Theo đó, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Quốc Vượng (SN 1963, cựu Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng) 6 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

leftcenterrightdel
 Thay mặt HĐXX, Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn, Chủ tọa phiên tòa tuyên án.

Cùng bị tuyên phạt về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với Hoàng Quốc Vượng còn có 8 bị cáo khác, gồm: Phương Hoàng Kim (SN 1973, cựu  Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công thương) bị tuyên phạt 6 năm; bị cáo Trịnh Văn Đoàn (SN 1982,  cựu Chuyên viên phòng cấp phép và Quan hệ công chúng, Cục điều tiết Điện lực Bộ Công thương) và Nguyễn Danh Sơn (SN 1966, cựu Giám đốc Công ty mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cùng bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.

Các bị cáo Trần Quốc Hùng (SN 1976, cựu Phó Trưởng phòng Cấp phép và Quan hệ Công chúng, Cục điều tiết Điện lực, Bộ Công thương); Nguyễn Hữu Khải (SN 1977, Nguyên Trưởng phòng Kinh doanh mua điện, Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam); Đỗ Ngọc Tuyền (SN 1988, cựu Chuyên viên phòng kinh doanh mua điện, Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam); Trương Hoàng Dũng (SN 1982, cựu nhân viên phòng Kỹ thuật và Công nghệ thông tin thuộc Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cùng bị tuyên phạt 5 năm tù. Bị cáo Phan Văn Sang (SN 1972, cựu cán bộ phòng Thanh tra - Kiểm tra 3, Cục Thuế tỉnh Bình Phước) bị tuyên phạt 4 năm tù.

Có 3 bị cáo, gồm: Nguyễn Duy Khánh (SN 1966, cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Phước); Trần Văn Định ( SN 1965, cựu Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra 3, Cục thuế tỉnh Bình Phước); Phạm Quang Vinh (SN 1978, cựu Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ - Dự toán - Pháp chế, Cục Thuế tỉnh Bình Phước) cùng bị tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, thời gian thử thách là 5 năm.

leftcenterrightdel
Các Kiểm sát viên đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa trong phần tuyên án.

Về biện pháp tư pháp và xử lý vật chứng, HĐXX buộc các công ty sau đây phải trả lại số tiền thiệt hại cho Tập đoàn điện lực Việt Nam. Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Tái tạo Licogi Ninh Thuận phải trả lại số tiền hơn 99 tỉ đồng; Công ty TNHH Điện Mặt Trời Thuận Nam phải trả hơn 944 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Năng lượng Lộc Ninh 3 phải trả hơn 209 tỉ đồng.

HĐXX nhận định, tại phiên toà các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng quy kết. Lời khai nhận của các bị cáo phù hợp với chứng cứ và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án.

HĐXX nhấn mạnh, hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm những hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan nhà nước, gây thiệt hại cho Nhà nước thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với số tiền rất lớn, gây dư luận xấu trong xã hội, đi ngược lại với công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Vì vậy, cần phải áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc đối với các bị cáo.

Trong vụ án này, nhiều bị cáo bị truy tố về cùng một tội, nhưng hành vi phạm tội của các bị cáo được xác định ở các mức độ khác nhau, mỗi bị cáo được giao nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với hành vi phạm tội của mình.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo đứng nghe HĐXX tuyên án.

Cụ thể, đối với bị cáo Hoàng Quốc Vượng và Phương Hoàng Kim đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc tham mưu xây dựng Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội. Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng là người trực tiếp được giao nhiệm vụ chỉ đạo, tham mưu xây dựng dự thảo Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ nên vai trò cao hơn so với Phương Hoàng Kim, nguyên Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và là Tổ trưởng tổ soạn thảo. Tuy nhiên, bị cáo Phương Hoàng Kim chưa hoàn toàn khai nhận hết hành vi phạm tội của mình và hậu quả của các bị cáo gây ra lớn hơn các biện pháp khác nên phải áp dụng hình phạt tù cao hơn các bị cáo khác.

