Theo phản ánh của người dân tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội, 2 trạm trộn bê tông tươi được xây dựng trái phép trên diện tích gần chục ha đất nông nghiệp ở thôn Hòa Bình và thôn An Lạc, xã Trung Giã, mà người dân nơi đây thường gọi là Công ty Thăng Long và Công ty Phong Sơn của ông Ngọc. Bởi 2 công ty này là của người nhà ông Phạm Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn…

Trong đó, Công ty Thăng Long được xây dựng bến bãi tập kết than, quặng, vật liệu xây dựng, làm trạm trộn bê tông tươi trái phép trên diện tích gần 5 ha đất trồng lúa tại cánh đồng Soi Phủ, thôn An Lạc, xã Trung Giã.

Mới đây, công ty này còn ngang nhiên đóng cọc tre xuống sông, rồi đổ đất thải san lấp hàng nghìn mét vuông lòng sông nhằm mở rộng bến bãi tập kết vật liệu và làm cảng tại khu vực ngã ba sông Công – sông Cầu, khiến dư luận nhân dân bức xúc.

leftcenterrightdel
 Trụ sở giao dịch Công ty Thăng Long.
Ngay khu bên cạnh là Xứ đồng Múc Bé, thôn Hòa Bình, xã Trung Giã, cũng là khu bến bãi tập kết cát, sỏi, Clinker, than, lọc quặng và làm trạm trộn bê tông tươi của Công ty Phong Sơn, được xây dựng trái phép trên diện tích đất lấn chiếm gần 2 ha đất công.

Vừa qua, Công ty này đã san lấp hàng chục mét kênh mương nội đồng để làm đường đi và còn đổ hàng trăm mét khối vật liệu xây dựng xuống kênh mương này, tại khu vực cống thoát lũ cho cánh đồng lúa của xã Trung Giã.

Cũng theo người dân phản ánh, 2 công ty trên được người thân của gia đình ông Phạm Quang Ngọc lập ra để thuận lợi cho việc đấu thầu, đấu giá nhằm thâu tóm các dự án của huyện Sóc Sơn. Do vậy, 2 công ty này là nguồn cung cấp chính bê tông tươi, cống và các vật liệu xây dựng khác cho các công trình sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn huyện Sóc Sơn, để làm đường, trường, trạm và các tuyến đường bê tông nông thôn mới.

leftcenterrightdel
Khu vực san lấp sông, tập kết vật liệu xây dựng, làm trạm trộn bê tông trái phép và các sản phẩm bê tông trên khuôn viên đất nông nghiệp rộng khoảng 5 ha, tại thôn An Lạc.  
Điều đáng nói là 2 đơn vị này hoạt động trái phép trong nhiều năm qua, gây ô nhiễm môi trường nhưng chính quyền nơi đây vẫn chưa có động thái hay xử lý gì. Theo đơn phản ánh của người dân, ông Ngô Thế Bích – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Trung Giã, có con trai là anh Ngô Thế Hiếu – Phó Bí thư đoàn xã, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Trung Giã cũng góp cổ phần và làm việc trong công ty trên.

Để làm rõ sự việc, phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã về xã Trung Giã, nơi xây dựng 2 trạm trộn bê tông tươi trái phép trên để mục sở thị. Đúng như người dân phản ánh, mặc dù quy mô hoạt động rất lớn nhưng 2 công ty này không hề có biển tên tại nơi sản xuất (người dân địa phương quen gọi là công ty Thăng Long là vì vậy - PV).

leftcenterrightdel
 Trạm trộn bê tông tươi và nơi đổ hàng trăm m3 vật liệu xây dựng xuống kênh mương nội đồng tại thôn Hòa Bình.

Trao đổi với Phóng viên, ông Đàm Văn Bình - Trưởng thôn An Lạc cho biết, nhiều năm qua công ty hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp của người dân, từ khi công ty hoạt động đến nay cũng không trao đổi gì với thôn. Thôn và người dân chúng tôi không hề bán đất, việc sản xuất của công ty gây bụi bẩn và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, người dân trong thôn và các xã lân cận đã kiến nghị nhiều nhưng đều bị làm ngơ. Vì 2 công ty này là người nhà của gia đình ông Ngọc, Phó Chủ tịch huyện. Trong đó, có lãnh đạo xã Trung Giã cũng có cổ phần tại công ty trên.

