Chỉ một chiếc thìa nhôm mài thành được cả chìa khóa phòng giam, chỉ mấy phút ra ngoài “tắm nắng” nhặt được miếng sắt vụn khoét thủng cả tường; thậm chí hàng ngày đái vào cùm để làm han gỉ sắt cưa cho dễ, có khi một chiếc cúc áo cũng trở thành công cụ phạm tội…
 
 
Nhân vật mới có biệt danh Hồng “bò”
 
Một buổi sáng khoảng giữa tháng 8 năm 2012, buồng giam tại khu vực T4, Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai đón tiếp một nhân vật mới có biệt danh Quách Tiến Hồng. Dù là người mới, nhưng các phạm nhân trong buồng đều biết tiếng của Hồng “bò”.
 
Lý do đơn giản là trước khi được chuyển tới buồng giam ở khu T4, Hồng đã tham gia đánh chết một bạn tù ở khu T5. Hồng sinh năm 1981, khi còn ở ngoài xã hội làm bốc vác tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
 
Mặc dù đã có vợ và con, nhưng với bản tính thích “trăng hoa” Quách Tiến Hồng vẫn thường tìm cách dụ dỗ những cô bé trẻ người non dạ. Nạn nhân mới nhất của Hồng là một cô bé mới 12 tuổi. Gia đình cô bé phát hiện tố cáo, Hồng bị Công an tỉnh Lào Cai khởi tố về tội Hiếp dâm trẻ em.
 
Sau thời gian lẩn trốn tại Trung Quốc, khi vừa từ Hà Khẩu về đến Lào Cai thì Hồng bị bắt giữ. Trong khi bị giam giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai để chờ xét xử, Hồng và một số đối tượng  khác đã đánh chết một bạn tù chỉ vì muốn “dạy dỗ lính mới” một bài học. Sau vụ này, Hồng bị khởi tố thêm tội danh giết người.
 
Với thành tích đáng nể như vậy nên khi “nhân vật mới” vừa bước vào cửa phòng giam, đám tù trong buồng đã tỏ vẻ kính nể, và tất cả đều suy tôn Hồng làm “đại bàng”. Sau khi tìm hiểu đám “ong ve” cùng buồng, có 2 nhân vật được Hồng ưu ái hơn những người khác là Nguyễn Văn Thuận (SN1988) và Chảo Láo Sì (SN 1976).
 
Nguyễn Văn Thuận (còn gọi là Thuận Chisun) bị bắt về tội trộm cắp xe máy mặc dù còn ít tuổi nhưng Thuận lại có tiếng là một kẻ lưu manh đa mưu túc kế và nhiều thủ đoạn. Còn Chảo Láo Sì là người dân tộc thiểu số và phạm tội buôn bán trái phép chất ma túy. Sở dĩ Hồng “bò” có cuộc “thăm dò dư luận” và ưu ái 2 người này là vì trong đầu hắn đang lên một kế hoạch đặc biệt: trốn trại.
 
Kế hoạch đào tẩu
 
Trước tình cảnh án chồng án mà toàn án nặng, với một kẻ giang hồ như Hồng hắn thừa biết trước được thời gian thụ án mà mình phải chịu. Vì vậy mà lúc nào hắn cũng nung nấu ý định vượt ngục.
 
Với sự khôn ngoan của Thuận, sẽ là người cùng lên kế hoạch trốn trại với Hồng, còn Sì vốn là người dân tộc, sống ở vùng rừng núi biên giới từ bé, lại rất thạo đường rừng trong những chuyến buôn ma túy nên chắc chắn sẽ là kẻ dẫn đường đắc lực.
 
Thống nhất về ý tưởng, cả bọn bắt đầu chuẩn bị cho kế hoạch của mình. Trong một lần được ra sân “tắm nắng”, Thuận lén lấy trộm được một miếng sắt dài bằng ngón tay rồi giấu trong người mang vào buồng giam.
 
Bằng con mắt trộm cắp nhà nghề của Thuận, thì đây chính là chiếc “chìa khóa” để giúp chúng có thể thoát ra khỏi song sắt trại giam và bốn bức tường của nhà tù. Bọn chúng bàn với nhau sẽ dùng miếng sắt này mài nhọn rồi đục dần theo mạch vữa để khoét thủng tường nhà giam rồi trốn ra ngoài.
 
Các phạm nhân trong buồng giam đều biết kế hoạch trốn trại của Hồng, Thuận và Sì, tuy nhiên không ai dám hé răng một lời vì Hồng đe dọa sẽ xử tới nơi tới chốn bất kỳ ai tiết lộ kế hoạch của chúng. Công việc đầu tiên của nhóm vượt ngục là mài nhọn thanh sắt kiếm được.
 
