Là người thầy nhưng Nguyễn Viết Quý (SN 1982, trú tại thị trấn Kỳ Anh, Kỳ Anh) lại không chuyên tâm theo đuổi nghề dạy học cao quý, mà lại đam mê trò đen đỏ... để rồi trượt dài trên con đường tội lỗi và tự khép cánh cửa cuộc đời mình bằng bản án 16 năm tù giam về tội giết người.
Tâm trí Quý luôn nghĩ đến những cuộc sát phạt ăn thua và vì thế, sau những giờ “bắt buộc” đứng trên bục giảng, Quý lại lao vào những cuộc đỏ đen. Hầu như các “sới” bạc lớn, nhỏ trên địa bàn huyện Kỳ Anh và các vùng phụ cận đều có “bàn tay chinh phạt” của Quý với những trận “thư hùng” thâu đêm suốt sáng. Gã “máu mê” đến mức, rất nhiều lần chiếc xe là phương tiện đi lại, đến trường dạy học và các tài sản khác của gia đình, bạn bè đã bị gã mang ra “cắm, ký” để có tiền thỏa mãn những “cơn khát bạc”. “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, cuối năm 2012, Nguyễn Viết Quý đã bị Công an huyện Cẩm Xuyên bắt quả tang khi đang tham gia sát phạt trong một chiếu bạc trên địa bàn. Sau đó, hắn bị TAND huyện xử án phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Quý bị đình chỉ công tác, cánh cửa sự nghiệp khép lại với hắn.
Cứ tưởng sau cú sốc này, Quý sẽ nhận ra lỗi lầm, tu tỉnh để tìm cho mình một con đường sáng. Thế nhưng, máu cờ bạc đã ăn sâu bám rễ, hắn lại càng ngập sâu trong những cuộc đỏ đen. Để rồi, trong môi trường “cờ gian, bạc lận”, với bản tính liều lĩnh, bất cần đời, cuối năm 2013, Nguyễn Viết Quý đã phạm tội “Giết người”.
Nguyên nhân là do trước đó, Quý và anh Hoàng Khánh Cẩm – chủ quán cà phê Nhạc Trịnh ở xóm 7, xã Kỳ Phong (Kỳ Anh) có nảy sinh mâu thuẫn. Khoảng 9h30’ sáng 8/10, Quý đến quán cà phê Nhạc Trịnh tìm anh Cẩm để giải quyết mâu thuẫn. Anh Cẩm đi vắng, trong quán chỉ có vợ anh là chị Ngô Thị Hiếu. Cơn cuồng nộ trong con quỷ khát máu nổi lên, Quý đã lạnh lùng đâm vào cổ chị Hiếu. Nhát dao chí mạng, chị Ngô Thị Hiếu đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Với hành vi đặc biệt nghiêm trọng của hắn, TAND tỉnh đã xét xử, tuyên phạt Nguyễn Viết Quý 16 năm tù giam. Trong phiên tòa hôm ấy, cái uy nghiêm của người thầy trên bục giảng của Quý được thay bằng thái độ run rẩy, gương mặt trắng nhợt của bị cáo trước vành móng ngựa. Đôi bàn tay với những ngón thuôn dài từng tài hoa lướt trên những phím nhạc, bức tranh, giờ đây héo hắt, khô cứng trong chiếc còng số 8 ...
Giờ đây, sau song sắt, Nguyễn Viết Quý có đủ thời gian để tự phán xét mình, nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống. Phía xa, cánh cửa trở về làm người lương thiện vẫn còn hé mở… Chỉ tiếc cho tri thức, bàn tay tài hoa của gã… Nếu như, trước đó gã chuyên tâm vào con chữ…
Theo Báo Hà Tĩnh