TAND TP Hòa Bình vừa đưa các bị cáo: Lý Đình Vũ (SN 1982), Nguyễn Chương Đại (SN 1994) cùng trú tại huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (SN 1986) trú tại huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn) ra xét xử cùng về tội “Gây ô nhiễm môi trường”.

Theo nội dung cáo trạng, sáng 9/10/2019, nhân viên Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà phát hiện có vệt dầu loang, bốc mùi khét trên dòng suối dẫn nước về hồ Đầm Bài đổ vào nhà máy.

leftcenterrightdel
 Nguồn nước bị nhiễm dầu thải

Công ty đã báo cáo với cơ quan Công an về sự việc trên để truy tìm nguồn đổ thải. Qua quá trình điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình xác định, vào đầu tháng 10/2019 Lý Đình Vũ và Nguyễn Thị Huyền Trang có trao đổi qua điện thoại về việc Vũ sẽ xử lý dầu thải cho Công ty Cổ phần gốm sứ CTH với giá 1.000 đồng/lít.

Ngày 6/10/2019, Vũ chỉ đạo Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám lái xe chở theo 10 thùng nhựa loại 1.000 lít/thùng đi từ Thuận Thành (Bắc Ninh) tới Công ty Cổ phần gốm sứ CTH tại thị xã Phú Thọ (Phú Thọ) để hút dầu thải với tổng trọng lượng là 8.830kg. Sau đó, Đại và Thám chở số dầu trên về huyện Văn Lâm (Hưng Yên) cho Vũ tìm chỗ đổ xả thải.

Đến 16 giờ ngày 8/10/2019, Lý Đình Vũ gọi điện cho Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám lái xe mang số dầu thải trên tới địa điểm đường liên xã Phúc Tiến – Phú Minh để đổ.

leftcenterrightdel
 Hai đối tượng Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám tại Cơ quan điều tra. (ảnh TTXVN)

Trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm, điều tra, kết luận giám định của cơ quan chức năng chỉ ra, trong các mẫu chất thải thu thập tại hiện trường vụ đổ thải đều tìm thấy thành phần nguy hại nhất là benzene.

Tại phiên tòa cũng như tại Cơ quan điều tra, ba đối tượng trên đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội.

Sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án, căn cứ vào tính chất, mức độ và hành vi phạm tội của từng bị cáo, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình đã tuyên phạt Lý Đình Vũ 5 năm tù giam, Hoàng Văn Thám 4 năm tù giam và Nguyễn Chương Đại 3 năm 6 tháng tù giam.

Về trách nhiệm dân sự, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà đưa ra yêu cầu buộc các bị cáo và Công ty Cổ phần gốm sứ CTH phải bồi hoàn các chi phí ứng phó sự cố, xử lý ô nhiễm dầu xâm nhập vào nguồn nước với tổng số tiền hơn 5,6 tỉ đồng.

Tuy nhiên, quá trình điều tra và điều tra bổ sung theo yêu cầu của Tòa án cũng chưa làm rõ được mức thiệt hại.

Xét thấy vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, cần tách ra để giải quyết bằng vụ án dân sự khác nên Hội đồng xét xử không đề cập giải quyết.

Ngày 8/10, một xe tải chở dầu nhớt thải đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, Kỳ Sơn (Hòa Bình), sau đó dầu lan vào kênh dẫn của Nhà máy nước sạch sông Đà, khiến nước sau xử lý có mùi lạ. Việc nước có mùi lạ khiến hàng ngàn hộ dân không dám dùng để nấu ăn, cuộc sống sinh hoạt đảo lộn. Ngày 15/10, tại buổi giao ban báo chí Thành uỷ,  đại diện Sở xây dựng Hà Nội cho hay kết quả xét nghiệm xác định mùi lạ liên quan đến chất Styren, chất này có tỷ lệ cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức bình thường.

Thành phố Hà Nội đưa ra khuyến cáo mọi người dân sử dụng nước thuộc vùng do Công ty cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp, "chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống".

Nhà máy nước sạch sông Đà do Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) quản lý, vận hành với lưu lượng cấp nước cho Hà Nội trung bình 250.000 – 260.000 m3/ngày đêm, hơn 250.000 hộ dân sử dụng. Bốn đơn vị phân phối nước sạch sông Đà là Công ty cổ phần Viwaco, Công ty nước sạch Hà Đông, Công ty Ngọc Hải, Công ty Đồng Tiến Thành Hà Nam và Công ty cổ phần phát triển Tây Hà Nội.

 

Ngọc Anh