VKSND tỉnh Bình Định vừa phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức phiên tòa hình sự xét xử rút kinh nghiệm trực tuyến đối với vụ án Phạm Hữu Thương phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 BLHS 2015.
Đây là vụ án được VKSND và TAND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức bằng hình thức trực tuyến ở nhiều điểm cầu. Trong đó, điểm cầu chính nằm ở TAND tỉnh, điểm cầu thành phần nằm ở Trại tạm giam – Công an tỉnh dành cho bị cáo và trực tuyến trên hệ thống “Phòng xét xử trực tuyến” để cán bộ, Kiểm sát viên, Thẩm phán... theo dõi.
|
|
Kiểm sát viên trình bày cáo trạng truy tố bị cáo Phạm Hữu Thương. |
Theo cáo trạng, do cần tiền tiêu xài nên vào khoảng đầu tháng 10/2019, Phạm Hữu Thương (SN 1988, trú tại, tổ dân phố 7, thị trấn Phước An - Krông Pắc - Đăk Lăk) nảy sinh ý định thuê xe ô tô tự lái để cầm cố lấy tiền. Ngày 3/10/2019, Thương từ Đăk Lăk đến TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, sử dụng giấy tờ cá nhân, đưa thông tin gian dối thuê 1 xe mô tô 76Y1 – 8548 (của anh Đào Văn Thịnh, có giá trị 8,5 triệu đồng) để sử dụng.
Sau đó, Thương mang xe mô tô trên đi đặt cọc và đưa ra thông tin gian dối là thuê xe ôtô biển số 77A-074.69 (của vợ chồng bà Hồ Thị Kiều Diễm, ông Lâm Duy Vũ, có giá trị 620 triệu đồng) để đi du lịch và về quê. Sau khi lấy được xe ô tô, Thương mang đi cầm cố (cho một người không rõ lai lịch) lấy số tiền 60 triệu đồng sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân, rồi bỏ trốn. Tổng giá trị tài sản mà Phạm Hữu Thương chiếm đoạt của các bị hại là 628,5 triệu đồng.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên Mai Văn Cường – đại diện VKSND tỉnh Bình Định giữ quyền công tố Nhà nước tại phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm, đã thể hiện vai trò, nhiệm vụ khi tham gia thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm. Phiên tòa diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục luật định.
Bị cáo Phạm Hữu Thương đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình. Căn cứ kết quả thẩm vấn, tranh luận công khai tại phiên tòa, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Thương 13 năm tù.
Sau khi kết thúc phiên tòa, lãnh đạo phòng, cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị đã tham gia buổi họp rút kinh nghiệm và có nhiều đóng góp về những ưu điểm, hạn chế về tác phong, bản lĩnh tại phiên tòa, cách xử lý tình huống, cách đặt câu hỏi đối với bị cáo, bị hại … của Kiểm sát viên.
Sau cuộc họp, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa phát biểu tiếp thu các ý kiến đóng góp của lãnh đạo, đồng nghiệp và rút kinh nghiệm cho những phiên xét xử sau.