Ngày 25/8, TAND thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử hai “ác mẫu” Nguyễn Thị An (SN 1993) và Nguyễn Thị Lành (SN 1992) cùng ở Phú Xuyên, Hà Nội về tội Giết người.
Hai bị cáo An và Lành chính là hai bảo mẫu đã đánh đập khiến bé trai 17 tháng tuổi, trú tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín (Hà Nội) bị chấn thương sọ não, chảy máu và phù não gây tử vong, gây phẫn nộ dư luận.
|
|
Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành tại Toà. |
Tại phiên tòa, hai đối tượng Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành đều thừa nhận hành vi phạm tội như Cáo trạng của Viện kiểm sát.
Hai đối tượng An và Lành cũng tỏ ra ăn năn hối hận, khóc và nói lời xin lỗi gia đình bé trai 17 tháng tuổi và mong gia đình bị hại thứ lỗi và xin được giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án nghiêm khắc đối với hai bảo mẫu.
|
|
Đại diện Viện kiểm sát xúc động, rơi nước mắt khi luận tội hai bảo mẫu tại phiên tòa. |
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án Chung thân đối với Nguyễn Thị An và mức án từ 19-20 năm đối với Nguyễn Thị Lành về tội Giết người.
Theo đó, cuối giờ sáng ngày 25/8, Hội đồng xét xử TAND thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị An mức án Chung thân, còn bị cáo Nguyễn Thị Lành nhận mức án 20 năm tù.
Theo cáo trạng, Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành là những người không có bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ về sư phạm.
Tháng 11/2022, Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành rủ nhau cùng đứng ra mở lớp nhận trông giữ trẻ em để thu tiền. Cả hai đã thuê nhà tại thôn Vạn Điểm, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội để làm địa điểm nhận trông giữ trẻ.
Tính từ khi mở lớp đến ngày 1/3/2023, An và Lành đã nhận trông giữ 7 cháu bé.
Vào giữa tháng 2/2023, do bận đi làm nên chị P.T.T. (SN 1981, trú tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội) có gửi con trai là cháu Phạm Tiến Đ. (SN 11/9/2021) tại cơ sở trông giữ trẻ của An và Lành.
Khoảng 7h 30' ngày 23/2, chị T. đưa con trai đến gửi cơ sở của An và Lành. Đến 9h 30' cùng ngày, An và Lành đưa các cháu vào phòng ngủ thì cháu Đ. bỏ chạy ra ngoài, đứng ở cửa và khóc.
Bực tức, Lành bế cháu Đ. vào phòng ngủ, rồi ném cháu xuống tấm đệm xốp trải dưới nền nhà, làm đầu cháu Đ. bị đập vào tấm đệm xốp.
Cháu Đ. tiếp tục quấy khóc nên Lành quát, tát cháu, rồi để cháu Đ. nằm ở đó và đi ra ghế ngồi. Thời điểm này, An đang ở trong phòng ngủ, nhìn thấy Lành ném và tát cháu Đ. nhưng không nói gì.
Khi thấy cháu Đ. vẫn khóc, An đi đến chỗ cháu Đ. nằm trên tấm đệm, dùng chân dẫm, đạp vào bụng, ngực và vùng tai của cháu Đ.
Đến 16h30' cùng ngày, chị T. đến đón cháu Đ. thì thấy hai bên tai của cháu Đ. bị bầm tím. Chị T. hỏi Lành nguyên nhân gây bầm tím thì Lành nói do cháu Đ. chơi và bị ngã vào rổ đồ chơi.
Tin lời Lành, chị T. đưa cháu Đ. về nhà và đến tối cùng ngày, cháu Đ. có hiện tượng nôn, trớ. Các ngày tiếp theo đó, vợ chồng chị T. tiếp tục đưa cháu Đ. đến gửi tại cơ sở trông giữ của An và Lành.
Ngày 26/3, do bận việc nên Lành nghỉ, chỉ còn An trông trẻ. Khoảng 9h 30' cùng ngày, An thấy cháu Đ. quấy khóc nên đã bực tức dùng hai tay xách, ném cháu Đ. xuống nền nhà và dùng chân phải đạp vào bụng cháu Đ., rồi bỏ đi vào trong bếp.
Khi quay ra, An thấy cháu Đ. bất tỉnh, miệng nôn, tay tự cào vào mặt nên đã gọi điện thoại cho Lành thông báo tình trạng của cháu Đ. Khi nhận điện thoại của An thì Lành đã hướng dẫn An lấy nước cho cháu Đ. uống nhưng cháu Đ. không uống, An liền đổ cốc nước vào mặt và dùng tay tát vào mặt cháu Đ. để cho cháu Đ. tỉnh lại.
Do cháu không tỉnh nên An đã gọi điện thoại cho chị T. đến lớp. Khi chị T. đến nơi thấy cháu Đạt trong tình trạng người lạnh, chân tay cứng, mắt nhắm, quần áo ướt nên đã cùng An đưa cháu Đ. đi cấp cứu.
Chiều 2/3, cháu Đ. đã tử vong tại nhà. Giám định pháp y kết luận, nguyên nhân cháu Đ. bị tử vong là suy tuần hoàn hô hấp không hồi phục do chấn thương sọ não nặng.