leftcenterrightdel
  Kiểm sát viên Trần Thị Liên trình bày quan điểm luận tội đối với nhóm lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam. (Ảnh: Vũ Thành Long)

Hành vi của nhóm lãnh đạo Cục Đăng kiểm

Mở đầu phiên tòa, đại diện VKSND TP HCM, Kiểm sát viên Trần Thị Liên đã trình bày quan điểm luận tội đối với nhóm lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Theo đại diện Viện kiểm sát, hành vi phạm tội của các bị cáo có tổ chức xuyên suốt từ Cục Đăng kiểm Việt Nam đến các Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, Chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại TP HCM và các địa phương trên cả nước. Kết quả điều tra đến nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố 254 bị can về 11 tội danh, trong đó có nhiều bị can bị khởi tố từ 2-3 tội.

Trong thời gian giữ chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, các bị cáo Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà là nhưng người đứng đầu chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện mọi hoạt động của Cục Đăng kiểm theo sự phân công của Bộ Giao thông vận tải; được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác đăng kiểm trên phạm vi cả nước. Bị cáo Nguyễn Vũ Hải là Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam phụ trách hoạt động của Phòng tàu sông.

Tuy nhiên, Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà, Nguyễn Vũ Hải đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, đưa ra chủ trương làm trái quy định của pháp luật, trong đó Hình, Hà đã nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn; các bị cáo đã để xảy ra sai phạm, tiêu cực có hệ thống, trong thời gian dài tại các phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Trung tâm Đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm trên cả nước nên phải chịu trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu.

Các bị cáo là lãnh đạo, Đăng kiểm viên Phòng kiểm định xe cơ giới, là đơn vị được giao trọng trách quản lý công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới, kiểm tra xe máy chuyên dùng đang lưu hành trong phạm vi cả nước, tuy nhiên, lợi dụng vị trí công tác của mình, các bị cáo đã nhận tiền từ các chủ phương tiện cần thẩm định hồ sơ xe cải tạo, nhận tiền từ các Trung tâm đăng kiểm để không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKSND TP HCM thay phiên nhau trình bày quan điểm luận tội đối với các bị cáo trong vụ án. (Ảnh: Vũ Thành Long)

Bị cáo Trần Kỳ Hình, quá trình điều tra cũng như phần thẩm vấn trực tiếp, bị cáo Hình thừa nhận hành vi đúng như cáo trạng truy tố, nhưng cho rằng số tiền mà mình hưởng lợi chỉ là 2.850.000.000 đồng và 12.000USD.

Viện kiểm sát cho rằng, để xác định số tiền mà cáo trạng đã quy buộc đối với bị cáo, Viện kiểm sát căn cứ vào lời khai của các bị cáo là giám đốc các trung tâm đã đưa tiền cho bị cáo; căn cứ vào số tiền mà Phòng VAR đã nhận và chia cho lãnh đạo, căn cứ vào số lượng hồ sơ mà Phòng VAR đã thẩm định…, và chính vào lời khai nhận của bị cáo tại CQĐT, tại phiên tòa về diễn biến hành vi phạm tội.

Do đó, Trần Kỳ Hình phải chịu trách nhiệm và đã Nhận hối lộ, hưởng lợi số tiền là 7.164.430.000 đồng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện theo quy định. Bị cáo đã nộp lại 2,85 tỉ và 12.000USD để khắc phục hậu quả.

Sau khi Trần Kỳ Hình nghỉ hưu, bị cáo Đặng Việt Hà được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục đăng kiểm. Vì đảm bảo quyền lợi của Hà phải là cao nhất, nên lãnh đạo Phòng VAR và lãnh đạo các Trung tâm đăng kiểm phải nhận hối lộ và chia tiền cho Hà hàng tháng, do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu trong vụ án. Bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Nhận hối lộ” với tổng số tiền là 40.259.840.000 đồng, hưởng lợi số tiền 8.550.000.000 đồng, bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi để khắc phục hậu quả.

