(BVPL) - Sau khi tiến hành mở thầu và chấm hồ sơ dự thầu xây dựng nhà làm việc, Công ty Điện lực tỉnh Bến Tre đã có thông báo Liên danh Công ty Cổ phần Bạch Đằng 5 và Công ty TNHH xây dựng An Hòa là đơn vị trúng thầu. Cho rằng kết quả công bố chưa thật khách quan, còn nhiều nghi vấn nên một số đơn vị dự thầu đã có văn bản gửi đến chủ đầu tư.
 
Chào giá thấp mà vẫn trượt như thường!
 
Gói thầu xây dựng nhà làm việc do Công ty Điện lực Bến Tre làm chủ đầu tư có quy mô cao 9 tầng, có 1 tầng hầm và tầng mái kỹ thuật với tổng diện tích sử dụng 4565m2. Để lựa chọn nhà thầu thi công, phía chủ đầu tư đã tổ chức mời thầu rộng rãi trong nước.
 
Theo biên bản mở hồ sơ đề xuất tài chính ngày 29/7/2016, thì chỉ có 3 nhà thầu đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật là nhà thầu Công ty Cổ phần Xây dựng số một Việt sơn, Công ty TNHH MTV Thành An 117 và nhà thầu Liên danh Công ty Cổ phần Bạch Đằng 5 và Công ty TNHH Xây dựng An Hòa nên chỉ mở hồ sơ đề xuất tài chính của ba nhà thầu này.
 
Nhiều dấu hỏi nghi vấn về tính minh bạch trong kết quả đấu thầu xây nhà làm việc của Công ty Điện lực Bến Tre
Nhiều dấu hỏi nghi vấn về tính minh bạch trong kết quả đấu thầu xây nhà làm việc của Công ty Điện lực Bến Tre
 
Cụ thể, nhà thầu Công ty Cổ phần Xây dựng số một Việt Sơn bỏ giá dự thầu là 26.146.451.198đồng (không có thư giảm giá); Công ty TNHH MTV Thành An 117 bỏ giá 26.110.360.237 đồng nhưng có thư giảm giá 985.892.237 đồng. Do vậy giá sau giảm giá chỉ còn: 25.124.468.000 đồng. Còn riêng nhà thầu Liên danh Công ty Cổ phần Bạch Đằng 5 và Công ty TNHH Xây dựng An Hòa bỏ mức giá cao nhất: 28.875.000.000 đồng, có thư giảm giá 2.875.000.000 đồng, tức sau giảm giá vẫn còn 26.000.000.000 đồng!
 
Như vậy, sau phiên mở hồ sơ đề xuất tài chính, mức giá bỏ thầu của Công ty TNHH MTV Thành An 117 được ghi nhận là mức thấp nhất, thấp hơn so với mức bỏ giá của Liên danh Công ty Cổ phần Bạch Đằng 5 và Công ty TNHH Xây dựng An Hòa là gần 900 triệu đồng.
 
Tuy nhiên, đến ngày 26/9/2016, Công ty Điện lực Bến Tre đã có thông báo số 2764/TB-PCBTr lựa chọn nhà thầu Liên danh Công ty Cổ phần Bạch Đằng 5 và Công ty TNHH Xây dựng An Hòa là đơn vị trúng thầu? Điều này đã khiến không ít các đơn vị dự thầu khác phải “ngã ngửa” và đặt dấu hỏi nghi vấn về kết quả công bố từ phía chủ đầu tư?
 
Những nghi vấn cần được làm rõ
 
Theo tìm hiểu được biết, sau khi mở hồ sơ đề xuất tài chính vào ngày 29/7, thì phía nhà thầu Liên danh Công ty Cổ phần Bạch Đằng 5 và Công ty TNHH Xây dựng An Hòa đã tiến hành sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch và trừ đi giá trị giảm giá để rồi đưa ra mức giá dự thầu là 23.638.176.303 đồng. Để rồi liên danh này được xếp hạng thứ 1 và được vào thương thảo ký kết hợp đồng với chủ đầu tư, trước sự “khó hiểu” của một số đơn vị cùng tham gia dự thầu.
 
Lý giải cho việc này, Giám đốc Công ty Điện lực Bến Tre Trần Minh Tâm cho rằng chủ đầu tư đã thực hiện đúng theo hồ sơ mời thầu đã phát hành cho nhà thầu. Việc đánh giá chi tiết về tài chính sử dụng phương pháp giá thấp nhất theo các bước: Xác định giá dự thầu; Sửa lỗi, Hiệu chỉnh sai lệch; Xác định giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá. Nhà thầu được xếp hạng nhất nếu có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) ở mức thấp nhất.
 
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thành An 117 cho biết: Việc nhà thầu Liên danh Công ty Cổ phần Bạch Đằng 5 và Công ty TNHH Xây dựng An Hòa tiến hành sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch các số liệu tính toán trong hồ sơ dự thầu sau khi có biên bản mở hồ sơ đề xuất tài chính đã không được phía phía chủ đầu tư - Công ty Điện lực Bến Tre thông báo công khai cho các đơn vị cùng tham gia dự thầu được biết. Kết quả của việc làm “âm thầm, lặng lẽ” trong gói thầu công khai này chỉ được thể hiện qua thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, khiến các đơn vị dự thầu khác rất ngỡ ngàng!
 
Theo những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu thầu xây dựng chia sẻ thì các tiêu chí đánh giá về tài chính như trên dường như là nhằm loại bỏ các đơn vị dự thầu “nằm ngoài cuộc chơi”. Vì trên thực tế, một doanh nghiệp tham gia dự thầu nếu đã có sự “bắt tay” với chủ đầu tư thì có thể họ sẽ đưa giá dự thầu cao, nhưng cũng đồng thời cố tình để xảy ra lỗi tính toán, xử lý số liệu trong hồ sơ dự thầu. Để rồi, đến khi mở hồ sơ đề xuất tài chính, nếu các đơn vị tham gia dự thầu khác bỏ giá cao hơn họ thì nghiễm nhiên doanh nghiệp “con cưng” này sẽ trúng. Còn nếu các, các đơn vị tham gia dự thầu bỏ giá thấp hơn họ, thì lúc đó họ sẽ áp dụng “kế sách” xin sữa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch để có giá thấp nhất. Chung quy, cũng chỉ để gói thầu sẽ không thể rơi vào tay đơn vị “nằm ngoài cuộc chơi”?
 
Việc công bố kết quả đơn vị trúng thầu của Công ty Điện lực Bến Tre đang khiến một số doanh nghiệp tham gia dự thầu bức xúc vì cho rằng thiếu tính công khai, minh bạch. Thiết nghĩ, Tổng Công ty Điện Lực Miền Nam và Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch đầu tư) cần có biện pháp thanh kiểm tra lại quá trình chấm thầu,làm rõ những nghi vấn nêu trên đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể nếu để xảy ra sai phạm trong đấu thầu, có như vậy nguồn vốn xây dựng cho công trình này mới được đảm bảo sử dụng đúng mục đích ban đầu.  
 
Nhóm PVĐT