Bà Nguyễn Ngọc Tuyết (ngụ phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa) tiếp tục gửi đơn cầu cứu, tố cáo lần thứ 7 đến các cơ quan chức năng TW và địa phương với hy vọng những nghi vấn liên quan đến vụ việc sẽ sớm được điều tra làm rõ. Đặc biệt, cần làm rõ thông tin bà Tuyết mất tài sản oan là do Cục THADS Đồng Nai “đạo diễn” mà dư luận địa phương xôn xao trong thời gian qua.
 
Trong đơn tố cáo lần thứ 7, bà Tuyết tiếp tục tố cáo ông Nguyễn Văn Sơn- Phó Cục trưởng phụ trách nghiệp vụ, bà Hồ Thị Thu Thảo- Trưởng phòng khiếu nại, tố cáo và chấp hành viên Trần Văn Thuần về hành vi bán đấu giá tài sản trái pháp luật, câu kết với người mua đất, tổ chức cưỡng chế vào các ngày 9 và 18/11/2016. Bên cạnh đó, bà Tuyết cho rằng tại kết luận số 01/KL-CTHA ngày 22/11/2016, Cục THADS Đồng Nai còn có dấu hiệu bao che, không minh bạch và thiếu trung thực trong nội dung trả lời đơn tố cáo…
 
Như đã đề cập, ngày 28/10/2004, Cty Tân Thuyết ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Đồng Nai (Agribank Đồng Nai) vay 10 tỷ đồng. Tài sản thế chấp gồm toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị là tài sản hình thành từ vốn vay của Agribank Đồng Nai. Ngoài ra, khoản vay còn được bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất theo GCNQSDĐ số K902956 do UBND tỉnh Đồng Nai cấp ngày 12/10/2000, diện tích 11.609,7 m2 thuộc sở hữu cá nhân bà Tuyết và GCNQSDĐ số V680853 do UBND tỉnh Đồng cấp ngày 19/9/2002 với diện tích 13.774,8 m2 do bà Tuyết và ông Quang Vĩnh Thuận đồng sở hữu tại phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa.
 
Ngoài Agribank Đồng Nai, Cty Tân Thuyết còn vay của bà Nguyễn Thị La 2 tỷ đồng. Việc vay mượn này là giao dịch giữa Cty Tân Thuyết và bà La; cá nhân bà Tuyết không liên quan đến việc vay mượn, bảo lãnh tiền vay.
 
Do chậm thanh toán, Agribank Đồng Nai và bà La đã khởi kiện Cty Tân Thuyết ra tòa. Và ngày 1/7/2009, TAND tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định 62 công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó, Cty Tân Thuyết có trách nhiệm thanh toán nợ gốc và lãi cho Agribank Đồng Nai, cũng như nợ vay cho bà La.
 
Tài sản đảm bảo thanh toán nợ cho Agribank Đồng Nai là toàn bộ nhà xưởng, máy móc thiết bị của Cty Tân Thuyết được hình thành từ vốn vay và quyền sử dụng đất theo các hợp đồng bảo lãnh của bà Tuyết và ông Quang Vĩnh Thuận.

 

 

 Thửa đất của bà Tuyết – nếu không được các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc điều tra, có nguy cơ bị mất trắng cho dù bà không liên quan trực tiếp đến việc vay vốn.
Thửa đất của bà Tuyết – nếu không được các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc điều tra, có nguy cơ bị mất trắng cho dù bà không liên quan trực tiếp đến việc vay vốn
 
Liên quan đến Quyết định số 62 của TAND tỉnh Đồng Nai, bà Tuyết đã nhiều lần khiếu nại về thẩm quyền giải quyết, cho rằng: Cty Tân Thuyết vay vốn ngân hàng không trả được nợ làm phát sinh vụ kiện dân sự trong lĩnh vực kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền của TAND tỉnh Đồng Nai. Còn Cty Tân Thuyết vay nợ bà La là một vụ kiện dân sự khác, thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND huyện Vĩnh Cửu; TAND tỉnh Đồng Nai nhập 2 vụ này thành 1 vụ kiện trong lĩnh vực kinh doanh thương mại là điều cần xem xét lại.
 
Ngoài ra, bà Tuyết còn cho rằng, trong vụ kiện giữa Agribank Đồng Nai và Cty Tân Thuyết, bà là chủ sử dụng 2 thửa đất bảo lãnh cho Cty Tân Thuyết vay vốn. Thế nhưng, khi giải quyết, tòa không cho bà tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đây cũng là lý do dẫn đến những phản ứng của bà Tuyết sau khi TAND tỉnh Đồng Nai công nhận mức lãi suất vượt trần do pháp luật quy định trong Quyết định thỏa thuận giữa Cty Tân Thuyết với bà La sau này.
 
Sau Quyết định của TAND tỉnh Đồng Nai, Cục THADS Đồng Nai đã kê biên hàng loạt các tài sản của Cty Tân Thuyết và cá nhân bà Tuyết. Điều đáng nói, bà Tuyết đã rất nhiều lần đề nghị kê biên, xử lý tài sản thuộc sở hữu của Cty Tân Thuyết trước khi kê biên tài sản bảo lãnh vì số tài sản đảm bảo khoản vay có giá trị cao hơn nhiều khoản nợ phải thi hành. Thế nhưng chấp hành viên Hồ Thị Thu Thảo lại kê biên 2 thửa đất bảo lãnh của bà Tuyết và bỏ qua tài sản của Cty Tân Thuyết với giá trị hàng chục tỷ đồng.
 
Khi những “lùm xùm” trong việc kê biên tài sản lên đỉnh điểm, chấp hành viên Hồ Thị Thu Thảo “rút êm”; vụ việc sau đó được bàn giao cho chấp hành viên Trần Văn Thuần. Và đến đây, dường như không còn phân biệt được đâu là tài sản của doanh nghiệp và cá nhân; nghĩa vụ của doanh nghiệp thế nào; đâu là giới hạn trách nhiệm của người bảo lãnh?…
 
Sau hàng loạt đơn tố cáo, mới đây Cục THA đã chính thức bác đơn khiếu nại của bà Tuyết. Lý do mà Cục THA đưa ra để không kê biên tài sản của Cty Tân Thuyết mà kê biên tài sản của bà là vì Cty Tân Thuyết đã bán máy móc cho Cty Thiện Tân năm 2007. Ông Quang Vĩnh Thuận đã thế chấp Cty gạch ngói Tuynel Thiện Tân cho ngân hàng ĐBSCL. Ngoài ra, Cục THA bác luôn phần khiếu nại về nội dung bán đấu giá 15.291,5 m2 của thửa đất số 46 tờ bản đồ số 8, nội dung kê biên thửa đất số 8, tờ bản đồ số 11 để thanh toán cho bà La…
 
Với đơn tố cáo lần thứ 7 này, bà Tuyết hy vọng quyền và lợi ích hợp pháp của mình một lần nữa sẽ được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết đúng pháp luật, dứt điểm vụ việc. Bởi tài sản của bà không liên quan trực tiếp đến việc vay vốn của Cty Tân Thuyết nhưng lại bị “vạ lây” do doanh nghiệp này nợ nần. Hiện số tài sản của bà đang đứng trước nguy cơ rơi vào tay sở hữu khác, đẩy công việc làm ăn kinh doanh của bà vốn đã khó khăn nay càng thêm khó khăn.
 
Theo congluan