Bị cáo Nguyễn Vũ Hải là Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam phụ trách hoạt động của Phòng tàu sông, phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong việc cấp thông báo năng lực cho 15 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện theo quy định.

Bị cáo Trần Anh Quân là quyền trưởng Phòng kiểm định xe cơ giới, phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Nhận hối lộ” với tổng số tiền là 60.726.799.000 đồng, hưởng lợi số tiền 11.769.999.000 đồng. Bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi.

Các bị cáo là Phó Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới gồm: Đặng Trần Khanh, Nguyễn Đức Toàn và Trịnh Bình Dương đề nghị xem xét đối với trách nhiệm của các bị cáo về tổng số tiền mà Phòng VAR đã nhận vì các bị cáo không biết chủ trương, không được bàn bạc. Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, Khanh, Toàn và Dương là phó phòng, trực tiếp làm việc cùng phòng với các Đăng kiểm viên, số tiền mỗi Đăng kiểm viên thẩm định hồ sơ nhận, đều chia cho các bị cáo mỗi hồ sơ 100.000đ, ngoài chia cho các bị cáo, còn chia cho Quân và lãnh đạo cục cùng nhân viên văn phòng của phòng; việc chia tiền diễn ra trong thời dài, do đó, việc các bị cáo cho rằng mình không biết chủ trương là không có căn cứ.

Nhóm bị cáo tại các Trung tâm đăng kiểm do Trần Lập Nghĩa làm chủ

Theo Viện kiểm sát, ở nhóm các trung tâm này, thì Trần Lập Nghĩa là chủ đầu tư duy nhất của các Trung tâm Đăng kiểm 62-03D tại tỉnh Long An, 71-02D tại tỉnh Bến Tre, 83-02D tại tỉnh Sóc Trăng (ngoài ra còn Trung tâm 84-02D tại tỉnh Trà Vinh và 66-02D tại tỉnh Đồng Tháp). Nghĩa là người chỉ đạo, điều hành toàn bộ Ban Giám đốc, Đăng kiểm viên và nhân viên tại các trung tâm, là người hưởng lợi toàn bộ lợi nhuận từ các trung tâm và thụ hưởng toàn bộ số tiền do phạm tội mà có. Các bị cáo còn lại chỉ là người làm công ăn lương, thực hiện công việc theo chỉ đạo, không được hưởng lợi ích gì từ các hành vi phạm tội của mình.

Kết quả điều tra, đặc biệt là kết quả thẩm vấn trực tiếp tại tòa, Viện kiểm sát nhận thấy tất cả các bị cáo đều khai báo thành khẩn, thừa nhận toàn bộ diễn biến hành vi, số liệu mà cáo trạng đã truy tố nên Viện kiểm sát đủ căn cứ xác định trách nhiệm cụ thể của các bị cáo.

Bị cáo Trần Lập Nghĩa, kết quả điều tra, kết quả thẩm vấn trực tiếp tại tòa có đủ căn cứ xác định Trần Lập Nghĩa phải chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi “Nhận hối lộ” số tiền 1.660.800.000 đồng, hành vi “Giả mạo trong công tác” đối với 975 chữ ký giả Đăng kiểm viên và “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” để điều chỉnh kết quả của 678 phương tiện đăng kiểm tại Trung tâm 71-02D. Tổng số tiền Trần Lập Nghĩa đã hưởng lợi từ các hành vi trái pháp luật tại các Trung tâm 62-03D, 71-02D và 83-02D là 14.767.035.311 đồng.

Bị cáo Huỳnh Thái Bảo, thực hiện chỉ đạo của Trần Lập Nghĩa, Bảo chỉ đạo Sơn Minh Khương và Đinh Quốc Thịnh ký giả 433 chữ ký của các Đăng kiểm viên không thực tế làm việc tại trung tâm; còn phải chịu trách nhiệm về số tiền nhận hối lộ tại Trung tâm 62-03D là 11.900.000 đồng và điều chỉnh kết quả của 678 phương tiện đăng kiểm tại Trung tâm 71-02D.

