(BVPL) - Mặc dù bị đánh sập hoạt động khai thác rầm rộ từ tháng 8/2015… Tuy nhiên cho đến nay, tình trạng “đất tặc” vẫn ngang nhiên lộng hành trên địa bàn xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An tại cuối đường dẫn vào khu trang trai chăn nuôi. Không chỉ công khai thách thức các lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương, hoạt động “đất tặc” còn đang khiến tài nguyên đất của đồi thành đồng bằng với tốc độ chóng mặt… 
 
Những quả đồi còn trơ trọi sau khi “đất tặc” càn quét qua
Những quả đồi còn trơ trọi sau khi “đất tặc” càn quét qua
 
Tiếp nhận phản ánh, ngày 09/3, PV báo Bảo vệ pháp luật đã có mặt tại con đường dẫn vào khu trang trại chăn nuôi của xã Đô Thành để ghi nhận về hiện trạng “đất tặc” lộng hành tại nơi đây. Bên cạnh những ngọn đồi còn nham nhở những vết chém của máy xúc nơi công trường bị đánh sập của các nhóm “đất tặc”, con đường dẫn vào khu trang trại chăn nuôi của xã Đô Thành trở lên sầm uất hơn bao giờ hết, cứ 5 phút lại xuất hiện những chiếc xe tải nhỏ với ngất ngư đất, đá được phủ kín bạt chạy qua. Ngay cả khi ra đến trục đường chính liên xã, chạy qua trước cửa UBND xã Đô Thành những chiếc xe này vẫn thản nhiên vô tư như việc khai thác trái phép của mình đã có “ô dù” che chắn…
 
Một số người dân địa phương cho biết: “Việc khai thác đất đá tại đây chẳng có gì xa lạ, một ngày có tới cả trăm xe chạy qua chạy lại mà chẳng ai ý kiến gì. Thời điểm này trời ít có mưa nên hoạt động khai thác mới rầm rộ đến thế bởi cứ mưa xuống đường trơn trượt thì các xe chẳng thể ra vào. Trong khu vực dẫn vào trang trại chăn nuôi này, không chỉ có một mà tận hai ông chủ khai thác, toàn bộ đất đá khai thác đều được xe đổ đi bán tại các công trình xây dựng ở lân cận kiếm lời…”.
 
Cứ 5 phút lại một chuyến xe tải nhỏ đầy ắp phủ bạt chạy trên con đường dẫn vào khu vực trang trại chăn nuôi
Cứ 5 phút lại một chuyến xe tải nhỏ đầy ắp phủ bạt chạy trên con đường dẫn vào khu vực trang trại chăn nuôi
 
Đất là tài nguyên quốc gia nhưng dường như tại xã Đô Thành thì nó chỉ đơn thuần là món hàng siêu lợi nhuận bởi không cần được cấp phép, không cần công ty chỉ cần có tên tuổi, có chút quan hệ là vô tư làm… Hoạt động khai thác này chỉ dừng lại khi những ngọn đồi còn trơ đá, máy xúc không thể chém vào hoặc đến khi ngọn đồi được san phẳng như đồng bằng. Đây không phải lần đầu tiên tại xã Đô Thành diễn ra hiện trạng trên, mà nó xuất hiện từ nhiều năm trước nữa, tuy nhiên, chính quyền nơi đây dường như ngó lơ, mặc sức để nó tự do phát triển. Với tốc độ như hiện tại, không biết còn bao nhiêu ngọn đồi với dự định phủ xanh bởi cây cối bị  tàn phá nữa… Trách nhiệm này sẽ thuộc về ai đây?
 
Để được phối hợp về mặt thông tin và tìm giải pháp ngăn chặn hiện trạng trên, PV đã liên hệ với UBND xã Đô Thành. Tuy nhiên, chỉ nhận được cái khước từ, đầy thờ ơ của vị Chủ tịch UBND xã với lý do: “Tôi không làm việc khi anh không có thẻ nhà báo (?)”. Đây có phải là một yếu kém về nhận thức hay không? Hay có chăng đó chỉ là cái cớ để chính quyền địa phương thoái thác trách nhiệm? Không chỉ riêng vị Chủ tịch UBND mà ngay cả Bí thư Đảng ủy xã Đô Thành cũng chối đây đẩy khi PV tới liên hệ: “Báo chí à, xuống làm việc với Chủ tịch, tôi không tiếp báo chí (?)”.      
 
Ngay cả trên trục đường chính xe của “đất tặc” vẫn vô tư như có “ô dù”
Ngay cả trên trục đường chính xe của “đất tặc” vẫn vô tư như có “ô dù”
 
Đáng nói hơn, ngay cả đến lãnh đạo cơ quan chuyên môn phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện Yên Thành, ông Nguyễn Đức Thiện cũng trốn tránh trách nhiệm với lý do: “Ngày mai tôi bận đi công tác…(?)”. Phải chăng, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Thành không ai khác có chuyên môn để xử lý vụ việc? Hay có chăng, việc lớn nhỏ một mình lãnh đạo phòng giải quyết còn nhân viên hàng ngày đến trụ sở để cuối tháng nhận lương?
 
Thực trạng trên khiến dư luận không khỏi đặt dấu hỏi: Có hay không việc bảo kê cho “đất tặc” lộng hành? Nếu cần xử lý nghiêm, trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
 
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!
 
Gia Thỏa
.