Sau nhiều lần suy tính, Thuận bàn bạc với cả nhóm thay vì chọn thời điểm ban đêm thì bọn chúng sẽ mài sắt vào ban ngày. Bởi ban đêm yên tĩnh tiếng mài sắt vang xa sẽ dễ bị phát hiện, còn ban ngày dẫu sao ồn ào cũng khó bị phát hiện hơn. Khi thanh sắt được mài sắc thì cũng là lúc công việc khoét vách bắt đầu.
 
Thuận nghiên cứu kỹ buồng giam và phát hiện ra đoạn tường ở gần góc bể nước vừa ẩm, dễ khoét lại kín đáo nên sẽ bắt đầu từ vị trí này. Theo tính toán của Thuận, để đủ một người chui ra thì cần phải đục một lỗ có đường kính chừng hơn 40cm. Diện tích này tương đương với tầm 5 đến 6 viên gạch xây tường.
 
Để tránh sự phát hiện của cán bộ quản giáo, ban đầu Thuận và Hồng bàn nhau đóng đinh rồi treo chiếc chậu giặt quần áo để che đi giấu vết trên tường mà bọn chúng đã khoét. Tuy nhiên, để cẩn thận hơn cả bọn nghĩ cách phải hàn những đường mạch mà chúng vừa khoét được. Thuận nảy ra sáng kiến dùng cơm giã nhuyễn rồi nhào kỹ với số vữa lấy ra cho quánh lại rồi trát vào chỗ đường mạch đã khoét. Nếu là người bên ngoài phòng giam không biết được hành động của chúng, mà chỉ quan sát  bằng mắt thường sẽ rất khó để phát hiện ra dấu vết mà chúng đã tạo ra.
 
Hàng ngày tới bữa cơm, Hồng đều bắt các phạm nhân khác trong buồng giam bớt lại một phần cơm để chúng sử dụng vào mục đích này. Sau 4 ngày kiên trì đục, khoét viên gạch đầu tiên đã được nhấc ra khỏi tường. Và chỉ 2 ngày sau đó cả bọn đã khoét được một lỗ vừa cho một người chui qua.
 
Sau mỗi buổi, các viên gạch đều được lắp lại như cũ và được ngụy trang bằng cơm vữa. Do tường của buồng giam được cấu tạo bằng 2 lớp cách âm, nên sau khi vượt qua lớp thứ nhất, Thuận và Hồng tiếp tục khoét lớp tường thứ 2. Lớp tường này đơn giản hơn vì không có lớp vữa trát ngoài nên chỉ việc đào theo các mạch vữa.
 
Tuy nhiên, Thuận rất khôn ngoan, không đục thủng các lớp mạch này mà chỉ khoét sâu khoảng chừng 10cm thì dừng lại. Chính vì vậy bức tường phía ngoài buồng giam của các đối tượng này không có gì khác lạ và các cán bộ quản giáo trong lúc tuần tra không thể phát hiện ra những dấu hiệu bất thường.
 
Cuộc trốn trại trong đêm mưa
 
Để chuẩn bị cho ngày vượt trại, bọn chúng tính toán hết sức kỹ lưỡng vì xác định chỉ một sơ hở dù là nhỏ nhất cũng sẽ bị phát hiện và trở thành công cốc. Lợi dụng những lúc được ra ngoài thăm nuôi, Thuận đảo mắt quan sát rất kỹ địa hình xung quanh Nhà tạm giam của Công an tỉnh Lào Cai.
 
Ước chừng bức tường bảo vệ quanh Trại tạm giam cao chừng 5m, muốn qua được thì bắt buộc cần phải có thang. Một lần nữa sự tinh ranh của tên trộm chuyên nghiệp đã phát huy tác dụng.
 
Thuận phát hiện ra ở chòi canh của những khu giam đều có những tấm cửa sổ, khi thoát ra ngoài, buộc những tấm cửa này vào với nhau thì sẽ tạo thành một chiếc thang có thể vượt qua bức tường rào.
 
Trong quá trình Thuận và Hồng khoét ngách tường, bọn chúng đã giao cho Chảo Láo Sì xé quần áo để tết thành những sợi dây chắc chắn. Sì là người dân tộc vốn biết nghề vặn thừng, nên công việc này với gã chẳng mấy khó khăn. Những bộ quần áo bí mật xé ra đều được Sì biến thành những sợi dây chão rất chắc chắn.
 
Khi công việc khoét vách và bện dây đã hoàn thành, việc còn lại chỉ là chờ thời cơ để hành động. Đêm ngày 4-9-2012, trời bỗng nổi giông, mưa như trút nước, kế hoạch đã hoàn hảo đến từng chi tiết.
 
Bọn chúng bắt đầu hành động. Những viên gạch của bức tường thứ nhất được chúng dỡ ra một cách nhẹ nhàng, tới bức tường thứ 2 chỉ cần đạp nhẹ là đã lộ ra khoảng trống vừa một người chui qua. Hồng, Thuận và Sì lần lượt chui qua lỗ hổng không quên mang theo chăn và sợi dây chão được bện từ quần áo.
 