Theo hồ sơ vụ án, trong thời gian làm Thứ trưởng Bộ Công thương, bị cáo Hoàng Quốc Vượng được giao phụ trách Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, từ ngày 31/8/2018 đến ngày 06/4/2020, đã trực tiếp chỉ đạo tham mưu xây dựng Dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Hoàng Quốc Vượng biết rõ các chủ trương của Chính phủ (Nghị quyết số 115), chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc họp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận đối với các dự án điện mặt trời, nhưng vì động cơ vụ lợi nên Hoàng Quốc Vượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, cố ý chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xây dựng dự thảo Quyết định 13 theo hướng mở rộng diện đối tượng được hưởng giá điện ưu đãi và thống nhất chủ trương đề xuất cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được phê duyệt bổ sung quy hoạch, xin cơ chế giá 9,35 UScents/kWh cho dự án này.

Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, làm trái công vụ của bị can Hoàng Quốc Vượng đã dẫn đến hậu quả, có 2 nhà máy điện mặt trời được hưởng giá điện ưu đãi không đúng, gây thiệt hại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) số tiền hơn 1.043 tỉ đồng.

Theo lời khai, Hoàng Quốc Vượng đã nhận 1,5 tỉ đồng của  ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH ĐMT Trung Nam Thuận Nam. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tâm Thịnh không thừa nhận việc đã đưa tiền cho bị cáo và không có tài liệu để chứng minh.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội đồng xét xử tuyên án.

Đối với bị cáo Hoàng Kim, trong thời gian làm Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, biết rõ các chủ trương của Chính Phủ (Nghị quyết số 115), chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các cuộc họp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận, đối với các dự án điện mặt trời, nhưng vì muốn tạo điều kiện không chính đáng cho Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được bổ sung quy hoạch để hưởng giá điện ưu đãi, Phương Hoàng Kim đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao cố ý đẩy trách nhiệm cho ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo làm Tổ trưởng Tổ soạn thảo nhưng không được Hoàng Quốc Vượng đồng ý; không chỉ đạo Tổ soạn thảo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xây dựng Dự thảo Quyết định số 13 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; không báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương về nội dung Dự thảo trái với Nghị quyết số 115/NQ-CP, mục đích để Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được hưởng giá điện ưu đãi; trực tiếp tham mưu, đề xuất bổ sung quy hoạch và giá điện ưu đãi cho Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, làm trái công vụ của bị can Phương Hoàng Kim đã dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) số tiền hơn 1.043 tỉ đồng.

Liên quan vụ án, tại Công ty mua bán điện (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN), nhóm bị cáo Trương Hoàng Dũng, Đỗ Ngọc Tuyền, Nguyễn Hữu Khải, Nguyễn Danh Sơn đã thẩm định, duyệt, ký cấp văn bản công nhận ngày vận hành thương mại cho Nhà máy Lộc Ninh 3 trái quy định, gây thiệt hại cho EVN số tiền 209 tỉ đồng;

Tại Cục Thuế tỉnh Bình Phước, bị cáo Phan Văn Sang biết rõ Nhà máy Lộc Ninh 3 không đủ điều kiện hoàn thuế nhưng vẫn lập, ký biên bản kiểm tra thuế, phiếu đề xuất, tờ trình để cấp trên phê duyệt. Các bị cáo Trần Văn Định, Phạm Quang Vinh, Nguyễn Duy Khánh không thực hiện hết trách nhiệm được giao, không kiểm tra tính pháp lý của Nhà máy Lộc Ninh 3, không phát hiện hồ sơ hoàn thuế không đủ điều kiện pháp lý dẫn đến việc ký quyết định hoàn thuế trái quy định. Hành vi phạm tội của nhóm bị cáo này gây thiệt hại cho ngân sách số tiền hơn 145 tỉ đồng.

Hồng Nguyên - Vũ Phương