Như Báo ANTĐ thông tin, sau 5 ngày xét xử và nghị án, chiều 22-2, TAND TP Hà Nội đã lần lượt đưa ra các phán quyết về vụ án Giang Kim Đạt cùng đồng phạm.

 


 Đối với số tiền 260,5 tỷ đồng mà Giang Kim Đạt cùng các bị cáo trong vụ án chiếm hưởng bất chính và hầu hết trong số đó đều đã được các bị cáo chuyển hóa bằng bất động sản, ô tô, HĐXX sơ thẩm xác định đây đều là tiền thu lời bất chính từ các hoạt động của Vinashinlines. Và ở thời điểm các bị cáo phạm tội, doanh nghiệp này thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Vinashin nên cần trả lại Vinashin toàn bộ số tiền đó.

Còn hiện nay, do Vinashinlines thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và tổng công ty này đã phải tiếp nhận nguyên trạng Vinashinlines nên sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Vinashin cần đối trừ công nợ cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Trước đó, đề cập tới cáo trạng truy tố các bị cáo, HĐXX sơ thẩm nhận thấy, từ tháng 7-2006 đến tháng 3-2007, Trần Văn Liêm ký các hợp đồng mua 3 tàu biển và trong quá trình ấy giao cho Giang Kim Đạt đàm phán với các đối tác nước ngoài. Thực hiện việc này, Đạt thống nhất với công ty môi giới tàu biển Marvin Shipping LTD lần lượt mua 3 tàu biển với giá từ 5,95 triệu USD đến 21,55 triệu USD.

Trong mỗi hợp đồng mua bán tàu, Đạt đều yêu cầu và được công ty môi giới trả tiền “hoa hồng” từ 1,9 tỷ đồng đến 6,5 tỷ đồng. Cũng trong khoảng thời gian từ tháng 5-2006 đến tháng 6-2008, Liêm, Đạt còn thoả thuận, đàm phán với công ty môi giới “gửi giá cước” khi cho các đối tác nước ngoài thuê mướn 9 tàu biển và đã chiếm đoạt bất chính 249 tỷ đồng. Tổng cộng Đạt, Liêm đã chiếm đoạt được hơn 260,5 tỷ đồng của Vinashinlines.

Đối với Trần Văn Khương, cáo trạng truy tố xác định bị cáo này có trách nhiệm quản lý tài chính của doanh nghiệp và biết rõ Liêm, Đạt lợi dụng việc mua tàu để hưởng “hoa hồng” cũng như “gửi giá cước” nhưng vẫn hưởng ứng bằng việc để ngoài sổ sách kế toán các khoản tiền đó.

Trong hàng trăm tỷ đồng chiếm hưởng bất chính, Liêm đã “đút túi” 3,1 tỷ đồng, Đạt hưởng hơn 255 tỷ đồng và Khương cất giữ riêng  110.000 USD. Về bị cáo Giang Văn Hiển, sau khi nhận được số tiền 260,5 tỷ đồng chuyển vào tài khoản đã rút ra đưa cho con trai, đồng thời mua hàng chục bất động sản. Bị cáo nhận thức được tiền chuyển vào tài khoản đều là bất hợp pháp nhưng vẫn tích cực thực hiện.

Thay đổi lời khai nhưng không có gì mới

Theo HĐXX sơ thẩm, quá trình bị thẩm vấn tại tòa, các bị cáo đều thay đổi lời khai và không nhận tội như nội dung cáo trạng truy tố nhưng đều không đưa ra được được chứng cứ gì mới. Trong vụ án này, bị cáo Liêm giữ vai trò chỉ đạo bị cáo Đạt. Mặt khác chữ ký của bị cáo có tính chất quyết định việc mua tàu cũng như cho thuê tàu biển.

Đối với bị cáo Đạt, tòa án cho rằng quá trình xét xử bị cáo đã  thay đổi hoàn toàn lời khai nhưng không có cơ sở để chấp nhận. Do đó, căn cứ vào các tài liệu truy tố có đủ căn cứ xác định bị cáo đã thực hiện những hành vi như cáo trạng xác định. Thực hiện tội phạm, Đạt giữ vai trò giúp sức tích cực cho bị cáo Liêm, đồng thời hưởng lợi phần lớn số tiền bất chính.

Về bị cáo Trần Văn Khương, HĐXX nhìn nhận bị cáo đã không hạch toán vào sổ kế toán của công ty mà để tiền ngoài sổ sách. Kết quả điều tra cũng như lời khai của bị cáo tại phiên tòa cho thấy, bị cáo đã chiếm hưởng số tiền 110.000 USD.

Và sau cùng là đối với Giang Văn Hiển, theo Tòa án nhân dân TP Hà Nội bị cáo tự nhận số tiền 260,5 tỷ đồng là của mình nhưng không có căn cứ. Vì lời khai tại phiên tòa của bị cáo tại phiên tòa cơ bản phù hợp với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và phù hợp với lời khai của bị cáo Đạt về việc mở tài khoản ngoại tệ để nhận tiền từ đối tác.

Từ những phân tích và đánh giá đưa ra, HĐXX sơ thẩm đi đến kết luận, Vinashinlines trong giai đoạn 2006 - 2008 là công ty 100% vốn Nhà nước và do Trần Văn Liêm làm Tổng giám đốc, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chiếm đoạt tiền “hoa hồng” trong việc mua tàu, tiền chênh lệch giá trong việc cho thuê tàu biển với tổng số tiền đặc biệt lớn.

Hành vi phạm tội của bị cáo Liêm cùng đồng phạm là đặc biệt nguy hiểm đối với xã hội. Tội phạm mà các bị cáo gây ra không chỉ xâm phạm đến hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan Nhà nước mà còn gây bất bình trong quần chúng nhân dân và làm giảm lòng tin vào sự điều hành, quản lý kinh tế của cơ quan Nhà nước.

Do đó, cần phải áp dụng những hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ tội phạm mà các bị cáo gây ra. Tuy nhiên, khi lượng hình HĐXX cũng xem xét, đồng thời áp dụng những tình tiết giảm nhẹ tương ứng cho các bị cáo. Và sau cùng, khép lại vụ Giang Kim Đạt cùng đồng phạm ở giai đoạn sơ thẩm sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã lần lượt áp dụng các mức án cụ thể nêu trên.    
 

Theo Trịnh Tuyến/ANTD.VN

.