Cuộc vận động gắn với phong trào thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong ngành Kiểm sát đến nay đã được trên 5 năm. Cộng tác viên báo Bảo vệ pháp luật có dịp trò chuyện với đồng chí Trần Thị Thu Trà - Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hưng (Thái Bình), người đạt danh hiệu Kiểm sát viên giỏi ngành Kiểm sát năm 2008.

 


- Trách nhiệm của người Kiểm sát viên giỏi với việc tiếp tục thực hiện việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với phong trào học tập làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” theo chị là gì? Và chị đã làm được những gì kể từ sau khi được công nhận danh hiệu Kiểm sát viên giỏi?


- Năm 2008 tôi được Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi ngành Kiểm sát Thái Bình xét công nhận đạt danh hiệu Kiểm sát viên giỏi và được đi dự Hội nghị Kiểm sát viên tiêu biểu toàn ngành Kiểm sát lần thứ nhất. Đây là vinh dự, tự hào, song tôi thấy còn phải tiếp tục phấn đấu rèn luyện nhiều hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của Ngành trong công cuộc cải cách tư pháp.


Suy nghĩ về trách nhiệm của Kiểm sát giỏi với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh” trong ngành Kiểm sát hiện nay, tự liên hệ với bản thân tôi thấy: Để đạt được danh hiệu đó, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải có quá trình rèn luyện bền bỉ, phấn đấu lâu dài. Bản thân mỗi Kiểm sát viên phải tự nỗ lực phấn đấu là chính. Nhưng sự phấn đấu đó thành công hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào môi trường nơi cá nhân đó công tác. Môi trường công tác của cá nhân được ví như là điều kiện cần cho hạt giống nảy mầm. Tập thể cơ quan, đơn vị chính là môi trường, là nhân tố nuôi dưỡng, tác động lớn đến sự thành công của mỗi cá nhân. Đồng thời tập thể cũng là nhân chứng ghi nhận sự phấn đấu, rèn luyện bền bỉ, không ngừng của mỗi cá nhân một cách sâu sát nhất.


 - Chị có thể nói rõ hơn về quá trình phấn đấu để trở thành Kiểm sát viên giỏi của chị?


- Năm 1994, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Kiểm sát, tôi được phân công về công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hưng. Năm 1999, tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được bổ nhiệm Kiểm sát viên. Hoàn thành xong chương trình Cử nhân Luật năm 2005, đến năm 2007 tôi được bổ nhiệm Phó Viện trưởng VKSND huyện. Hiện nay, tôi đang chuẩn bị tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.


16 năm, tuy chưa phải là dài, song cũng đã là nửa chặng đường công tác của mỗi con người. Bản thân tôi từ khi nhận nhiệm vụ đã xác định cho mình một trách nhiệm, đó là: Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hết mình, góp phần nhỏ bé phục vụ sự nghiệp bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và của công dân. Hoàn thành được trách nhiệm đó cũng là hoàn thành được nhiệm vụ của người Kiểm sát viên.


Tôi tâm niệm: Đã định làm việc gì thì làm cho đúng, bất kỳ việc to, việc nhỏ đều phải có kế hoạch, phải cẩn thận, phải quyết tâm làm cho thành công. Tôi xác định, làm bất cứ việc gì cũng phải có cái tâm; việc nước, việc chung được đặt lên trước việc tư, việc nhà.


Là người làm công tác thực tiễn, được giao xử lý nhiều vụ án, tiếp xúc nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, nên lời Bác dạy: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” tôi thấy cần phải được đặt lên hàng đầu. Trong quá trình giải quyết các vụ án, vừa ở cương vị Kiểm sát viên, vừa là người thực hiện quyền phê chuẩn các lệnh, quyết định, tôi luôn làm việc công bằng, minh bạch, khách quan. Trước khi đề xuất quan điểm hoặc ký phê chuẩn các lệnh, quyết định, tôi luôn thận trọng để đảm bảo việc xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để lọt tội phạm và làm oan người vô tội.


Ở cương vị Phó Viện trưởng VKSND huyện, tôi nhận thức trọng trách của mình đối với cơ quan đơn vị, đối với Ngành càng to lớn hơn, đó là: Phấn đấu làm sao để góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị luôn đạt thành tích cao nhất. Do vậy, tôi đã luôn chú trọng việc tham mưu giúp Viện trưởng đề ra chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu công tác và biện pháp thực hiện các chỉ tiêu thi đua để mọi cán bộ, Kiểm sát viên cùng phấn đấu hoàn thành. Bên cạnh đó, luôn giữ vững mối quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan tố tụng, cấp uỷ, chính quyền địa phương và các cấp, các ngành để nâng cao vị thế của Ngành và uy tín cá nhân.


- Chị có thể chia sẻ những kinh nghiệm của một Kiểm sát viên giỏi?


- Để có được những thành tích nêu trên, đặc biệt là danh hiệu Kiểm sát viên giỏi, tôi tự  rút ra cho bản thân một số bài học, kinh nghiệm:


Luôn nêu cao lời dạy của Bác Hồ đối với người cán bộ Kiểm sát, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, của Ngành, yêu Ngành, yêu nghề, không ngại khó, ngại khổ, chịu khó nghiên cứu học hỏi, nghiêm khắc với bản thân, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, giải quyết công việc có lý, có tình.


Là Kiểm sát viên, ngoài việc kiên quyết, vững vàng trong xử lý tội phạm, cần phải có một tấm lòng bao dung, rộng lượng đối với những người phạm tội biết ăn năn, hối cải để họ có cơ hội hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật. Đối với những đối tượng nguy hiểm, ngoan cố thì thái độ, chân thành, cởi mở của Kiểm sát viên là yếu tố quan trọng giúp việc giải quyết vụ án thành công, cảm hoá tội phạm...
Đạt được danh hiệu Kiểm sát viên giỏi của Ngành đã khó, để xứng đáng và giữ mãi được danh hiệu đó lại càng khó hơn.


- Xin cảm ơn chị và chúc chị ngày càng đạt được thành tích cao hơn trên mọi lĩnh vực công tác.

 

Thanh Bình (Thực hiện)
 

.