Vụ án bé gái bị hãm hiếp, ném xác xuống kênh đã trở thành một vụ án oan chấn động. Chấn động hơn nữa khi  bị cáo được minh oan bởi người anh mù chữ của mình.

 

Ông Kim Hol bùi ngùi nhớ lại những năm tháng đi tìm “Bao Công” giải oan cho em trai.
Ông Kim Hol bùi ngùi nhớ lại những năm tháng đi tìm “Bao Công” giải oan cho em trai.
 
Vào ngày 18/10/1998, một vụ án hiếp dâm trẻ em và giết người xảy ra trên địa bàn ấp Đầu Giồng, xã Trung Bình, huyện Long Phú (nay là huyện Trần Đề), tỉnh Sóc Trăng. Hôm đó, 3 chị em Nguyễn Thị Phượng (SN 1978), cùng em gái là Nguyễn Thị Vân (SN 1987), Nguyễn Thị Út cùng cháu trai tên Cường đi hái trái bình bát thì Vân bị 3 thanh niên thay nhau hãm hiếp đến chết rồi ném xác xuống kênh. Vụ án không chỉ gây ra cái chết tang thương cho nạn nhân, mà còn gây ra một oan án chấn động.
 
Hai ngày sau khi vụ án xảy ra, cảnh sát bắt 3 nghi can là Kim Lắc (SN 1974), Trần Lắc Lil (SN 1981) và Thạch Ngọc Tấn (SN 1973, đều là người dân tộc Khmer). Một tháng sau, 3 bị can bị khép vào tội hiếp dâm trẻ em, giết người. Trong phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên Kim Lắc án tử hình, Thạch Ngọc Tấn tù chung thân, Trần Lắc Lil 20 năm tù giam (lúc này, Lil chưa đủ 18 tuổi).
 
Có bằng chứng ngoại phạm vẫn “phải” nhận tội
 
Theo kết luận điều tra của công an tỉnh Sóc Trăng, hôm 18/10/1998, Lắc và Lil đi trên bờ kênh thì gặp Tấn. Khi nhìn thấy chị em Phượng, Lắc nói với Tấn và Lil: “Qua đó chọc ghẹo rồi hãm tụi nó chơi” thì được cả 2 đồng ý. Đến tháng 2/1999, VKSND tỉnh Sóc Trăng ra quyết định truy tố 3 nghi can trên về tội hiếp dâm trẻ em và giết người. 
 
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 8/12/1999, Lắc khai, 6h30 hôm xảy ra vụ án, anh đi cày đất thuê cho một người hàng xóm. Đến khoảng 8h thì về bón phân ở ruộng lúa, khi nhìn thấy có nhiều người ở bên kênh Mương Kép thì lội qua xem và thầy có người chết. 
 
Tấn khai hôm đó anh ở nhà xem phim cùng mấy anh em trong nhà. Lil khai chỉ qua bác ruột chơi rồi ở nhà chứ không đi đâu. Đồng thời, cả 3 thanh niên này đều kêu oan và tố cáo bị các điều tra viên đánh đập, ép cung. 
 
Bên cạnh đó, chị Phượng khai với cơ quan chức năng cả 3 nghi can là người Kinh. Chị Út cũng trình bày rằng, trong 3 người bóp cổ em gái mình, có một người nói ngọng, đồng thời chị Út tái khẳng định: “Ba người đó là người Kinh, không phải người Khmer”. 
 
Bất chấp việc các bằng chứng Công an tỉnh Sóc Trăng đưa ra chưa thuyết phục, chưa đủ cơ sở pháp lý, TAND tỉnh Sóc Trăng vẫn tuyên xử các mức án như trên. Cả 3 bị cáo đều làm đơn kháng cáo.
 
Ông Kim Hol (SN 1959, anh trai cả của Kim Lắc) nhớ lại, lúc bị bắt, Tấn và Lil chưa lập gia đình, Lắc đã có một con trai và vợ đang mang bầu 6 tháng. Trong ngày xảy ra vụ án, ông “kiểm soát” được thời gian của em trai mình nên dù ai nói gì thì nói, ông vẫn tin em trai vô tội. Ông Hol cho biết:
 
 “Sáng sớm, em tôi đi cày đất thuê cho người khác. Đến khi về, tôi kêu nó vác phân ra ruộng để bón cho lúa. Lúc nó cày đất, có chủ đất chứng kiến, lúc nó bón phân, có tôi đi cùng. Nó không thể có thời gian để gây ra trọng án, cũng không thể gặp Tấn và Lil. Hôm đó tôi cũng thấy Tấn ở nhà. Đến khi thấy bên dòng kênh đông người, hai anh em mới qua xem. Vậy mà công an lại bắt em tôi rồi khép vào tội hiếp dâm, giết người để tuyên án tử hình, oan thấu trời”.
 
