leftcenterrightdel
 Các cần thủ tham gia giải đấu với giá trị giải thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng tại một hồ câu trên địa bàn quận 9, TP.Hồ Chí Minh

Chỉ cần thủ biết lịch giải đấu

Cuối tuần, nhóm chúng tôi vượt hơn 20km đến một địa điểm câu cá giải trí nằm ở khu vực ngoại thành trên đường Nguyễn Duy Trinh (phường Phú Hữu, quận 9, TP.  Hồ Chí Minh). Theo lời giới thiệu của một cần thủ trong nhóm thì hồ câu này thường xuyên tổ chức câu cá giải trí vào dịp cuối tuần. Giải đấu này diễn ra mỗi tuần một lần, tuy nhiên thời gian cụ thể thì chỉ có các cần thủ tham gia mới được biết. Tuấn Khanh- một cần thủ tiết lộ: “Trong giới “câu giải” đa phần là biết nhau, trước đây khi giải đấu diễn ra, chủ hồ sẽ gọi điện thông báo cho cần thủ biết để đăng ký. Giờ đây, họ dùng mạng xã hội Facebook lập group rồi thông báo giải đấu trên đó, cần thủ nào tham dự thì đăng ký vào bên dưới. Bởi vậy, trước khi giải đấu diễn ra, danh sách và số lượng cần thủ tham gia đều đã được cập nhật”. 

Mới 12 giờ trưa, nhóm chúng tôi đã khởi hành tới hồ câu mặc dù thời gian thi đấu là 16 giờ mới bắt đầu. Cần thủ Tuấn Khanh lý giải: “Câu giải lớn mình phải đến trước vài ba tiếng để chuẩn bị. Hơn nữa, đến sớm để bốc số (phiếu để chọn vị trí câu-PV), lấy được số trước sẽ có cơ hội chọn được vị trí câu mà mình ưng ý nhất”.  

Từ đường lộ trải nhựa, đi men theo con đường đất lầy lội hơn 1km mới tới được hồ câu. Hồ câu có diện tích khoảng 10.000m2, giữa hồ được ngăn ra thành hai khu vực câu, khu A và khu B. Tổng trên mặt hồ có 106 vị trí được đánh dấu theo thứ tự tương đương với vị trí và số cần tham dự. Để tham gia cuộc thi, mỗi cần thủ phải đóng phí là 1.600.000 đồng/cần. Thời gian “thi đấu” từ 16 giờ - 21 giờ, trong 5 tiếng này, cần thủ nào câu được con cá có trọng lượng lớn nhất thì sẽ giành được Cup cùng giải thưởng cao nhất. Ngoài ra còn có các giải Nhì, Ba, Tư và các giải phụ khác. Tổng số tiền của giải đấu này có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.

“Cúng cần” trước khi câu

Đến hồ câu – nơi diễn ra giải đấu thì việc cần làm đầu tiên là tới chỗ chủ hồ đọc tên, lấy phiếu tham dự giải đấu và đóng phí câu. Mỗi cần thủ có thể dùng bao nhiêu cần tùy thích nhưng phải đúng với danh sách đã đăng ký trước đó. Sau khi đã lấy được phiếu dự giải, các cần thủ tiếp tục chờ đợi cho tới sát giờ thi đấu để tiếp tục lựa chọn vị trí tương ứng với phiếu tham dự. Việc chọn vị trí này hoàn toàn ngẫu nhiên do máy tính lựa chọn, theo đó khi cần thủ đưa phiếu tham dự của mình, máy tính sẽ chọn ngẫu nhiên một con số (từ 1 đến 106), ứng với số nào thì đó là vị trí câu của cần thủ đó. 

Một điều mà bất cứ cần thủ nào cũng phải làm trước khi thả câu là “cúng cần” và cúng thổ địa để cầu may. Nghi thức cúng cần và cúng thổ địa cũng được làm đơn giản, cần thủ sẽ khui một lon nước ngọt và châm điếu thuốc lá để ngay phía dưới cần câu của mình rồi khấn vái, cầu mong sẽ câu được cá lớn nhằm đoạt giải thưởng. 

16 giờ, sau khi nghe hiệu lệnh, đồng loạt 106 cần thủ thả câu trong tiếng reo hò của hàng trăm khán giả. Chỉ sau vài phút thả câu, một cần thủ đã hét lên “Ben, Ben, Ben”, có nghĩa là cá cắn câu, rồi nhanh chóng cuộn dây câu kéo cá. Cá được vớt lên cân rồi sau đó chủ hồ phát loa thông báo cho các cần thủ khác biết. Cứ thế, cuộc “tranh hùng” diễn ra trong không khí náo nhiệt, đầy kịch tính suốt 5 tiếng đồng hồ khiến người câu lẫn người xem không khỏi phấn khích. Đa phần, mỗi cần thủ đến “tranh tài” đều câu được cá nhưng giải thưởng chỉ dành cho những người câu được cá lớn. Bởi vậy mà lúc nào các cần thủ cũng “thi đấu” trong trạng thái tập trung cao độ, lo lắng, đợi chờ…

Đúng 21 giờ, sau khi nghe thông báo hết giờ câu, nhiều cần thủ đã hét lên vì sung sướng. Kết quả chiến thắng đã thuộc về họ. Theo cơ cấu giải thưởng thì giải Nhất có giá trị là 35.000.000 đồng, Nhì 20.000.000 đồng, Ba 12.000.000 đồng, giải Tư và giải Năm lần lượt là 8.000.000 đồng và 5.000.000 đồng. Tuy nhiên, một điều mà cần thủ nào cũng mong ước là  “ẵm” giải Nhất và  được phong là “Đệ nhất cần thủ”, người mang danh hiệu này sẽ được nhiều cần thủ nể phục và trân trọng. Nói về giá trị giải thưởng, Hải Minh – một cần thủ chuyên nghiệp cho biết: “Giải này cũng thường thôi, nó mới chỉ ở mức độ trung bình và là giải đấu dành cho các cần thủ bán chuyên nghiệp thi thố tài nghệ. Tính tổng giá trị của giải này cũng chỉ vài trăm triệu, có những giải đấu phí câu khởi điểm đã là 10.000.000đồng/cần, lúc ấy giá trị giải thưởng có thể lên tới hàng tỷ đồng”.

Không biết từ lúc nào, loại hình câu cá giải trí, thanh tao lại biến tướng thành trò chơi đầy tính sát phạt, hơn thua và đầy may rủi... Câu hỏi đặt ra là những loại hình câu cá giải trí, vui chơi tranh thưởng như thế này đang được sự cho phép và quản lý bởi các cơ quan nào? Hay là loại hình kinh doanh tự do, kiểu "mạnh ai nấy làm"? Rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng nhằm ngăn chặn kịp thời những hệ lụy của các loại hình “núp bóng” này.

Nam Phong