(BVPL) – Chưa có bất kỳ một quyết định, một văn bản nào về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đường quốc phòng đi qua khu mỏ của Cty CPXD I Hà Tĩnh. Tất cả vẫn đang chỉ là dự tính, dự định và việc có làm đường quốc phòng hay không thì hiện tại UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng chưa thể khẳng định 100%. Dư luận cho rằng mục đích thu hồi một phần diện tích mỏ khai thác đá đã cấp cho Cty CPXDI Hà Tĩnh chẳng khác nào hành động “truy sát’ doanh nghiệp?
 
Doanh nghiệp phá sản, ai là người phải chịu trách nhiệm?
Trao đổi với PV, ông Trương Văn Trọng - Giám đốc Cty CPXDI Hà Tĩnh cho biết: “Việc thu hồi mỏ từ lý do này đến lý do khác trên thực tế thì khác xa khiến doanh nghiệp hết sức băn khoăn, khó hiểu. Chính việc "nhập nhằng" đó của UBND tỉnh khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình hoạt động…”
Cũng theo ông Trọng chia sẻ đề án doanh nghiệp đã trình UBND tỉnh để được cấp giấy phép khai thác, để có thể khai thác đúng quy định, bắt buộc phải mở đường lên đỉnh núi đá rồi cắt tầng từ đỉnh núi xuống. Thời gian qua, vì bị đình chỉ 5,4 ha nằm trong quy hoạch mở đường lên đỉnh nên việc khai thác toàn bộ mỏ bị ảnh hưởng trầm trọng. Mỏ đá này kéo dài hơn 1,2km, đỉnh núi có chỗ có 10 mét, chỗ nào rộng hơn thì lên tới 20 mét. Vì vậy việc quy hoạch đường lên đỉnh mỏ để thực hiện khai thác cắt tầng theo đúng quy định là dường như không thể thực hiện được khi số diện tích 5,4 ha tỉnh đã cấp nằm trong đề án quy hoạch mở đường lên đỉnh núi mà doanh nghiệp đã tính toán. Cũng bởi thế mà tất cả công việc cơ bản bị trì trệ. Cứ tiếp tục kéo dài thì rõ ràng là phải tuyên bố phá sản nay mai thôi chứ không thể gắng gượng mà chờ UBND tỉnh được nữa.
 

 

Việc UBND tỉnh Hà Tĩnh buộc dừng hoạt động và ra thông báo yêu cầu thu hồi đối với diện tích hơn 5ha này trong tổng số diện tích cấp phép cho doanh nghiệp lại chưa có lý do nào thuyết phục.
Việc UBND tỉnh Hà Tĩnh buộc dừng hoạt động và ra thông báo yêu cầu thu hồi đối với diện tích hơn 5ha này trong tổng số diện tích cấp phép cho doanh nghiệp lại chưa có lý do nào thuyết phục.
Ở một diễn biến khác trao đổi với PV về những nội dung liên quan tới việc mỏ đá bị đình chỉ 5.4 ha, Trưởng phòng nghiệp vụ II thuộc Thanh tra UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “ Vừa qua UBND tỉnh chỉ đạo phía Thanh tra tỉnh tham mưu, chúng tôi đã đi thực tế, kiểm tra và có ý kiến với UBND tỉnh là nếu không có đường quốc phòng đi qua khu vực mỏ thì UBND tỉnh cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hoàn thành thủ tục thuê đất để họ hoạt động. Nếu có đường quốc phòng đi qua mỏ thì đương nhiên phải đóng cửa mỏ. Giờ chỉ có phương án là UBND tỉnh giao các Sở ban ngành liên quan họp, xác định xem dự án có tiếp tục được triển khai không. Nếu vì lý do bất khả kháng mà không thể để dự án triển khai tiếp được thì phải có phương án đóng cửa mỏ và có phương án đền bù, hỗ trợ thỏa đáng cho doanh nghiệp.”
Như vậy, việc UBND tỉnh Hà Tĩnh thông báo tạm đình chỉ 5,4 ha nằm trong tổng diện tích hơn 14ha đã cấp cho cty CPXD I để khai thác đá với lý do là ảnh hưởng tới di tích đền Lê Khôi và đất rừng phòng hộ về cơ bản bị loại bỏ. Hiện tại thì lý do duy nhất còn lại vẫn là việc dự định triển khai đường quốc phòng.
Và liệu rằng, nếu sau này dự án làm đường quốc phòng không triển khai được như dự tính của UBND tỉnh Hà Tĩnh thì việc đình chỉ đối với hoạt động khai thác 5,4 ha đã cấp giấy phép khai thác cho doanh nghiệp cũng như không thực hiện cho doanh nghiệp thuê đất gây thiệt hại nghiêm trọng tới kinh tế của doanh nghiệp thì ai là người phải gánh chịu trách nhiệm?.
 
