Phía sau những vụ vận chuyển trái phép chất ma túy là bản án chung thân, tử hình dành cho kẻ phạm tội; là sự mất mát, đau đớn không gì bù đắp được của gia đình họ.
Tòa tuyên án tử hình bị cáo M.I.N và mức án tù chung thân cho bị cáo N.T.H.A. cùng tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Bản án chưa đọc xong, H.A đã ngất đi. Thấy vợ như thế, M. hoang mang, bất lực đứng nhìn. Anh vẫn chưa hiểu hết mức độ nghiêm trọng cho đến khi người phiên dịch dịch lại nội dung và mức án.
Hoảng loạn đến cùng cực, M. sụp xuống lạy HĐXX, cầu xin được tha tội chết rồi thét lên trong tuyệt vọng khi phiên tòa bế mạc. Khoảnh khắc ấy khiến không gian phòng xử dù không đông người vẫn bí bách, nặng nề đến nghẹt thở.
|
Minh họa: NGUYỄN TÀI
|
Túng làm càn
Vẫn biết vận chuyển gần 1 kg heroin thì mức án đó là không thể tránh khỏi nhưng những người đến tham dự phiên tòa vẫn lặng đi. Để rồi sau khoảnh khắc ấy là tiếng khóc vỡ òa của hai người em H.A. Họ vẫn còn quá trẻ để chấp nhận bi kịch đang giáng xuống gia đình, nhất là hai đứa cháu - một 18 tháng tuổi, một 2 tháng tuổi - rồi đây sẽ mãi mãi rời xa vòng tay yêu thương, sự chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ.
M. (SN 1977, quốc tịch Nigeria) nhập cảnh Việt Nam năm 2008 với mục đích du lịch, tìm kiếm cơ hội làm ăn. Không lâu sau đó, anh ta gặp gỡ và chung sống với H.A - cô gái Việt Nam sinh trưởng trong một gia đình lao động nghèo ở tận Đắk Lắk, mới chân ướt chân ráo xuống TPHCM. Không có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống càng bấp bênh khi họ có con.
Một lần, M. nhận được điện thoại của Chika - người đồng hương - rủ tham gia đường dây vận chuyển ma túy. Ban đầu, anh ta từ chối vì sợ nhưng cuộc sống thiếu trước hụt sau, vợ con nheo nhóc, tính tới tính lui, M. nhắm mắt làm liều.
Được Chika gợi ý, M. lôi kéo vợ cùng tham gia nhằm tránh sự nghi ngờ, phát hiện của các cơ quan chức năng Việt Nam. Bốn lần vận chuyển trót lọt khiến họ như con thiêu thân liều lĩnh bán mình cho quỷ dữ.
Lần thứ năm, sau khi vận chuyển 988,7951 gr heroin từ Campuchia về TPHCM, theo yêu cầu của chồng, H.A lại vận chuyển tiếp số heroin ấy từ TPHCM đi Hà Nội để giao cho một đối tượng đưa sang Trung Quốc thì bị công an bắt quả tang tại Bến xe Miền Đông.
Trả giá đắt
Đại diện VKSND TPHCM lập luận, vụ án đặc biệt nghiêm trọng, số lượng heroin các đối tượng tham gia vận chuyển lớn, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước, phương thức thủ đoạn cất giấu ma túy tinh vi. Trong vụ án này, các đối tượng ở nước ngoài là những kẻ chủ mưu cầm đầu, còn M. và H.A là những người thực hiện tích cực hành vi vận chuyển...
Chưa nghe hết lời luận tội của đại diện VKSND, H.A đã ngất xỉu. Phiên tòa phải dừng lại ít phút để nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe cho H.A. Tôi hoài nghi, có lẽ đây lại là một “thủ thuật”? Với lại, những cô gái Việt Nam lấy chồng nước ngoài, rồi vì tiền, cùng chồng làm những việc phi pháp, khó mà nhận được cảm thông cho dù họ viện dẫn lý do phạm tội vì thiếu hiểu biết pháp luật, hoàn cảnh gia đình khó khăn...
Như trong vụ án này, chẳng phải H.A đã bị chồng lợi dụng hết lần này đến lần khác, mặc cho cô đang nuôi con nhỏ và bụng mang dạ chửa? Chẳng phải cô cũng vì tiền mà cam tâm, bất chấp tất cả? Nhưng những gì chứng kiến tại phiên tòa hôm ấy lại khiến tôi băn khoăn. Dù mệt mỏi, yếu ớt sau cơn vượt cạn cách đây không lâu (H.A sinh con khi đã bị bắt tạm giam), H.A đã cố gắng thành khẩn trả lời tất cả những câu hỏi của HĐXX, chỉ với một mong muốn cả hai được giảm nhẹ hình phạt, có cơ hội trở về bên các con.
Vì vậy, H.A đã đau đớn đến ngất đi trước mức án tử hình không thể tránh được của M. Nhìn cảnh ấy, M. nhấp nhổm không yên, đôi mắt dại đi vì bất lực và hối hận trước nỗi đau mình trót mang đến cho vợ.
Có một điều lạ là M. rất được lòng gia đình vợ, dù bi kịch hôm nay phần lớn là do anh ta gây nên. “Phải làm sao để cứu M. bây giờ?’’ - hai em của H.A ôm nhau khóc trong tuyệt vọng.
Khi M. được dẫn giải ra xe, anh ta xin người cảnh sát được gặp em vợ một lát. Nghe M. ngỏ ý xin 50.000 đồng, cô gái lật đật mở túi, dúi vào tay M. toàn bộ số tiền mà cô đang có - khoảng gần 100.000 đồng nhưng M. lắc đầu: “Năm chục thôi’’, rồi đưa tay rút lấy tờ giấy bạc 50.000 đồng. “Cất đi, giữ sức khỏe” - anh ta nói rồi lầm lũi bước đi. Thấy vậy, cô gái lại ngồi thụp xuống, ôm mặt nức nở.
Hình ảnh sau cuối của phiên tòa là hai em của H.A tất tả đi sao lục các giấy tờ cần thiết, bươn bả đi tìm luật sư để cậy nhờ. “Mong sao anh chị được giảm án hoặc ít ra M. thoát án tử hình vì các con’’ - em gái H.A rưng rưng. Sự nỗ lực ấy không biết kết quả sẽ ra sao? Đành phải chờ ở phiên tòa phúc thẩm.
Nỗi đau rất thật Đã có bao nhiêu người phải trả giá bằng chính mạng sống của mình vì heroin? Đã có bao nhiêu gia đình tan nát, bao đứa trẻ mất cha mẹ vì heroin? Chưa ai thống kê được. Nhưng nỗi đau mà heroin mang lại là rất thật mà chỉ đến khi sa lưới pháp luật, các bị cáo mới thấy hết sự hủy diệt đến tàn bạo của heroin; thấm thía đến chua chát tiền bạc dù nhiều vẫn không thể cứu được mạng sống của mình, mang lại hạnh phúc cho người thân. |
TỐ TRÂM (NLD)