Bà Lê Thị Hiệu, trú tại thôn Phú Đa, xã Công Liêm, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa có đơn gửi Báo Bảo vệ pháp luật trình bày sự việc: Năm 2016, khi địa phương thực hiện dự án nâng cấp đập Đầu Voi, đã thu hồi 2.000m2 đất của gia đình bà, trong đó có 400m2 đất ở và 1.600m2 đất trồng cây hàng năm.

leftcenterrightdel
 Dự án Cải tạo nâng cấp đảm bảo an toàn hồ Đầu Voi tại xã Công Liêm, thu hồi 2.000m2 đất của gia đình bà Lê Thị Hiệu.

Bà Hiệu cho biết: "Thời điểm đó, cán bộ UBND xã Công Liêm đã hỏi ý kiến gia đình tôi về việc lấy tiền đền bù hay như thế nào. Gia đình tôi đông con nên sau khi bàn bạc, các thành viên trong gia đình đã thống nhất không lấy tiền đền bù mà lấy đất để con cái còn có chỗ ở và canh tác. Xã đã đồng ý phương án khi thu hồi đất của gia đình tôi bao nhiêu thì sẽ cấp đất tại nơi khác bấy nhiêu và liền một thửa. Toàn bộ ý kiến của gia đình được UBND xã chấp thuận và có biên bản bàn giao đất ngày 25/1/2016. Cụ thể UBND xã Công Liêm đã giao diện tích đất ở khu Đồng Trại cho gia đình tôi quản lý, canh tác. Từ đó trở đi, gia đình tôi mòn mỏi chờ làm giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất nhưng đến nay vẫn chưa xong."

"Từ năm 2016-2022, nhiều lần UBND xã Công Liêm và UBND huyện Nông Cống hứa sẽ hoàn thiện thủ tục cấp giấy GCNQSD đất cho gia đình, khiến chúng tôi cứ hi vọng và không ngừng chờ đợi. Nhưng đến năm 2023, UBND huyện Nông Cống lại bất ngờ có văn bản trả lời, gia đình tôi không thuộc diện được cấp đất, đề nghị nhận tiền đền bù. Nếu ngay từ đầu cán bộ khẳng định chúng tôi không thuộc diện được cấp đất mà phải nhận tiền đền bù thì gia đình đã nhận tiền từ lâu, giải quyết được bao nhiêu việc chứ không để đồng tiền trượt giá, nằm ở xã bao nhiêu năm nay. Cách giải quyết của cán bộ khiến gia đình tôi vô cùng bức xúc."- bà Hiệu nói trong tiếng thở dài.

Được biết, năm 2020 UBND xã Công Liêm đã từng có bản cam kết với gia đình bà Hiệu khẳng định sẽ hoàn thiện hồ sơ cấp GCNQSD đất 1.600m2 đất trồng cây hàng năm cho gia đình bà. Sau khi hoàn tất thủ tục, công chức địa chính có trách nhiệm ghép với đất ở lại thành một thửa.

Đối với bản cam kết này, ông Mạch Văn Thự, Chủ tịch UBND xã Công Liêm thời điểm đó, người có chữ ký trong biên bản (Hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Thăng Long, huyện Nông Cống) lý giải: Biên bản cam kết này đúng là tôi có ký xác nhận, nhưng trên cơ sở Chủ tịch, Bí thư và địa chính giai đoạn trước đã làm và thoả thuận với gia đình bà Hiệu. Sự việc này các anh khoá trước làm xuyên suốt từ năm 2016, tới năm 2020 tôi mới làm Chủ tịch xã Công Liêm và chỉ giải quyết hậu quả.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 20/1/2022, UBND huyện Nông Cống đã có văn bản trả lời bà Lê Thị Hiệu, trong đó có khẳng định: Quá trình giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp đập Đầu Voi, xã Công Liêm; Hội đồng giải phóng mặt bằng - UBND xã Công Liêm và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã vận động gia đình bà Lê Thị Hiệu nhận đền bù bằng tiền, nhưng gia đình không đồng ý mà yêu cầu bồi thường bằng đất để có nơi ở ổn định và canh tác. Để kịp thời gian bàn giao mặt bằng thực hiện dự án, UBND xã Công Liêm đã giao đất cho bà Lê Thị Hiệu 2.000m2; trong đó 400m2 đất ở và 1.600m2 đất trồng cây hàng năm tại xứ Đồng Trại, thôn Phú Đa. Đến thời điểm hiện tại, 400m2 đất ở đã được cấp GCN-QSD đất, diện tích đất trồng cây hàng năm chưa được cấp GCN-QSD đất. 

