Theo đơn trình bày của ông Ngô Tấn Hòa cùng tài liệu phóng viên thu thập được cho biết, năm 2004, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định số 208/ QĐ- CTUBBT ngày 30-1-2004 tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang số hiệu T 320261 với diện tích 1.575,662 ha đất rừng thuộc địa bàn huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cho Công ty lâm nghiệp Bình Thuận quản lý và sử dụng, thời hạn được sử dụng là 30 năm (2004-2034). Tuy nhiên, sau khi được Nhà nước giao đất, giao rừng để quản lý và sử dụng thì không hiểu vì lý do gì mà Công ty lâm nghiệp Bình Thuận đã để hoang hóa rất nhiều diện tích, trong đó có diện tích khoảng 2,5 ha thuộc địa bàn xã Sông Bình (huyện Bắc Bình). Nhìn thấy cảnh đất rừng bị để hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm, rắn rết đến làm tổ… gia đình ông Ngô Tấn Hòa đã bỏ bao mồ hôi công sức, tiền của để khai phá, cải tạo đất trở thành những thửa đất màu mỡ để trồng các loại cây hoa màu ngắn ngày như đậu, lạc, mè… Chính nhờ vậy mà đời sống của gia đình ông Ngô Tấn Hòa đã thoát khỏi cảnh đói nghèo trong những năm qua. Đáng lưu ý, tại thời điểm gia đình ông Ngô Tấn Hòa tiến hành khai phá, cải tạo đất thì chính quyền địa phương cũng như Công ty lâm nghiệp Bình Thuận không đứng ra ngăn cản gì. Không có bất kỳ cơ quan nào cho rằng hành động của gia đình ông Ngô Tấn Hòa là lấn chiếm đất (?). Bởi vậy, gia đình ông Hòa đã bỏ ra nhiều mồ hôi, công sức và tiền của để cải tạo đất, sử dụng đất trong suốt thời gian gần chục năm qua. 
 
Tuy nhiên, kể từ năm 2016, UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định phê duyệt dự án Cụm công nghiệp Sông Bình, đồng thời giao Công ty cổ phần sữa Thông Thuận tiến hành việc đền bù, giải phóng mặt bằng đối với những cơ quan và những hộ dân có đất bị thu hồi. Lúc này, Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận đã đến ngăn chặn việc sử dụng đất của gia đình ông Ngô Tấn Hòa, cho rằng hành vi của gia đình ông Hòa trước đây là lấn chiếm đất rừng của Công ty lâm nghiệp Bình Thuận. Sau đó, Công ty lâm nghiệp Bình Thuận đã đến hiện trường lập biên bản, báo cáo lên UBND xã Sông Bình và UBND huyện Bắc Bình đề nghị can thiệp để buộc gia đình ông Ngô Tấn Hòa phải trả lại toàn bộ 2,5 ha đất rừng mà gia đình ông đã cải tạo và sử dụng suốt gần chục năm qua. Cả UBND xã Sông Bình và UBND huyện Bắc Bình đều có quan điểm cho rằng gia đình ông Ngô Tấn Hòa  lấn chiếm đất rừng của Công ty lâm nghiệp, nay yêu cầu gia đình ông Hòa phải tự giao  trả lại đất cho công ty. 
 
Ông Ngô Tấn Hòa tâm sự: “Tôi thừa nhận toàn bộ diện tích đất đó trước kia là của Công ty lâm nghiệp Bình Thuận, nhưng rõ ràng Công ty lâm nghiệp Bình Thuận đã để hoang hóa trong suốt thời gian gần chục năm trời, thấy vậy gia đình tôi mới bỏ bao tiền của và mồ hôi, công sức để cải tạo đất và sử dụng đất liên tục từ đó đến nay. Tại sao lúc gia đình tôi đến cải tạo đất hoang thì chính quyền cũng như Công ty lâm nghiệp Bình Thuận không cho rằng đó là hành vi lấn chiếm đất? Giờ gia đình tôi đã bỏ nhiều công sức, tiền của ra rồi thì họ lại cho rằng lấn chiếm đất là cớ làm sao? Nếu không có công sức của vợ chồng tôi bỏ ra thì giờ đây toàn bộ số diện tích đất đó vẫn là đất hoang, cỏ dại mọc um tùm, rắn rết đến ở chứ làm sao được màu mỡ như ngày hôm nay? Tôi đề nghị Nhà nước có thu hồi đất thì phải có chính sách đền bù, hỗ trợ thỏa đáng cho gia đình tôi theo quy định pháp luật”.
 
Làm việc với phóng viên Báo Bảo vệ Pháp luật, ông Trần Ngọc Tân- Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Bình cho hay: “Sự việc liên quan đến 2,5 ha đất rừng trước đây được UBND tỉnh Bình Thuận cấp cho Công ty Lâm Nghiệp Bình Thuận nhưng đã để hoang hóa trong suốt một thời gian dài, nay gia đình ông Hòa đang sử dụng đã thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện Bắc Bình. Chúng tôi đã cho mời đại diện Công ty Lâm Nghiệp Bình Thuận và gia đình ông Ngô Tấn Hòa đến trụ sở UBND huyện để giải quyết nhưng cả hai bên vẫn chưa thống nhất được quan điểm. Về phía công ty Lâm nghiệp thì cho rằng đó là đất rừng của công ty, nhưng gia đình ông Hòa thì cho rằng liên tục trong mười năm qua gia đình ông đã cải tạo, sử dụng hợp pháp mà không có một cơ quan nào đến ngăn cản. Tuy nhiên, theo hồ sơ pháp lý thì chúng tôi cho rằng diện tích 2,5 ha đất đó vẫn là đất rừng  được UBND tỉnh Bình Thuận cấp GCNQSDĐ cho Công ty lâm nghiệp Bình Thuận. Gia đình ông Hòa đã có công cải tạo, sử dụng đất trong nhiều năm qua thì chúng tôi sẽ xem xét để có chính sách hỗ trợ công cải tạo đất cho gia đình ông thôi, còn việc đền bù khi thu hồi đất thì chúng tôi không thể giải quyết được cho gia đình ông Hòa vì đó không phải là đất sử dụng hợp pháp của gia đình ông Hòa”.
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện tại gia đình ông Ngô Tấn Hòa đang sống trong điều kiện và hoàn cảnh hết sức khó khăn. Vợ ông Ngô Tấn Hòa mắc chứng bệnh tâm thần từ nhiều năm nay trong khi một mình ông Hòa vừa phải làm lụng để chăm sóc vợ lại vừa phải lao động cực nhọc để nuôi hai đứa con nhỏ ăn học. Đề nghị lãnh đạo UBND huyện Bắc Bình khi tiến hành thu hồi đất cần xem xét và có chính sách đền bù, hỗ trợ thỏa đáng cho gia đình ông Ngô Tấn Hòa theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Hòa, tránh khiếu kiện kéo dài.
 
Ngọc Tuấn