TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình. Theo đó, Tòa quyết định y án 8 năm tù đối với Nguyễn Quang Vinh (cựu Trưởng Phòng khảo thí, Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.

Khương Ngọc Chất (cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình) được giảm án từ 6 năm xuống còn 5 năm tù, cùng về tội danh nêu trên.

Đỗ Mạnh Tuấn (cựu Phó Hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy) bị tuyên 6 năm tù về tội "Nhận hối lộ", 3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ"; tổng hợp hình phạt là 9 năm tù (giảm 1 năm so với bản án sơ thẩm).

Về hành vi của từng bị cáo, Tòa phúc thẩm cho rằng, Nguyễn Quang Vinh không thừa nhận phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, bị cáo nhận lỗi nhưng lại cho rằng chỉ là thiếu trách nhiệm.

Tuy nhiên, lời khai của một số bị cáo trong cùng vụ án, nhất là lời khai của Đỗ Mạnh Tuấn tại các phiên tòa đều khẳng định Vinh là người chủ động trao đổi về việc nâng điểm cho một số thí sinh là con em các lãnh đạo, đồng nghiệp.

leftcenterrightdel
Bị cáo Nguyễn Quang Vinh bị tuyên y án 8 năm tù. 

HĐXX phúc thẩm đồng tình với nhận định của Tòa sơ thẩm khi cho rằng, Vinh đã bàn bạc, chỉ đạo Tuấn về việc nâng điểm cho các thí sinh. Việc quy kết bị cáo phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ là hoàn toàn có căn cứ.

Về bị cáo Khương Ngọc Chất, tại giai đoạn sơ thẩm, bị cáo luôn kêu oan, không nhận tội, nhưng đến phiên toà phúc thẩm đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Tòa phúc thẩm ghi nhận sự thay đổi về nhận thức của bị cáo.

Cũng theo HĐXX, cựu Trưởng phòng của Công an tỉnh Hòa Bình đã cùng các bị cáo bàn bạc, can thiệp, nâng điểm cho các thí sinh. Trong đó, riêng bị cáo Chất còn móc nối, nhờ Tuấn nâng điểm cho 10 thí sinh.

Đối với Đỗ Mạnh Tuấn, HĐXX phúc thẩm nhiều lần nhấn mạnh về sự thành khẩn, ăn năn hối lỗi, lời khai thống nhất qua các cấp tòa… của bị cáo này.

Trước đó, tại phiên phúc thẩm, bị cáo Vinh không thừa nhận đã bàn bạc kế hoạch sửa điểm và đưa chìa khóa phòng chứa bài thi cho Đỗ Mạnh Tuấn.

Bị cáo khai, không bàn bạc với bị cáo Chất về việc tạo kẽ hở cho các cán bộ giáo dục sửa điểm thi. Trước kỳ thi, bị cáo vài lần gặp Chất, song chỉ để bàn các công việc liên quan đến kỳ thi như công tác bảo vệ an ninh. Cựu thượng tá Khương Ngọc Chất có một lần gọi điện đặt vấn đề nhờ nâng điểm cho một số thí sinh nhưng ông từ chối.

Bị cáo Vinh cho hay, suốt 30 năm làm nhà giáo, chưa bao giờ làm mất công bằng cho học sinh nào. Bị cáo "rất đau lòng" khi xảy ra vụ gian lận điểm thi làm mất đi cơ hội của các học sinh có thực lực nên thấy mình cũng có một phần trách nhiệm.

Bị cáo Vinh thừa nhận, đã thực hiện sai một số quy chế thi và quản lý lỏng lẻo để cấp dưới sai phạm.

Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của các bị cáo trong cùng vụ án và các chứng cứ khác, Hội đồng xét xử nhận định,  bị cáo Vinh có vai trò chủ mưu trong vụ án. 

Phát biểu quan điểm về vụ án, đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội cho rằng, các bị cáo Vinh, Tuấn, Chất là những người có chức vụ, quyền hạn, liên quan trực tiếp tới công tác tổ chức chấm thi. Vì mục đích cá nhân, các bị cáo đã cấu kết nâng điểm cho 65 thí sinh. Có 45 thí sinh đã dùng kết quả bài thi được nâng điểm này xét tuyển và trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Viện kiểm sát cũng cho rằng, hành vi của bị cáo Chất cùng các bị cáo khác trong vụ án gây hậu quả nặng nề nên thấy mức án 6 năm tù mà cấp sơ thẩm đã tuyên là phù hợp.

Hà Nhân