Ông Hol nhờ người làm đơn cầu cứu rồi gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong tỉnh. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của ông vẫn không thay đổi được gì. Đến khi em bị tuyên án tử hình, ông như ngồi trên đống lửa. Bị dồn vào đường cùng, ông đành chấp nhận bán một số ruộng đất, số còn lại đem cầm cố để có tiền lo chi phí đi lại, quyết tâm lên TP.HCM và ra Hà Nội tìm “Bao Công” kêu oan cho em.
 
 Ông Hol chia sẻ: “Tôi là anh cả, bởi vậy, khi biết em mình bị oan, tôi không thể ngồi yên được. Lên TP.HCM cũng gần nên không quá khó khăn. Tuy nhiên để ra tới Hà Nội thì đó là một hành trình khá vất vả. 
 
Tôi vẫn nhớ mãi lần đầu tiên ra Hà Nội. Hồi đó, tôi chỉ biết Hà Nội có nhiều cơ quan cấp cao chứ không biết ở chỗ nào, xa bao nhiêu, bản thân cũng không biết chữ. 
 
Khi ra ngoài đó, nghe mấy người đi cùng nói đã tới Hà Nội thì tôi xin xuống. Cũng may, nhờ có các bác xe ôm tận tình giúp đỡ tôi mới đi đến nơi đến chốn. Nhớ lại vẫn thấy quả là quá liều mạng”.
 
Sự quyết tâm của ông dường như đã “đánh động” đến các cơ quan tố tụng và báo chí. Nhờ đó, ông được luật sư Trần Công Ly Tao (khi đó là Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) cùng luật sư Hoàng Văn Quyết (khi đó là Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng) nhận bào chữa miễn phí cho em trai và hai bị can còn lại.
 
Đến ngày 19/12/2000, TAND tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm vụ án. Trong phiên tòa này, hai luật sư Tao và Quyết đã chỉ ra những kẽ hở tai hại trong quá trình điều tra của công an tỉnh Sóc Trăng như: Biên bản giám định pháp y thể hiện, trong âm đạo nạn nhân có tinh dịch nhưng lại không được xét nghiệm ADN để chứng minh có liên quan tới các nghi can hay không. Cả ba hung thủ đều là người Kinh, không phải người Khmer, có một tên nói ngọng… 
 
TAND tối cao đã tuyên bộ hủy toàn bộ kết quả án sơ thẩm vì chứng cứ không rõ ràng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. 
 
Hồ sơ vụ án được đưa về điều tra lại. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT và VKSND tỉnh Sóc Trăng vẫn giữ nguyên “quan điểm” truy tố với Lắc, Lil và Tấn. Sau đó TAND tỉnh Sóc Trăng đưa vụ án ra xét xử thêm 3 lần vẫn không thể tuyên án mà buộc phải hoàn trả hồ sơ, điều tra bổ sung. Dù đã cố gắng nhưng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng cũng không thể tìm được chứng cứ mới, rõ ràng để chứng minh Lắc, Lil, Tấn là hung thủ. 
 
Ngày 17/12/2002, Lắc, Lil, Tấn được tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú. Đến ngày 29/5/2007, Cơ quan CSĐT công an tỉnh Sóc Trăng đã kí quyết định đình chỉ điều tra bị can với Lắc, Lil và Tấn. Quyết định nêu rõ: Không có căn cứ để xác định Lắc, Lil, Tấn thực hiện hành vi phạm tội; không có căn cứ khẳng định Lắc, Lil, Tấn là thủ phạm vụ trọng án. Như vậy, qua 9 năm thụ lý, điều tra vụ án (từ năm 1998 đến năm 2007), các cơ quan chức năng của tỉnh Sóc Trăng vẫn không thể tìm ra ai là thủ phạm trong vụ án hiếp dâm trẻ em, giết người nói trên. 
 
TAND tỉnh Sóc Trăng đồng ý bồi thường cho mỗi người 150 triệu đồng và tổ chức xin lỗi công khai với Lắc, Lil, Tấn vì bị xử oan.  
 
Nhớ lại những tháng ngày trong chốn lao tù, Kim Lắc ngậm ngùi cho biết: “Lúc tôi bị bắt, con trai đầu mới được 1,5 tuổi, vợ tôi thì mang bầu đứa con thứ 2 được 6 tháng. Có lẽ vì quá lao lực, khủng hoảng tinh thần nên vợ tôi sinh non, đứa bé ra đời được 1 tháng thì chết. Khi tôi được trả tự do, ruộng đất đều đã bán hết. Tay trắng, tôi cùng anh trai phải làm lại từ đầu”.
 
Hiện nay, Kim lắc đã có 5 con trai cùng vợ sống một cuộc sống tương đối hạnh phúc. Tấn và Lil đã lập gia đình, lên Bình Dương làm công nhân. “Cũng may có các cơ quan báo chí và hai luật sư ủng hộ, minh oan cho em trai tôi cùng Tấn và Lil. Nếu không, có lẽ bây giờ cỏ đã mọc xanh trên mộ em trai tôi rồi”, ông Hol bùi ngùi.
 
 
Theo PLO