Qua được khoảng sân khu nhà tạm giam cả bọn lập tức dỡ 4 cánh cửa của chòi canh (chòi canh này chỉ có cán bộ trực ban vào ban ngày) rồi buộc lại thành chiếc thang để vượt qua bức tường.
 
Khi leo đến đỉnh tường, Thuận dùng chiếc chăn mang theo phủ lên hàng dào dây thép gai, sau đó dùng dây chão buộc vào trụ sắt rồi vượt ra ngoài, lần lượt Hồng và Sì cũng ra sau theo Thuận.
 
Sau khi đã vượt qua rào thành công, với kinh nghiệm gần chục năm cắt rừng xuyên núi, chỉ chưa đầy 3 tiếng sau Sì đã dẫn đường cho cả bọn ra tới biên giới Việt - Trung. Hồng và Thuận cùng trốn qua bên kia biên giới còn Sỳ thì trốn theo một hướng khác.
 
Sự việc các đối tượng trốn trại chỉ được phát hiện khi tổ tuần tra của Trại tạm giam công an tỉnh Lào Cai phát hiện có chiếc thang tự chế dựng ở cạnh bức tường rào. Danh tính các đối tượng trốn trại ngay sau đó đã được xác định từ lỗ thủng ở buồng giam khu vực T4. Lúc này lệnh báo động toàn khu trại tạm giam được phát ra. Tuy nhiên cả 3 đối tượng đã có đủ thời gian để cao chạy xa bay.
 
Truy bắt
 
Việc 3 đối tượng nguy hiểm trốn thoát khỏi Trạm tạm giam là một vụ chấn động đối với Công an tỉnh Lào Cai. Ban Giám đốc Công an tỉnh đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp hạ quyết tâm phải truy bắt bằng được các đối tượng này. Ngay lập tức 3 chuyên án mang bí số 912H, 912S và 912T được xác lập để bắt giữ 3 đối tượng đã trốn trại.
 
Dưới sự chỉ huy trực tiếp của một đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh, nhiệm vụ được phân công cho Phòng Cảnh sát hình sự sẽ truy bắt đối tượng Quách Tiến Hồng, Phòng cảnh sát truy nã tội phạm sẽ truy bắt Nguyễn Xuân Thuận, còn việc truy tìm đối tượng Nguyễn Xuân Thuận được giao cho Đội Cảnh sát Bảo vệ thuộc Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai.
 
Trong 3 đối tượng chạy trốn khỏi Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai đêm ngày 4-9-2013, kẻ bị bắt lại đầu tiên là Chảo Láo Sì. Mặc dù nhận định, sau khi trốn trại Sì rất có thể sẽ bỏ trốn về nhà tại thôn Cán Tỷ, xã Bản Sèo huyện Bát Sát.
 
Tuy nhiên một phần do địa hình ở đây phức tạp, phần khác do gia đình của Sì che giấu hắn khá kỹ nên dù đã có thông tin nhưng các trinh sát vẫn không thể tiếp cận được hắn. Phải cho đến ngày 18-11-2012 từ nguồn tin cơ sở cho biết Sì đã quay về nhà, phương án bắt đối tượng được triển khai ngay trong đêm.
 
Các trinh sát đã ập vào nhà bắt giữ đối tượng khi hắn đang ngủ cùng với khẩu súng ở bên cạnh. Đối với Quách Tiến Hồng, sau khi trốn sang được Trung Quốc, nhờ có các mối quan hệ sẵn có trước đây Hồng xin vào làm việc ở trong một trang trại trồng chuối rồi sau đó bỏ ra làm thuê ở ngoài. Công an tỉnh Lào Cai đã có công văn gửi Cục Công an huyện Hà Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc) nhằm phối hợp để bắt giữ Quách Tiến Hồng.
 
Ngày 19-12-2012, Cục Cảnh sát Hà Khẩu đã bắt giữ được Quách Tiến Hồng và bàn giao lại cho Công an Lào Cai. Với Nguyễn Xuân Thuận, do Thuận là đối tượng khôn ngoan nên phải cho đến tận đầu tháng 1 năm 2013, các trinh sát mới có được thông tin Thuận đang làm thuê tại Hà Nội.
 
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, nơi lẩn trốn của Thuận ở tại khu vực phường Mai Động, quận Hoàng Mai đã bị phát hiện. Thuận bị bắt giữ và di lý về Lào Cai ngay trong đêm ngày 18 rạng sáng ngày 19-1-2013.
 
Như vậy là sau hơn 4 tháng, chuyên án truy tìm những kẻ trốn trại mới kết thúc, khép một trong những cuộc truy tìm được coi là lớn nhất trong lịch sử của Công an tỉnh Lào Cai.
 
Theo An ninh thủ đô