Bị cáo Nguyễn Minh Trị, thực hiện chỉ đạo của Trần Lập Nghĩa, Trị chỉ đạo Vũ Thanh Toàn ký giả 88 chữ ký Đăng kiểm viên Lê Văn Quốc, nên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Giả mạo trong công tác”. Phải chịu trách nhiệm về số tiền nhận hối lộ là 6.720.000.000 đồng, hưởng lợi 96.000.000 đồng. Bị cáo đã nộp lại 85.000.000 đồng.

Bị cáo Lê Thị Diễm Mi in sổ phân công đưa tên các Đăng kiểm viên không làm việc tại trung tâm để cho đồng phạm ký giả chữ ký nên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Giả mạo trong công tác” với vai trò đồng phạm 46 chữ ký giả trong tháng 7/2022 và phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Nhận hối lộ” với số tiền là 11.900.000 đồng.

leftcenterrightdel
  Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: AX)

Bị cáo Nguyễn Thanh Đông là Phó Giám đốc Trung tâm 71-02D từ tháng 12/2020 đã thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Trần Lập Nghĩa, Đông trực tiếp chỉ đạo nhân viên ký giả 202 chữ ký giả Đăng kiểm viên. Ngoài ra, Đông là người đã nhận phần mềm FORM1 từ Huỳnh Thái Bảo và trực tiếp sử dụng để xâm nhập phần mềm của Cục đăng kiểm, chỉnh sửa dữ liệu của 231 lượt phương tiện.

Bị cáo Trần Minh Lý là Phó Giám đốc Trung tâm 71-02D từ ngày 1/6/2022: thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Trần Lập Nghĩa, Trần Minh Lý là người trực tiếp chỉ đạo nhân viên ký giả 93 chữ ký ĐKV; Lý cũng đã sử dụng phần mềm FORM1 trực tiếp sử dụng để xâm nhập phần mềm của Cục đăng kiểm, chỉnh sửa dữ liệu của 160 lượt phương tiện.

Bị cáo Trần Văn Cảnh là Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 83-02D từ tháng 8/2020 đã thực hiện chủ trương của Trần Lập Nghĩa, Cảnh đã trực tiếp chỉ đạo nhân viên ký giả 159 chữ ký của Đăng kiểm viên. Ngoài ra, trong quá trình đăng kiểm Cảnh bỏ qua lỗi kiểm định của phương tiện theo chỉ đạo của Nghĩa để nhận hối lộ số tiền 1.648.900.000 đồng. Do đó bị cáo Trần Văn Cảnh phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Giả mạo trong công tác” và phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Nhận hối lộ”.

Nhóm bị cáo tại các Trung tâm đăng kiểm khối V

Đại diện Viện kiểm sát nhận định, kết quả điều tra, kết quả thẩm vấn trực tiếp đến nay có đủ căn cứ xác định lãnh đạo các trung tâm khối V có chủ trương cho phép các Đăng kiểm viên nhận tiền từ chủ phương tiện để bỏ qua lỗi, khiếm khuyết, hư hỏng của phương tiện khi tiến hành kiểm định và cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho các phương tiện. Số tiền nhận được sẽ được chia cho lãnh đạo, Đăng kiểm viên, nhân viên tại trung tâm, dành một phần làm quỹ tiếp khách ngoại giao và một phần để chung chi cho lãnh đạo Cục đăng kiểm.

leftcenterrightdel
   Phiên tòa được xét xử trực tuyến. (Ảnh: Đại Lánh)

Khi bị cáo Đặng Việt Hà được bổ nhiệm làm Cục trưởng, Hà đã đưa ra yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục đăng kiểm phải đặt quyền lợi của Hà là cao nhất. Đối với các Trung tâm đăng kiểm khối V, từ khoảng tháng 4/2022, Giám đốc các trung tâm có thông tin về chủ trương của Đặng Việt Hà yêu cầu các Trung tâm khối V phải nộp tiền hối lộ hàng tháng cho Hà với mức cố định từ 8.000 đồng đến 15.000 đồng/phương tiện trên tổng số phương tiện đến các Trung tâm để kiểm định. Do đó, tất cả lãnh đạo, Đăng kiểm viên các Trung tâm khối V đều phải tăng cường việc nhận tiền khi kiểm định để có tiền nộp cho Hà theo quy định.

