(BVPL) - Đầu tháng 08/2014, Công ty Cổ phần điện tử Công nghệ xanh ( Công ty Công nghệ xanh ), địa chỉ tại số 104 đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh đã có đơn gửi đến báo BVPL tố cáo về việc tên thương mại “Arirang” của Công ty Arirang Tech Hàn Quốc bị Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận ( Công ty Maseco ) “ đánh cắp ” đăng ký độc quyền tại Việt Nam.
 
Sự việc theo đơn như sau, Công ty Công nghệ xanh từng là nhà nhập khẩu, phân phối thiết bị điện, điện tử của Công ty Arirang Tech Corp. Korea (Busan, Hàn Quốc), tất cả sản phẩm được nhập khẩu từ Arirang Tech Corp đều mang dấu hiệu chỉ dẫn “Arirang” được nhập từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Và Công ty Công nghệ xanh là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đối với dấu hiệu chỉ dẫn “ Arirang ” của Công ty Arirang Tech Hàn Quốc. Trong khi đó, trên thương trường đã và đang tồn tại các sản phẩm máy tăng âm, đầu máy đọc phát kỹ thuật số, đầu máy hát karaoke, ống nói, bộ trộn âm, loa... lại mang nhãn hiệu hàng hóa “ Arirang, hình ” của Công ty Maseco, địa chỉ số 07 đường Hoàng Minh Giám, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa (cấp ngày 24/09/2012). 
 
Thương hiệu “Arirang” thật sự của ai vẫn còn tranh cãi!
Thương hiệu “Arirang” thật sự của ai vẫn còn tranh cãi!
 
Theo Công ty Công nghệ xanh, chính điều này đã làm cho người tiêu dùng tại Việt Nam có thể nhầm lẫn không biết sản phẩm mình đang sử dụng có nguồn gốc từ Hàn Quốc hay là của nhà sản xuất tại Việt Nam. Bởi Công ty Maseco đã từng là nhà nhập khẩu duy nhất tại Việt Nam với số lượng lớn trong một thời gia khá dài các sản phẩm điện tử của nhà sản xuất mang nhãn hiệu này để bán tại thị trường Việt Nam. Vì vậy, đầu năm 2013, Công ty Công nghệ xanh đã gửi đơn khiếu nại đến Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của Công ty Maseco. 
 
Tuy nhiên khiếu nại trên không được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận bằng một Quyết định ( số 821, ngày 20/03/2014 ) do Cục trưởng Tạ Quang Minh ký với những lý do mà theo ông Tạ Nam Tuấn, đại diện Công ty Công nghệ xanh, người đứng đơn tố cáo, là thiếu thuyết phục và không dựa trên cơ sở 
 
Cũng theo ông Tuấn trình bày, trong Luật Sở hữu trí tuệ, điều 73 (Dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu) ở khoản 2 có ghi: “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan tổ chức đó cho phép ”. Ở đây, nhãn hiệu hàng hóa “Arirang” của Công ty Maseco đã trùng với tên Arirang là kênh truyền hình tiếng Anh duy nhất của Hàn Quốc được phát tới 188 quốc gia trên toàn cầu với thời lượng 24/24 giờ/ ngày.
 
Tiếp theo điều 73, ở khoản 5 của Luật này lại có đề cập: “ Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa dịch vụ”. Trong thực tế, hàng điện tử của Hàn Quốc nhập vào Việt Nam mang thương hiệu “ Arirang ” đã có từ trước khi Công ty Maseco xin đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ và Công ty Maseco đã từng là nhà nhập khẩu linh kiện thiết bị điện, điện tử của Công ty Arirang Tech Hàn Quốc. 
 
Và cũng từ thực tế trên đã nói lên phải chăng có việc phạm luật khi cấp Giấy chứng nhận hàng hóa cho Công ty Maseco của Cục Sở hữu trí tuệ khi đối chiếu thêm tại điều 74 ( Khả năng phân biệt của nhãn hiệu ), khoản 2, mục k của Luật SHTT: “ Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ ”...Như vậy, thương hiệu “ Arirang ” thật sự là của ai cần phải được làm rõ trên cơ sở pháp luật để bảo vệ nhà sản xuất, tạo cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh và đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.
 
Nhật Trình