Chủ tịch UBND huyện Nông Cống khẳng định, tại buổi tiếp công dân 5/5/2021 đã giao phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Công Liêm kiểm tra và tham mưu để UBND huyện giải quyết đề nghị của công dân. Hiện tại, HĐND tỉnh đã chấp thuận cho thu hồi đất tại nghị quyết số 164/NQ-HĐND ngày 11/10/2021, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên môn thực hiện các bước tiếp theo để giao đất và cấp GCN-QSD đất cho gia đình bà Lê Thị Hiệu theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
 Văn bản trả lời đơn của bà Lê Thị Hiệu ngày 7/10/2023 với nội dung ngược lại với văn bản năm 2022.

Tuy nhiên,  đến ngày 7/10/2023, UBND huyện Nông Cống lại có văn bản trả lời bà Hiệu với nội dung ngược lại với văn bản năm 2022. Theo đó, huyện Nông Cống trả lời bà Hiệu như sau: Năm 2017, UBND huyện Nông Cống phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và Quyết định thu hồi kinh phí bồi thường, hỗ trợ gia đình bà Lê Thị Hiệu là 138.466.000 đồng. Tại thời điểm chi trả kinh phí bồi thường hỗ trợ của dự án, gia đình bà Hiệu không nhận tiền và đề nghị xã Công Liêm cấp GCNQSD đất đối với 2.000m2 đất UBND xã Công Liêm đã giao cho gia đình bà canh tác theo biên bản bàn giao đất ngày 25/1/2016 (Trong đó, có 400m2 đất ở, 1.600m2 đất trồng cây hàng năm). UBND huyện Nông Cống khẳng định, việc bà Hiệu đề nghị huyện cấp GCNQSD đất 1.600m2 trồng cây lâu năm hợp thửa với 400m2 đất ở là không có cơ sở thực hiện. Để giải quyết dứt điểm đề nghị của bà Hiệu, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống đề nghị UBND xã Công Liêm tuyên truyền, vận động bà Hiệu nhận kinh phí bồi thường hỗ trợ theo dự toán đã được phê duyệt.

Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: "Khi thực hiện dự án đập Đầu Voi đã thu hồi vào đất gia đình bà Hiệu; tuy nhiên, gia đình bà vẫn còn nhiều đất, việc thu hồi chỉ lấy vào một phần diện tích. Vì vậy, theo luật quy định, nếu còn đất thì chỉ được đền bù bằng tiền không được đền bằng đất. Chúng tôi đã trả lời nhiều lần, nhưng bà không nhận tiền mà vẫn đòi đất. Từ năm 2017 đến nay, số tiền này vẫn đang nằm ở xã."

Khi được hỏi về bản cam kết UBND xã Công Liêm đã từng thực hiện với bà Hiệu thì ông Tuấn cho rằng: "Liên quan bản cam kết thì tôi biết, địa chính lúc đó hiểu chưa hết luật, xã cũng chưa hiểu hết; nên bà lấy cái đó làm căn cứ, nhưng giờ phải làm theo luật. Đối với cán bộ xã thì phải phê bình."  

Như vậy, qua nhiều lần làm việc, trả lời với công dân sẽ thực hiện cấp GCNQSD đất và ghép thửa cho gia đình bà Lê Thị Hiệu. Tuy nhiên đến nay, huyện Nông Cống lại khẳng định việc này là không có cơ sở thực hiện; đã đi ngược với tất cả những trả lời, hứa hẹn trước đó của cán bộ các cấp đối với gia đình bà Hiệu. Vậy cá nhân, tập thể nào phải chịu trách nhiệm trước lời cam kết nhiều năm qua, khiến sự việc kéo dài, để người dân phải hy vọng và chờ đợi?

Cũng liên quan đến dự án Cải tạo nâng cấp đảm bảo an toàn hồ Đầu Voi tại xã Công Liêm, người dân khu vực cạnh hồ Đầu Voi còn phản ánh, thời gian gần đây khu vực đập hồ chứa nước xuất hiện nhiều vết nứt, lún; đặc biệt gần khu vực cầu tràn, và ngày càng mở rộng, đe dọa an toàn hồ đập. Phóng viên đã đi thực tế và ghi nhận những phản ánh của người dân là đúng thực tế. Hiện, mái đập có nhiều điểm bị lún, võng; nhiều tấm đan bị lốc hẳn lên và nứt vỡ; khu vực mặt đập cũng xuất hiện nhiều vết nứt ngang kéo dài...

leftcenterrightdel
 Mái đập có nhiều vị trí bị lún, võng.

Về việc này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: Công trình này đã đi vào hoạt động từ năm 2017. Đập đất này cao, lại được đắp bằng đất mới hoàn toàn nên có thể xảy ra hiện tượng trên, việc đất đắp lâu ngày sẽ dễ bị lún. Mặc dù huyện là chủ đầu tư của dự án nhưng đã bàn giao cho xã quản lý. Khi phóng viên phản ánh tình trạng này chúng tôi cũng đã yêu cầu xã kiểm tra và có hướng khắc phục, xử lý.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đinh Huê