Sáng 17/1, tiếp tục phần tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng 9 bị cáo trong vụ án Sài Gòn Đại Ninh, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, số tiền 2.700 tỉ đồng mà Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh - Công ty Sài Gòn Đại Ninh) nhận từ Tập đoàn Novaland do chuyển nhượng Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Dự án Đại Ninh) được xác định là số tiền Trí hưởng lợi bất chính, có được từ chuỗi hành vi phạm tội của Trí, là tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm.
|
|
Các Kiểm sát viên, đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. |
Đại diện VKSND TP Hà Nội nhấn mạnh, trong thương vụ chuyển nhượng Dự án Đại Ninh có một phần trách nhiệm của Tập đoàn Novaland trong việc giao dịch, ký kết hợp đồng không đúng quy định của pháp luật. Sau khi nhận được khoản tiền 2.700 tỉ đồng này, bị cáo Trí đã thanh toán cho bà Phan Thị Hoa (Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh trước khi bán cho dự án Trí) 1.700 tỉ đồng. Số tiền còn lại 1.000 tỉ đồng, Trí hưởng lợi, do vậy, cần được tịch thu sung công quỹ Nhà nước.
Đến nay, bà Phan Thị Hoa đã tự nguyện giao nộp 9 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ quan chức năng. Theo trình bày của bà Hoa tại phiên tòa, 9 Giấy chứng nhận quyền sử dụng này có trị giá tương đương với số tiền 1.700 tỉ đồng, bà Hoa đã nhận từ Nguyễn Cao Trí thông qua việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần dự án.
Liên quan đến số tiền 1.000 tỉ đồng này, Nguyễn Cao Trí đã nhận thức rõ sai phạm, chủ động, tích cực tác động gia đình đã nộp số tiền 242 tỉ đồng; còn lại 758 tỉ đồng, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên truy thu sung quỹ Nhà nước.
Cũng theo Viện kiểm sát, tranh chấp giữa Trí và Công ty Thiên Vương (thuộc Tập đoàn Novaland) cần được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Về dự án Đại Ninh được gia hạn, giãn tiến độ đầu tư trái quy định của pháp luật, Viện kiểm sát xác định, cần kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện thủ tục thu hồi dự án theo quy định của pháp luật.
|
|
Bị cáo Nguyễn Cao Trí tại phiên xét xử. |
Quá trình giải quyết vụ án, các bị cáo đã tích cực vận động gia đình nộp lại số tiền hưởng lợi hoặc số tiền thu lợi bất chính, trong đó, Nguyễn Cao Trí đã nộp 242 tỉ đồng; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp nộp 4,2 tỉ đồng; cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận nộp 2,1 tỉ đồng; cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nộp 580 triệu đồng… Do vậy, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo khi lượng hình.
Đối với tài sản là quyền cho thuê đất của Công ty cổ phần tập đoàn Capella tại số lô đất CR7 phường Tân Phú, Quận 7, TP Hồ Chí Minh, do Hội đồng quản trị Công ty này đề nghị nộp để khắc phục hậu quả cho bị cáo Trí. Theo Hợp đồng của Công ty cổ phần tập đoàn Capella (Bên B) với Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển Phú Mỹ Hưng (Bên A), tại Điều 13 có quy định Bên B được cho thuê lại lô đất hoặc chuyển giao tất cả hoặc một phần quyền của Bên B cho một bên thứ ba khi được Bên A đồng ý bằng văn bản và pháp luật cho phép.
Trong trường hợp này, Viện kiểm sát xét thấy, chưa có ý kiến đồng ý của Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển Phú Mỹ Hưng bằng văn bản nên chưa đủ căn cứ pháp lý để xem xét kê biên đảm bảo thi hành cho nghĩa vụ của Nguyễn Cao Trí.
Đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó có tổ chức, cá nhân không có căn cứ xử lý hoặc không đủ căn cứ xử lý hình sự, hoặc thực hiện chính sách nhân đạo, phân hóa vai trò, vị trí hoặc không cần thiết phải xử lý về hình sự, đại diện Viện kiểm sát nhận thấy, Cơ quan điều tra đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm về Đảng và hành chính, nên việc không xử lý hình sự này là phù hợp, thể hiện sự nhân đạo của pháp luật.