúc vốn đầu tư bắt đầu phát huy hiệu quả, mô hình dịch vụ ăn uống - du lịch sinh thái bắt đầu có thương hiệu, thì Nhà nước thu hồi đất khu vực này để xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc” - anh Dũng cho biết. “Tiếp đó toàn bộ trang trại và hồ cá gia đình tôi đều bị thu hồi. Gia đình tôi đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để địa phương kê khai kiểm đếm tài sản, hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề và giải thể trang trại để bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Thế nhưng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho gia đình tôi kéo dài từ năm 2008 đến nay chưa xong, nhiều hạng mục, tài sản đã được kiểm đếm đến nay chưa được chi trả, gây thiệt thòi quyền lợi chính đáng của gia đình tôi” - anh Dũng cho biết thêm.
 
Trước sự việc trên, ban đầu, anh Dũng không tính chuyện khiếu nại, chỉ tìm đến Ban bồi thường GPMB huyện để trình bày miệng và nhận được câu trả lời là an tâm đi, đang xem xét, sẽ giải quyết. Chờ mãi không thấy ai giải quyết, anh Dũng làm nhiều đơn đề nghị và kêu cứu, đầu tiên là gửi ra xã. Xã không giải quyết, anh gửi ra huyện. Huyện cũng không giải quyết. “Sau đó, có người khách cũ của nhà hàng sinh thái biết chuyện khuyên tôi tìm đến văn phòng luật sư để được tư vấn - anh Dũng kể. 
 
Nhờ có luật sư, đầu năm 2013, gia đình anh Dũng được nhận nốt khoản tiền bồi thường huyện Thạch Thất mới “tạm ứng” một phần từ năm 2008. Thế nhưng sau đó, việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho gia đình anh tiếp tục “án binh bất động”. Đặc biệt là thời gian này, hồ cá bắt đầu bị thu hồi, nhưng gia đình anh Dũng bị “bỏ qua”, không được thông báo, cũng chẳng được đền bù, hỗ trợ, buộc anh Dũng phải làm đơn kêu cứu gửi Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam và UBND TP Hà Nội. 
 
Sau đó, tại Văn bản số 91/HNC ngày 26/8/2013, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định: “Việc thu hồi đất để phát triển công nghệ cao là chủ trương lớn của Nhà nước và TP. Hà Nội. Khi được biết chủ trương đó gia đình ông Dũng cũng đã chấp hành nghiêm túc và có đơn đề nghị được đền bù, hỗ trợ sản xuất, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng; việc đầu tư cho sản xuất - kinh doanh thủy sản có chu kỳ dài, do vậy việc thu hồi đất, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản và đền bù, hỗ trợ sản xuất không thỏa đáng, kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho hộ gia đình và nhất là những người lao động đang làm việc sẽ thất nghiệp, không có công ăn việc làm, hộ gia đình không thể thu hồi kịp vốn đầu tư cho sản xuất”. Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã kiến nghị:“Đề nghị cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ nuôi trồng thủy sản cho hộ ông Dũng theo quy định, bảo đảm vừa có lý, có tình để gia đình ông Dũng có điều kiện chuyển đổi sản xuất, góp phần ổn định đời sống cho gia đình…”.
 
Thế nhưng khi chúng tôi hỏi anh Dũng kết quả thực hiện công văn của Trung ương Hội Nghề cá đến đâu, anh Dũng lại cười buồn: “Chẳng đến đâu hết nên tôi chẳng có cách nào khác là tiếp tục làm đơn khiếu nại, và đang tính chuyện phải khởi kiện ra tòa như các luật sư khuyên”.
 
Đắc Thái 
 
Ngày 19/9/2013, UBND TP. Hà Nội có Công văn số 6934/UBND-TNMT về việc bồi thường, hỗ trợ cho hộ kinh doanh nuôi trồng thủy sản trên diện tích mặt nước hồ Tân Xã, huyện Thạch Thất để GPMB Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Công văn do Phó chủ tịch Vũ Hồng Khanh ký nêu rõ: “Giao UBND huyện Thạch Thất kiểm tra, xem xét, chỉ đạo việc bồi thường, hỗ trợ do phải dừng nuôi trồng thủy sản trên diện tích mặt nước hồ Tân Xã của hộ ông Nguyễn Đình Dũng để phục vụ công tác GPMB Khu công nghệ cao Hòa Lạc theo đúng quy định hiện hành, báo cáo UBND TP kết quả thực hiện”.