Cuộc sống gia đình đang hạnh phúc, công việc làm ăn ổn định, con cái đủ đầy, bỗng dưng anh L.M.C. (33 tuổi) trở thành người tàn tật bởi tính hung hăng, côn đồ của các bị cáo: Voòng Dậu Lục (25 tuổi), Phạm Hoàng Tuấn (21 tuổi) và Đỗ Anh Pha (19 tuổi), đều ngụ xã An Phước (huyện Long Thành).
Côn đồ vì rượu
Chiều 21-10-2015, sau khi ăn nhậu 4 giờ liên tục, các bị cáo: Lục, Pha và Tuấn rủ nhau đi chơi bida. Trên đường đi, cả nhóm gặp N.T.T.T. (16 tuổi, em vợ Tuấn, họ hàng với Pha và Lục) và nghe T. kể lại chuyện bị học sinh Trường THCS An Phước (xã An Phước) trêu ghẹo. Sẵn có hơi men trong người, cả bọn nổi máu yêng hùng nên kéo đi tìm những học sinh trêu ghẹo T. để đánh.
Cả nhóm tìm đến trường học thì được anh C. (bảo vệ trường học) cho biết học sinh đã về hết. Không đánh được học sinh, nhóm của Pha quay sang kiếm chuyện với anh C. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, anh C. đã bị Pha cùng đồng bọn xông đến đánh đấm, dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào người. Trong cơn điên cuồng, Lục còn lấy chiếc cuốc bổ một nhát vào đầu nạn nhân, gây thương tật tỷ lệ đến 85%.
Ra tay nặng nề với bị hại như thế nhưng khi đứng trước tòa, các bị cáo thể hiện sự ngỡ ngàng, không hiểu vì sao bản thân lại có thể hành động côn đồ như vậy đối với một người không có mâu thuẫn, xích mích gì với mình trước đó. Các bị cáo chỉ có thể giải thích bằng việc bị “ma men” đưa lối.
“Bị cáo không biết tại sao lại đánh bị hại. Chỉ là lúc đó bị cáo muốn thể hiện mình và muốn đánh nhau thôi. Khi thấy bị cáo Lục vung cuốc đánh bị hại, bị cáo có can ngăn...” - bị cáo Pha khai.
Còn bị cáo Lục bảo do anh C. dùng cuốc xua đuổi Lục và Pha, khiến lưỡi cuốc trúng vào lòng bàn tay Lục. “Bị cáo bị đánh nên đánh lại, không ngờ lại gây hậu quả như vậy” - bị cáo Lục thanh minh với vẻ sợ hãi.
Cho đến ngày đưa vụ án ra xét xử, một số giáo viên chứng kiến cảnh các bị cáo đuổi đánh nạn nhân vẫn còn hoảng sợ.
“Tôi đến hiện trường thì thấy anh C. đã nằm trên vũng máu, một cảnh tượng quá đau đớn” - Hiệu trưởng Trường THCS An Phước rơm rớm nước mắt khi nhắc lại vụ việc.
Ma men phá nát cuộc đời
Chán nản vì sự bất lực của bản thân, anh C. khóc thương cho số phận của mình khi trình bày với tòa: “Tôi có làm ác gì với ai đâu, tự nhiên bị đánh thành người không ra người, sống dở chết dở. Giờ tôi chẳng làm được gì ngoài việc ăn hại vợ con, cuộc đời tôi coi như tàn rồi”.
Đang sống yên lành, bỗng dưng anh C. lại thành một người không thể lo cho bản thân chứ chưa kể đến việc lo cho vợ con, suốt ngày sống trong cảnh bị những cơn đau từ vết thương hành hạ. Từ ngày bị đánh, mỗi tuần, mỗi tháng anh phải chạy chữa khắp các bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành, đa khoa Đồng Nai, Chợ Rẫy, Bệnh viện mắt…, và những đồng tiền ít ỏi dành dụm được cứ thế trôi đi.
Vợ nạn nhân C. nước mắt ngắn dài cho biết: “Có những lúc nghe đứa con trai 3 tuổi hỏi tại sao ba không muốn chơi với con nữa mà tôi rớt nước mắt. Tôi mong con mau lớn để hiểu rằng, ba nó không còn khỏe mạnh như trước để có thể phụ giúp tôi và chơi đùa với con vui vẻ như trước. Nhìn chồng héo hon từng ngày, còn tôi thì vất vả lo toan cuộc sống mà đau lòng”.
Nơi góc phòng xử án, đâu đó vang lên tiếng nức nở của cha mẹ các bị cáo khóc thương cho sự dại dột của con mình. “Con dại cái mang”, dù biết con sai nhưng có cha mẹ nào lại bỏ rơi con cái. Tôi chỉ hối hận vì mình đã không thể cho con học hành đến nơi đến chốn, để nó ăn chơi suốt ngày rồi gây ra hậu quả quá lớn” - bà Đ.T.H. (mẹ bị cáo Lục) nói.
Chỉ một lúc nông nổi, sự háo thắng và cả việc lạm dụng rượu, bia đã khiến cho 3 bị cáo: Lục, Tuấn, Pha sớm phải vào tù với bản án lần lượt 18, 16 và 10 năm. Đáng tiếc cho các bị cáo khi bản thân còn quá trẻ mà phải sống trong trại giam thời gian quá dài. Không chỉ phá nát cuộc đời bị hại, các bị cáo còn phá nát chính cuộc đời của mình.
Theo Báo Đồng Nai