Bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội

Theo Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Yên Bái, lợi dụng việc một số báo đăng tin bài gây hoài nghi, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín, công việc của một số lãnh đạo tỉnh Yên Bái, vì mục đích vụ lợi, trong các ngày 16/6/2017 và ngày 22/6/2017, Duy đã hẹn gặp ông Vũ Xuân Sáng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái ở phòng làm việc và tại Nhà hàng Oanh Hiện thuộc tổ 66, phường Nguyễn Thái Học, TP. Yên Bái.

Tại đây, Lê Duy Phong với danh nghĩa là Trưởng Ban Bạn đọc - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã dùng lời lẽ uy hiếp về tinh thần để chiếm đoạt của ông Sáng 200 triệu đồng và sau đó tiếp tục chiếm đoạt của ông Hoàng Trung Thực 50 triệu đồng.
Qua lời khai của bị cáo, bị hại và những tài liệu liên quan có đủ cơ sở khẳng định Phong đã lợi dụng danh nghĩa Trưởng ban, uy hiếp tinh thần để chiếm đoạt 250 triệu đồng. 

Tại phiên tòa, bị cáo Phong thừa nhận có nhắn tin cho ông Sáng và hẹn gặp vào ngày 16/6/2017 tại Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Yên Bái. Tại đây, Phong và ông Sáng có trao đổi về nguồn gốc đất và tài sản của ông Sáng theo sự phân công của Ban Biên tập báo Giáo dục Việt Nam.
Tại cuộc gặp này, ông Sáng tỏ ra lo sợ nếu mình bị đăng báo. Ông Sáng ngỏ ý muốn xử lí vụ việc không bị đưa lên mặt báo và đưa cho Phong số tiền 200 triệu đồng chia làm hai lần. Cả hai lần Phong nhận tiền của Sáng đều diễn ra tại phòng làm việc của ông Sáng. Phong thừa nhận sử dụng số tiền này vào mục đích cá nhân, số tiền 70 triệu đồng còn lại Phong gửi vào tài khoản ngân hàng của mình.

Khai nhận với HĐXX, Lê Duy Phong cho biết, mình không có hành vi tống tiền ông Vũ Xuân Sáng ngay từ đầu. Phong khai nhận, trong quá trình làm việc với ông Sáng, thấy ông Sáng lo sợ thì Phong mới nảy sinh ý định cưỡng đoạt tài sản của ông Sáng. Theo bị cáo Phong, bị cáo và ông Sáng không có quan hệ gì. Bị cáo biết việc nhận tiền như vậy là trái với đạo đức, lương tâm nghề nghiệp của người làm báo. 
HĐXX  tiếp tục mời bị hại là ông Hoàng Trung Thực lên trình bày. Ông Thực cho biết, công ty do ông góp vốn đã bị báo chí đăng tải khiến ông rất lo sợ nếu bị báo chí đăng tiếp sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Ông Thực cho biết, số tiền 50 triệu đồng đưa cho Phong là tiền cá nhân của ông. Tại Toà ông Thực cho rằng, Phong đã thừa nhận hành vi của mình và xin Toà xem xét tình tiết giảm nhẹ cho Phong.
Luật sư bào chữa cho Lê Duy Phong cho rằng, tại Cơ quan điều tra, Phong đã tự giác khai báo với Cơ quan điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản của ông Sáng khi Cơ quan điều tra chưa biết chuyện này. Vị luật sư cho rằng, tại Toà bị cáo là người rất thành khẩn, tại Cơ quan điều tra cũng vậy, bị cáo tự mình nhận tội trước Cơ quan điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản đối với ông Sáng.
Luật sư cũng đề cập số tiền có trong tài khoản của Phong là tài sản hợp pháp của gia đình và mong muốn HĐXX tuyên trả cho gia đình bị cáo.
Do một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại Toà, HĐXX yêu cầu vị đại diện VKS công bố một số bút lục ghi lời khai của những người này. Theo bản công bố này, thì việc Phong nhận tiền của ông Thực đã được một số người chứng kiến.
Sau khi Phong khai chi tiền cho 26 phóng viên khác, Cơ quan điều tra đã triệu tập 26 phóng viên để làm việc, trong đó có 25 phóng viên khai không nhận tiền của Lê Duy Phong; chỉ có duy nhất một phóng viên khai, Lê Duy Phong có đưa một phong bì 300 nghìn đồng tiền đám hiếu.

leftcenterrightdel
 Phiên toà có sự theo dõi của nhiều phóng viên 

Quá trình điều tra, Lê Duy Phong đã thay đổi nội dung khai báo, theo đó Phong khai nhận đã tiêu xài hết số tiền 200 triệu đồng chiếm đoạt được của ông Sáng mà không đưa cho các phóng viên nào.
Viện kiểm sát đề nghị mức án cho bị cáo Lê Duy Phong 3-4 năm tù giam
Đại diện VKS công bố bản luận tội bị cáo Lê Duy Phong. Theo đó, VKS cáo buộc bị cáo Phong lợi dụng một số bài báo đăng tải trên các trang báo chí để đe dọa ông Sáng, ông Thực để cưỡng đoạt số tiền của ông Sáng và ông Thực.

leftcenterrightdel
Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa 

Đại diện VKS khẳng định, lời khai của bị hại và của những người làm chứng cùng lời nhận tội của Phong là phù hợp. Ngoài ra, việc cưỡng đoạt tài sản của Phong làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan báo chí, bị cáo Phong có hai tình tiết tăng nặng là "lợi dụng chức vụ cưỡng đoạt tài sản" và "cưỡng đoạt tài sản nhiều lần".
Về tình tiết giảm nhẹ, bị cáo cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ, như bị cáo thành khẩn khai nhận, bố đẻ từng nhận nhiều huân huy chương kháng chiến... Theo đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Lê Duy Phong mức án tù từ 3-4 năm.
Đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị HĐXX tuyên trả cho bị cáo một số tài sản mà Cơ quan điều tra đang tạm giữ. 
Chiều 20/4, sau gần 1 ngày xét xử, HĐXX sơ thẩm Tòa án nhân dân TP.Yên Bái đã tuyên án đối với Lê Duy Phong (SN 1985), nguyên Trưởng ban Bạn đọc, báo Giáo dục Việt Nam 3 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.
Đối với ông Vũ Xuân Sáng, HĐXX TAND TP.Yên Bái kiến nghị Tỉnh ủy Yên Bái xem xét xử lý theo quy định của điều lệ Đảng.

Nhóm Phóng viên