Đối với nhóm các bị cáo tại Trung tâm đăng kiểm 50-03V, tại phiên tòa bị cáo Trần Văn Chủ, Bùi Văn Hữu, Vũ Văn Nguyên, Trần Đức Hòa khai báo chưa thành khẩn về việc triển khai chủ trương cho phép các Đăng kiểm viên, nhận tiền người đưa xe đến đăng kiểm tại trung tâm, nhưng thừa nhận có tình trạng tại trung tâm khi kiểm tra phương tiện dù có lỗi hay không có lỗi đăng kiểm viên đều có nhận tiền, giao chuyền trưởng, gom vào sau đó chia nhau; tiền chia nhau thừa nhận có hưởng lợi sử dụng cá nhân; Trần Văn Chủ còn sử dụng một phần tiền này đưa hối lộ lên lãnh đạo Cục đăng kiểm.

Tuy nhiên, các bị cáo là ban lãnh đạo trung tâm cho rằng không có chủ trương cho phép, biết việc Đăng kiểm viên bỏ lỗi để nhận tiền chia nhau, nhưng đều thừa nhận có nhận tiền từ các trưởng chuyền và Đăng kiểm viên đưa từ nguồn tiền của khách hàng đến hưởng lợi và nộp lên cấp trên, như vậy các bị cáo là lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, sự việc sai phạm có việc nhận tiền hối lộ xảy ra tại Trung tâm không chỉ diễn ra vài ngày vài tuần mà kéo dài cả năm, cho thấy các bị cáo mới chỉ thành khẩn một phần về hành vi phạm tội của mình. Kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ, lời khai của các bị cáo là Đăng kiểm viên, lời khai chủ phương tiện, của bị cáo là cò đăng kiểm… tại CQĐT và tại phiên tòa đều thể hiện có chủ trương cho phép nhận tiền từ lãnh đạo trung tâm đến các trưởng chuyền và Đăng kiểm viên.

Đối với bị cáo Trần Văn Chủ, với trách nhiệm là lãnh đạo, giám đốc trung tâm, bị cáo thừa nhận nội dung cáo trạng nhận định hành vi phạm tội xảy ra tại Trung tâm 03V là đúng, tuy không thừa nhận có chủ trương cho phép, chỉ đạo Đăng kiểm viên bỏ qua lỗi để nhận tiền khách hàng đến đăng kiểm. Nhưng bị cáo thừa nhận có nhận tiền từ các Trưởng chuyền đưa, có nguồn từ Đăng kiểm viên nhận của người đưa xe đến đăng kiểm, sử dụng một phần số tiền này đưa hối lộ đến Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình, căn cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời khai của các Đăng kiểm viên tại Trung tâm, xác định:

leftcenterrightdel
 Phóng viên các cơ quan báo chí theo dõi phiên toà qua màn hình. (Ảnh: Đại Lánh)

Bị cáo Trần Văn Chủ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Nhận hối lộ” quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 354 BLHS; với tổng số tiền Trung tâm 03V đã nhận hối lộ là 2.623.400.000 đồng, hưởng lợi bất chính 360.400.000 đồng, đã nộp lại đủ toàn bộ số tiền hưởng lợi.

Bị cáo Trịnh Lý Ân Phùng, Phó Giám đốc Trung tâm 03V, phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Nhận hối lộ” quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 354 BLHS; với số tiền 1.068.500.000 đồng và thu lợi bất chính 156.100.000 đồng; đã nộp lại 150.000.000đ.

Bị cáo Bùi Văn Hữu, Phó Giám đốc Trung tâm 03V, bị cáo không thừa nhận chủ trương nhận tiền hối lộ từ lãnh đạo trung tâm và cho rằng số tiền mà cáo trạng quy kết đối với bị cáo là không chính xác, nhưng bị cáo không nhớ đã nhận bao nhiêu.