Văn bản ban hành như…giấy lộn?
Tuy nhiên, cho tới nay chưa có bất kỳ một quyết định, một văn bản nào về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đường quốc phòng đi qua khu mỏ của Cty CPXD I Hà Tĩnh. Tất cả vẫn đang chỉ là dự tính, dự định và việc có làm đường quốc phòng hay không thì hiện tại UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng chưa thể khẳng định 100%.
Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phan Chiều – Phó văn phòng Luật An Phát thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Hà Tĩnh.
Theo ông Phan Chiều cho rằng trước khi trình UBND tỉnh xem xét về chủ trương chấp thuận điều chỉnh dự án đầu tư thì cơ quan đăng ký đầu tư là Sở kế hoạch đầu tư Hà Tĩnh, có trách nhiệm lấy ý kiến các cơ quan có thẩm quyền liên quan như: Sở xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường, UBND huyện Thạch Hà, Sở Giao thông vận tải, UBND xã Thạch Bàn,… về những nội dung điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp liên quan tới hoạt động khai thác mỏ đá tại xã Thạch Bàn. Trên cơ sở đồng thuận, thống nhất ý kiến việc chấp thuận, thì cơ quan đăng ký mới trình lên để UBND tỉnh Hà Tĩnh duyệt chủ trương và cấp giấy phép khai thác cho Cty CPXDI Hà Tĩnh.
 

 

 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã liên tục ban hành nhiều văn bản với lý do thu hồi mỏ khai thác đá của cty này một cách “tiền hậu bất nhất”.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã liên tục ban hành nhiều văn bản với lý do thu hồi mỏ khai thác đá của cty này một cách “tiền hậu bất nhất”.
 
Dường như trong sự việc này thì UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quên rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đầu tư, quy định: “2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền không xem xét lại các nội dung đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác thẩm định, phê duyệt trước đó. Nếu UBND tỉnh Hà Tĩnh nhất quyết thu hồi với những lý do nêu trên, tôi cho rằng việc làm đó không phù hợp đối với các quy định liên quan đến việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt hoạt động đầu tư  theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật đầu tư 2005, Điều 48 Luật đầu tư 2014 và quy định các văn bản hướng dẫn thi hành.
 
Hiện nay chưa khẳng định thu hồi mỏ đá này 
Đó là khẳng định của ông Lê Minh Đạo - Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh  khi làm việc với PV. Trong buổi làm việc này, ông Đạo cho biết thêm vụ việc này kéo dài cũng đã lâu, UBND tỉnh cũng đã có nhiều đoàn và nhiều lần làm việc với doanh nghiệp. Trước đây khi cấp mở rộng, cơ quan tham mưu như Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên môi trường có sơ suất nên dẫn tới việc cấp chồng lên rừng phòng hộ.
Năm 2015, UBND tỉnh có ra thông báo tạm dừng hoạt động lên diện tích hơn 5,4 ha đã cấp chồng. Sau đó cuối năm 2015, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng có làm việc với doanh nghiệp và đi tới thống nhất là khai thác lùi  ra 100 mét so với mốc cấp ban đầu gần đền thờ Lê Khôi.
Phương án đó cơ bản đã ổn thì vừa rồi lại phát sinh ra dự án đường quốc phòng, hiện nay chưa khẳng định thu hồi mỏ đá này. Vừa qua  UBND tỉnh cũng đã có Quyết định thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại cho doanh nghiệp. Về quyết định này mục tiêu là xem nếu làm đường sẽ phải bồi thường bao nhiêu.
Ở đây là đánh giá giá trị phải bồi thường nếu có diễn ra việc làm đường quốc phòng, chứ không phải đánh giá thiệt hại để triển khai rồi đóng mỏ…Mới chỉ dừng lại ở đó. Việc này cũng chưa giải thích rõ cho doanh nghiệp nên đã gây hiểu lầm cho doanh nghiệp.
Về việc triển khai dự án đường quốc phòng liệu đã có quyết định phê duyệt? Ông Đạo cho biết, dự án đang trong quá trình làm thủ tục, đang chờ thẩm định nguồn vốn, Bộ tài chính cũng đã thẩm định nguồn vốn, từ nguồn của Bộ Quốc phòng.
Về phương án xử lý vụ việc, UBND tỉnh sẽ phối hợp với chặt chẽ với doanh nghiệp, có trách nhiệm với doanh nghiệp và sẽ phải giải quyết thế nào đó để hài hòa với lợi ích của nhà đầu tư. Không chỉ riêng doanh nghiệp này, mà kể cả doanh nghiệp nào đầu tư trên địa bàn tỉnh thì tỉnh đều có trách nhiệm.
Trao đổi bên lề với PV, ông  Lê Minh Đạo cho biết thêm đầu giờ sáng nay, mình cũng đã họp anh em trong văn phòng, và thống nhất sẽ tham mưu tổ chức một buổi làm việc, mời lãnh đạo tỉnh và cả doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi để tìm ra phương án hài hòa nhất
Vì sao một sự việc tưởng chừng như đơn giản lại khiến 1 doanh nghiệp từng được xem là lớn nhất nhì tỉnh Hà Tĩnh phải đứng trên bờ vực thẳm của sự phá sản? Có hay không những “ý ngầm” như lời đồn thổi của dư luận về một mục đích khác phía sau việc không chịu giải quyết dứt điểm?
Hệ lụy không đơn thuần là thiệt hại kinh tế chỉ doanh nghiệp này phải gánh, mà còn ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển kinh tế chung của địa phương. Bởi rằng, theo đề án thì mỏ khai thác đá này cũng có nhiệm vụ phục vụ công tác xây dựng, cung cấp vật liệu xây dựng cho 9 xã bãi ngang ven biển của tỉnh Hà Tĩnh tại khu vực. Nhất là trong giai đoạn này khi mà cả đất nước đang vào cuộc mãnh mẽ trong nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới.
 
PV
.