Gắn "mác" doanh nhân cho những người trốn ra nước ngoài
Cập nhật lúc 23:50, Thứ tư, 18/01/2017 (GMT+7)
Tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài, Trung cùng đồng phạm gắn cho họ cái "mác" doanh nhân và cán bộ. Nhưng trên đường sang Đức, nhóm xuất khẩu lao động "chui" này đã bị cơ quan pháp luật nước bạn phát hiện, trục xuất về nước. (gắn mác doanh nhân, Trịnh Quang Trung, xuất khẩu lao động, Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài)
Tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài, Trung cùng đồng phạm gắn cho họ cái “mác” doanh nhân và cán bộ. Nhưng trên đường sang Đức, nhóm xuất khẩu lao động “chui” này đã bị cơ quan pháp luật nước bạn phát hiện, trục xuất về nước.
Ngày 16-1, TAND TP Hà Nội đã đưa Trịnh Quang Trung (SN 1960, trú ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) ra xét xử về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”, theo Điều 275-BLHS.
Liên quan đến tội phạm của Trung còn có Vũ Bích Hà (SN 1970, ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình); Nguyễn Thị Thêu (SN 1987, trú tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) và Nguyễn Hoàng Yến (SN 1992, ở phường Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng bị đưa ra xét xử cùng tội danh.
|
Trịnh Quang Trung cùng các bị cáo liên quan tại phiên tòa |
Quá trình xét xử đã làm rõ đầu năm 2014, các anh Mai Xuân Chính (SN 1959), Võ Bá Thịnh (SN 1979) cùng ở Hà Tĩnh và anh Hồ Đức Ái (SN 1987), trú ở Quảng Bình có nhu cầu đi lao động tại Cộng hòa Liên bang Đức. Qua mối quan hệ xã hội, các anh này nhờ anh Phùng Ngọc Hưng (SN 1964, ở Quảng Bình) lo thủ tục hộ.
Cầm hồ sơ của những người nêu trên, anh Hưng mang đi làm thủ tục nhưng không đủ điều kiện nên nhanh chóng thông báo lại cho khách hàng. Cùng thời điểm, vợ anh Hưng trao đổi với Vũ Bích Hà về những trường hợp có nhu cầu sang Đức lao động.
Biết rõ tình cảnh của nhóm anh Chính, song Hà vẫn liên hệ với Phạm Văn Sang (SN 1955, ở Hải Dương) và ông này sau đó chuyển mối làm ăn sang Hoàng Thế Khanh (SN 1957), trú ở quận Đống Đa, Hà Nội.
Sau đó, Hà gặp Khanh bàn bạc và được người này cho biết nhóm anh Chính muốn sang Đức phải đi bằng con đường vòng, đồng thời ra giá 13.500 USD/người. Tiếp đến Khanh rủ Trịnh Quang Trung, Nguyễn Thị Thêu và Nguyễn Hoàng Yến cùng tham gia.
Theo hướng dẫn của Khanh, Trung liên hệ và được Hoàng Trường Thịnh (SN 1962, khi đó sống tại Bungari) hướng dẫn đưa nhóm anh Chính sang quốc gia này, rồi sẽ quá cảnh sang Đức hoặc Anh quốc.
Theo đó, Trung và đồng phạm đã mua lại một doanh nghiệp, rồi lần lượt gắn cho nhóm anh Chính cái “mác” giám đốc, phó giám đốc và trưởng phòng kinh doanh của công ty vừa mua. Có được tư cách cần thiết, Trung làm visa cho khách sang Bungari với lý do đi tìm hiểu thị trường.
Và rồi nhóm anh Chính đã dễ dàng xuất cảnh sang nước Đông Âu. Tại đây, nhóm anh Chính được người của Thịnh ra đón, rồi giao cho mỗi người một tấm thẻ cư trú cùng bộ hộ chiếu giả. Sau cùng, người của Thịnh tổ chức cho nhóm anh Chỉnh sang Đức theo thỏa thuận bằng con đường tiểu ngạch.
Vậy nhưng trên đường tới Đức qua Hy Lạp thì nhóm anh Chính bị bắt giữ vì xâm nhập trái phép vào Châu Âu. Sau ít ngày sống ở trại tị nạn, 3 người được Trung cùng đồng phạm tổ chức trốn ra nước ngoài bị trục xuất về nước. Trở lại Việt Nam, nhóm anh Chính cũng đã được Trung cùng các đối tượng liên quan hoàn trả lại tiền.
Bị đưa ra tòa án xét xử, cả 4 bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của bản thân như truy tố. Đối với Hoàng Thế Khanh do đã mất trong quá trình điều tra nên cơ quan tố tụng ra quyết định đình chỉ bị can.
Xét hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội nên khép lại vụ án, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Trịnh Quang Trung 24 tháng tù giam, theo đúng tội danh bị truy tố. Các bị cáo còn lại cũng lần lượt bị xử phạt từ 15 tháng tù (hưởng án treo) đến 20 tháng tù giam.
Theo Lâm Vinh/An ninh thủ đô
.