Viện kiểm sát nhận thấy số tiền mà đơn vị truy tố đối với bị cáo phù hợp với tài liệu, chứng cứ khác, phù hợp số tiền được chia theo quy ước và phù hợp số tiền các Đăng kiểm viên khác nhận, cũng do chính bị cáo tự tính, xác nhận khi làm việc với Kiểm sát viên giai đoạn truy tố, do đó có đủ căn cứ xác định bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ với số tiền 1.402.400.000 đồng và thu lợi bất chính 182.430.000 đồng, đã nộp lại 94.000.000 đồng tiền thu lợi bất chính. Do đó, bị cáo Bùi Văn Hữu phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Nhận hối lộ” quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 354 BLHS; với số tiền 1.402.400.000 đồng

Đối với 3 Đăng kiểm viên bậc cao, là Trưởng chuyền, phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tổng số tiền cả chuyền đã nhận về hành vi “Nhận hối lộ” quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 354 BLHS như sau: Bị cáo Vũ Văn Nguyên với số tiền 808.100.000 đồng, hưởng lợi 111.150.000 đồng, đã nộp lại tiền thu lợi bất chính 93.200.000 đồng; Bị cáo Trần Phương Vũ, với số tiền 741.700.000 đồng, hưởng lợi 109.850.000 đồng, đã nộp lại 92.100.000 đồng; Bị cáo Nguyễn Trọng Nghĩa, với số tiền 1.159.400.000 đồng, hưởng lợi 164.900.000 đồng, đồng thời còn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức” đối với 113 hồ sơ nghiệm thu xe cải tạo, đã nộp lại 140.000.000 đồng. Bị cáo khai báo thành khẩn về việc tại Trung tâm có chủ trương, bị cáo là chuyền trưởng nên gom tiền, chia và đưa cho lãnh đạo trung tâm và các đăng kiểm viên.

Đối với các bị cáo tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V, bị cáo Nguyễn Đình Quân là Giám đốc từ năm 2014 đến tháng 5/2022; bị cáo Trần Anh Tú là Giám đốc từ tháng 6/2022 đến tháng 10/2022  cùng các lãnh đạo và Đăng kiểm viên thừa nhận có chủ trương nhận tiền để bỏ qua lỗi khi đăng kiểm phương tiện xe cơ giới; các đăng kiểm viên của trung tâm này quy ước: khi trên xe nếu có tiền sẽ kiểm tra qua loa, bỏ lỗi; nếu xe không có tiền sẽ “nhá đèn” nhằm ra hiệu cho các đăng kiểm viên trong chuyền kiểm tra kỹ để phải kiểm tra lần 2, phải đưa hối lộ mới đăng kiểm “đạt”. Tiền đăng kiểm viên nhận được tập hợp đưa cho Trưởng chuyền vào cuối ngày, chia cho bộ phận văn phòng, lãnh đạo trung tâm, Trưởng chuyền, các đăng kiểm viên và chừa phần tiền đưa lãnh đạo Cục đăng kiểm theo tỷ lệ.

Viện kiểm sát nhận thấy, quá trình điều tra, các bị cáo đều xác nhận số tiền tính tiền của từng phần nhận theo ngày, có số tiền thấp nhất cơ sở nhận làm cơ sở tính, mức thấp nhất này các bị cáo xác nhận, chấp thuận là có lợi cho các bị cáo khi xem xét trách nhiệm hình sự trong quá trình điều tra,. Số tiền tính phần bình quân theo ngày được nhận. Trong quá trình điều tra, các bị cáo đều khai, xác nhận thời gian công tác, số tiền được chia theo quy ước tại mỗi cơ sở, tiền hưởng lợi trong các lời khai tại CQĐT đều có Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích tham dự chứng kiến. Nay các bị cáo đề nghị xem xét phần số liệu đã xác nhận tại CQĐT và cáo trạng truy tố, nhưng không cung cấp được tài liệu có căn cứ để Viện kiểm sát xem xét lại số liệu này. Do đó, Viện kiểm sát xác định số liệu cáo trạng truy tố là phù hợp, có căn cứ và có lợi nhất cho các bị cáo./.

Việt An - Đại Lánh