"Mặc dù, hoạt động trái phép trên địa bàn của thôn, nhưng 2 công ty này cũng không đóng góp bất cứ một thứ gì với thôn. Vừa qua, trong thôn cần tôn tạo cái hồ, thôn và xã phải xin lên thác xuống ghềnh. Sau đó công ty Thăng Long mới cho máy xúc hỗ trợ mấy chục tiếng nạo vét hồ, còn ngoài ra không có gì cả" - ông Bình nói!.

Khi Phóng viên hỏi tìm trụ sở giao dịch của 2 trạm trộn bê tông của 2 công ty trên, thì người dân đều chỉ về phố Nỉ, hỏi nhà anh Ngọc, anh Thanh con nhà bà Nhi là thấy. Sau cuộc tìm kiếm Phóng viên được biết, Công ty Thăng Long có tên đầy đủ là: Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng công trình giao thông Thăng Long, địa chỉ tại phố Nỉ, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội. Đây là đơn vị chuyên cung cấp bê tông tươi, cống và các vật liệu xây dựng cho các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Sóc Sơn trong những năm qua… Tuy nhiên, khi Phóng viên muốn tiếp cận công ty này cũng rất khó khăn, do công ty luôn có người cảnh giới.

leftcenterrightdel
Khu san lấp sông trái phép tại ngã 3 sông Công - sông Cầu thuộc thôn An Lạc của Công ty Thăng Long. 
Tại buổi làm việc với ông Đinh Văn Thọ - Chủ tịch xã Trung Giã và ông Đỗ Văn Kiên – Phó Chủ tịch xã, về việc buông lỏng quản lý đất đai, để các doanh nghiệp hoạt động trái phép trong nhiều năm qua mà chính quyền vẫn làm ngơ. Các vị lãnh đạo này thừa nhận việc các doanh nghiệp hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp, san lấp sông và san lấp kênh mương là trái phép, vừa qua đoàn kiểm tra đã xử phạt và yêu cầu chủ đơn vị phải múc lên để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, khi Phóng viên đề nghị cung cấp các văn bản xử phạt thì các vị lãnh đạo này quanh co và không cung cấp...

Tại buổi Phóng viên làm việc với ông Ngô Thế Bích – Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Trung Giã về việc con trai ông là Ngô Thế Hiếu có cổ phần và đang làm việc trong công ty trên thì được ông Bích cho biết: Hiếu hiện là Phó Bí thư đoàn xã, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Trung Giã với mức lương chưa được 2 triệu đồng/tháng. Hiếu có chung xe ô tô đóng vào công ty để hoạt động là có thật. Khi Phóng viên hỏi ông là người đứng đầu Đảng bộ của xã, biết doanh nghiệp đóng trên địa bàn sai phạm mà lại để con trai có cổ phần và hoạt động trong công ty sai phạm như trên, thì ông Bích cho hay do nhận thức có hạn không nghĩ là sai phạm…

leftcenterrightdel
 Cống thoát lũ tại thôn Hòa Bình.
Để thông tin được khách quan, đa chiều, Phóng viên đã liên hệ với Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn về những dấu hiệu sai phạm trên tại xã Trung Giã. Tuy nhiên, vị Chủ tịch này đề nghị Phóng viên gửi giấy tờ và nội dung đến văn phòng. Theo đó, Phóng viên đã đến Văn phòng UBND huyện Sóc Sơn đặt lịch và ghi rõ nội dung làm việc, sau đó UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản số 914/UBND-VP ngày 20/4/2021, giao Phòng TN&MT chủ trì, phối hợp với Phòng Quản lý Đô thị và UBND xã Trung Giã làm việc và cung cấp thông tin cho Báo theo quy định. Báo cáo lãnh đạo UBND huyện trước ngày 30/4/2021. Tuy nhiên, khi Phóng viên liên hệ thì ông Trưởng phòng TN&MT huyện Sóc Sơn này đều né tránh không nghe điện thoại…

Vậy có hay không lợi ích nhóm, việc buông lỏng quản lý đất công, làm ngơ cho các hoạt động trái phép và có sự tiếp tay từ chính quyền địa phương cho các công ty này(!?). Những khuất tất và quan hệ ở phía sau những công ty trên, chúng tôi sẽ thông tin tới bạn đọc.

Bình Minh